Ngày 20/12, truyền thông Đại Lục đưa tin có thêm 4 học giả và người nổi tiếng qua đời vì bệnh tật, nhưng không cho biết liệu họ có mắc viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) hay không. Cùng ngày, ĐCSTQ công bố có thêm 5 người đã chết vì dịch bệnh, đến nay mới có 7 người chết trong đợt dịch bệnh này, và công bố tiêu chuẩn tử vong mới, bị ngoại giới nghi ngờ.

id13887832 Collage Maker 19 Dec 2022 07.45 PM 600x400 1
Một đoạn video được công bố vào ngày 19/12/2022 cho thấy có rất nhiều xác chết được phủ vải trắng trong Bệnh viện Thùy Dương Liễu (Chuiyangliu) ở Bắc Kinh chưa được mang đi xử lý. (Ảnh chụp màn hình video)

Hơn 30 người qua đời tại Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh

Gần đây, nhiều giáo sư của Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh danh tiếng đã liên tiếp qua đời.

Trên mạng lan truyền thông tin từ ngày 10/11 đến ngày 10/12, Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đã công bố cáo phó của 18 người bao gồm nhân viên đã nghỉ hưu, giáo viên, giáo sư và thậm chí cả viện sĩ. Một giảng viên đã xác nhận thông tin này với Thông tấn xã Trung ương, nói rằng mặc dù không thể xác nhận cái chết của những người cao tuổi này có liên quan đến dịch bệnh, nhưng thật khó để không liên tưởng như vậy.

p3260261a757362005
Từ ngày 10/11 đến ngày 10/12, Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đã công bố cáo phó của 18 người bao gồm cựu nhân viên đã nghỉ hưu, giáo viên, giáo sư và thậm chí cả viện sĩ. (Ảnh: MXH)

The Paper đưa tin, Giáo sư Ngô Quán Anh của Đại học Thanh Hoa đã qua đời vì bạo bệnh vào sáng ngày 20/12, hưởng thọ 67 tuổi. Bài đăng cuối cùng của ông trên Weibo là vào ngày 9/12.

Vào ngày 14/12, cư dân mạng Twitter @h5LPyKL7TP6jjop đã tweet rằng số lượng cáo phó tại Đại học Bắc Kinh thật đáng kinh ngạc, số lượng lớn giáo sư qua đời cho thấy vấn đề gì. Nội dung cho thấy trong vòng hơn 30 ngày, (từ cáo phó của một giáo sư Khoa Hành chính ngày 31/10 đến cáo phó của một giáo sư Khoa Tiếng Trung ngày 6/12), đã có 16 người chết.

The Paper đưa tin, trong đó có nhà ngôn ngữ học nổi tiếng 86 tuổi Phù Hoài Thanh qua đời vào ngày 5/12, tiến sĩ Triệu Quang Vũ Khoa Triết học của Đại học Bắc Kinh, nhà sinh lý học nổi tiếng 86 tuổi Chu Tằng Thuyên kiêm cựu Trưởng khoa Khoa học Đời sống của Đại học Bắc Kinh, v.v.

Nhiều học giả và người nổi tiếng qua đời

The Paper cũng đưa tin ông Trần Cảnh Lượng, cựu Giám đốc của China Film Archive, cựu Giám đốc kiêm Bí thư đảng ủy của Trung tâm Nghiên cứu Nghệ thuật Điện ảnh Trung Quốc, đã qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 19/12 do bạo bệnh, hưởng thọ 76 tuổi.

Tờ báo cũng cho biết, ông Phương Học Huy, nhiếp ảnh gia Hoa kiều, kiêm cựu thành viên ban biên tập “Tin tức tham khảo” của Tân Hoa Xã, kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa kiều Trung Quốc, đã qua đời tại Bắc Kinh do bệnh tật vào sáng ngày 19/12, hưởng thọ 89 tuổi.

Ngoài ra, The Paper cho biết nghệ sĩ kinh kịch Trữ Lan Lan đã qua đời vào sáng sớm ngày 18/12 ở tuổi 39 vì bạo bệnh.

Gần đây, phóng viên Dương Lương Hóa 74 tuổi của “Nhân dân Nhật báo” cũng qua đời vì nhiễm trùng phổi sau khi mắc COVID vào ngày 15/12. Vương Nhược Cát, cựu cầu thủ bóng đá 37 tuổi của Giải bóng đá Super League Trung Quốc, đã qua đời vì bệnh tật sau khi nhiễm COVID vào ngày 12/12.

Ông Trương Đức Lộc 66 tuổi, Giám đốc của Viện Nghiên cứu Chiến lược Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, qua đời vào ngày 14/12. Cựu Phó chủ tịch kiêm Phó tổng biên tập “Nhật báo Thanh niên Trung Quốc” Chu Chí Xuân 77 tuổi, cũng qua đời vào ngày 8/12 tại Bắc Kinh…

Báo cáo chính thức về số người tử vong do COVID rất thấp, ngoại giới nghi ngờ

Gần đây, một đợt dịch mới bùng phát ở Trung Quốc, khiến số người lây nhiễm tăng vọt. Đặc biệt tại Bắc Kinh, nhà tang lễ và lò hỏa táng ở nhiều nơi đều chật kín, các hiệu thuốc bị vét sạch thuốc hạ sốt. Nhưng số người chết do COVID được giới chức công bố lại rất thấp.

Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố tình hình dịch bệnh gần đây, cho biết vào ngày 19/12 có 2.722 ca nhiễm mới được xác nhận và 5 ca tử vong mới; 2 ca tử vong ngày 18/12 và 7 ca tử vong gần đây đều đến từ Bắc Kinh. Dư luận nhanh chóng chất vấn độ tin cậy của số liệu chính thức này.

Ngày 20/12, tại cuộc họp báo về Cơ chế kiểm soát và phòng ngừa chung của Quốc vụ viện ĐCSTQ, ông Vương Quý Cường, một chuyên gia từ Đại học Bắc Kinh, giải thích rằng gần đây Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia đã làm rõ việc phân loại các ca tử vong. Tử vong vì viêm phổi và suy hô hấp do virus gây ra được xếp vào loại tử vong do nhiễm trùng.

Ông Lục Hy, Trợ lý Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với United Daily News rằng hiện tại, Trung Quốc đã ngừng tiến hành xét nghiệm axit nucleic cho người dân theo khu vực hành chính, nên đã mất đi kênh theo dõi tình hình dịch bệnh. Các ca lây nhiễm được báo cáo rất khác với những gì mọi người biết trong thực tế, nên bị mất đi sự tín nhiệm.

“Số ca được báo cáo chính thức mỗi ngày là hơn 2.000 ca, nhưng trên thực tế thì thêm hai số 0 vào còn tương đối.”

Ông Hoàng Nghiêm Trung (Yanzhong Huang), Chuyên gia y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, cho biết: “Các số liệu (chính thức của ĐCSTQ) rõ ràng đã hạ thấp số người chết vì COVID-19”.

Về số người chết vì dịch bệnh ở Trung Quốc, ngày 19/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, xét về quy mô nền kinh tế Trung Quốc, số người tử vong vì COVID ở Trung Quốc rất đáng lo ngại so với các khu vực khác trên thế giới. Hoa Kỳ hy vọng Trung Quốc có thể ứng phó hiệu quả với