Gần đây, tỉnh Hà Nam Trung Quốc xảy ra trận lũ lụt bất thường hiếm thấy khiến lượng lớn người thương vong. Công chúng nghi ngờ số liệu nạn nhân mới nhất mà chính quyền Hà Nam công bố.

trinh chau 1
Đường hầm ở Trịnh Châu bị nước lũ tràn vào nhấn chìm rất nhiều xe đang lưu thông. (Ảnh cắt từ video).

Quốc vụ viện Trung Quốc phải thành lập nhóm điều tra lại

Ngày 29/7, giới chức Hà Nam cho biết lũ lụt ở Hà Nam làm 99 người thiệt mạng, 5 người mất liên lạc, trong đó 40 người thiệt mạng ở Trịnh Châu. Nhưng báo cáo được đưa ra sau đó 4 ngày thì số người chết vì lũ lụt ở Hà Nam tăng lên gấp đôi, trong đó số người chết vì lũ lụt ở Trịnh Châu tăng lên gấp 6 lần.

Tuy nhiên vào ngày 2/8, chính quyền tỉnh Hà Nam đã tổ chức một cuộc họp báo cho biết, toàn tỉnh có 302 người thiệt mạng vì trận lụt, còn 50 người khác mất tích; trong đó riêng ở Trịnh Châu có 292 người thiệt mạng và 47 người mất tích… Thông báo chính thức mới nhất cũng cho thấy nạn nhân lũ lụt ở Hà Nam chủ yếu tập trung ở Trịnh Châu, còn lại ở các khu vực khác chỉ có 10 người.

Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc đưa tin Quốc vụ viện Trung Quốc đã quyết định thành lập nhóm điều tra để điều tra lũ lụt ở Hà Nam và thuê các chuyên gia để hỗ trợ kỹ thuật cho cuộc điều tra.

Sau trận lụt, ông Li, một công dân của Trịnh Châu từng tham gia hoạt động phúc lợi công cộng giúp cứu trợ thiên tai và phân phát đồ tiếp tế, nói với phóng viên của Epoch Times: “Dữ liệu này chắc chắn không đúng, nếu không chính quyền trung ương sẽ không lập tổ điều tra. Đúng không?”. “Tôi thậm chí không dám nghĩ về con số (trong số các nạn nhân)”. “Tôi hy vọng rằng những gì họ (nhà chức trách) công bố là sự thật, nhưng điều đó là không thể”. “Hãy nhìn xem có bao nhiêu ô tô (ngập nước)?! Còn ở trong khu núi (lũ lụt) chưa có thông báo cho người dân. Hãy xem những video lũ lụt có tương ứng số lượng người [thiệt mạng] như công bố không? Điều đó là hoàn toàn không thể”.

Ông Li hy vọng sẽ điều tra rõ ràng hơn số người thiệt mạng.

Người dân Trịnh Châu muốn biết sự thật

Vào ngày 20/7 trận lũ cuồn cuộn đã tràn ngập Trịnh Châu, khiến khu tàu điện ngầm số 5 chở đầy hành khách bị ngập nước trong đường hầm. Một đường hầm ở cao tốc Jingguang tại thành phố Trịnh Châu cũng bị ngập khiến hàng loạt xe bị kẹt trong đường hầm chìm trong nước lũ… Số người chết của hai khu vực này được công luận chú ý nhất.

Tại cuộc họp giao ban ngày 2/8, ông Thị trưởng Hầu Hồng của Trịnh Châu cho biết số liệu tính đến ngày 1/8 cho thấy 39 người đã bị chết đuối trong các không gian ngầm như tầng hầm, nhà để xe và mạng lưới đường ống ngầm; trong đó 14 người ở tuyến tàu điện ngầm 5 và 6 người ở đường hầm cao tốc Jingguang.

Nhưng ông Li kể với Epoch Times rằng ông không tin vào số liệu này, “Dù sao thì tôi cũng sẽ không tin, không thể chỉ từng ấy người”.

Ông cho rằng có quá nhiều video tiết lộ tình hình lúc đó, “Có một cô bé cho biết trên mạng  rằng cô ấy là người duy nhất bước ra từ toa hành khách cuối cùng. Không biết có bao nhiêu người trong toa khách đó, chỉ biết còn mình cô bé đó sống sót”.

Người đi khảo sát thực tế lên án cơ quan chức năng

Ngày 28/7, nhà bất đồng chính kiến ​​ở Hồ Bắc là Chen Jianxiong đã đến Trịnh Châu để kiểm tra thực tế hiện trường, đặc biệt là thăm các nhà buôn bán kinh doanh gần đường hầm ở cao tốc Jingguang và tuyến tàu điện ngầm số 5.

Ông cho biết nhiều người trong số họ có mặt tại hiện trường nên biết rõ nhất (tình hình khi đó). Ông nói với phóng viên của Epoch Times: “Con số 14 người chết ở tàu điện ngầm và 6 người chết trong đường hầm ở cao tốc Jingguang đều là tuyên bố hồ đồ. Tôi hỏi cụ thể nhiều người mở cửa hàng nhỏ ven đường thì không ai tin vào số liệu đó và họ đều rất bất bình với chính quyền, vì họ (quan chức) đã gian dối một cách trắng trợn”.

Ông hỏi dò những chủ quán ven đường ở khu vực đó xem họ đoán có bao nhiêu người thiệt mạng, nhưng họ cho biết: “Không rõ, chỉ biết rằng hàng trăm chiếc xe bị kẹt ngập bên trong, đường hầm Jingguang (độ sâu mực nước cao nhất) khoảng 6-7 mét nước, toàn bộ [hàng trăm chiếc xe] ngập nước trong đó thì có bao nhiêu người chết?!”

Ông Chen Jianxiong cũng đặc biệt đến hỏi thăm chủ các cửa hàng nhỏ như cửa hàng thực phẩm và siêu thị nhỏ gần ga Shakou, đều được họ cho biết hoàn toàn không tin vào số liệu công bố của cơ quan chức năng, dù họ không rõ cụ thể bao nhiêu người thiệt mạng, nhưng chắc chắn không tin số liệu chính quyền công bố.

Nhà bất đồng chính kiến ​​nổi tiếng Xue Mingkai là người dân ở Trịnh Châu cho biết vào ngày 29 họ tổ chức thắp 14 ngọn nến ở đường xe điện ngầm, trong số người tham gia có một người may mắn sống sót cũng cho biết con số người thiệt mạng không thể chỉ là từng này người (14 người).

Chen Jianxiong nói rằng thói quen của các nhà chức trách là không tiết lộ sự thật, họ chỉ có thể nói làm sao có lợi cho công việc của họ.

Còn thiếu nhiều dữ liệu thảm họa ở khu vực vùng núi

Ngoài thành phố Trịnh Châu, nhiều nơi ở Hà Nam như Tân Hương, Hạc Bích, An Dương… còn bị ngập trong nước lâu hơn cả Trịnh Châu. Hơn nữa ở các vùng nông thôn là những nơi thường xuyên hơn chịu cảnh bị xả lũ đột ngột. Nhiều video được truyền tải trên mạng cho thấy thương vong ở các vùng nông thôn khá nghiêm trọng.

Thông báo của cơ quan chức năng vào ngày 2/8 không đề cập đến số nạn nhân ở Hình Dương gần Trịnh Châu. Theo phóng viên của Epoch Times, ít nhất 23 người ở khu thôn Ngọc Tôn Điếm (Wangzongdian) tại Hình Dương đã bị vùi lấp do nhà sập hoặc bị lũ cuốn trôi.

Ông Li nói với Epoch Times rằng khu thôn Ngọc Tôn Điếm thuộc vùng nông thôn của Trịnh Châu là vùng nông thôn miền núi. Trong trận lụt này có nhiều ngôi làng bị tương tự như làng Ngọc Tôn Điếm, số người thiệt mạng từ 10 – 20 người.

Ông Li nói: “Những vùng núi bị ngập. Dân làng họ đều nói vậy. những làng này gần sông, khi lũ đổ về là dễ dàng cuốn trôi mọi thứ mà người dân không thể thoát được”.

Ông cho biết vẫn còn nhiều người bị lũ bủa vây ở nhà: “Thượng nguồn có đập, vỡ đập rồi nước tràn vào, người dân sống ở đó không dám mở cửa ra ngoài. Họ không thể thoát ra được…”.

Ông nói rằng rất khó để xây dựng lại ở các vùng miền núi: “[Như vẫn thấy] khi các vùng núi xảy ra lũ lụt trên diện rộng thì việc khắc phục rất chậm, nhiều nhà dân bị phá hủy, sẽ mất nhiều thời gian xây dựng lại”.

 Theo Lý Khung, Epoch Times

Xem thêm: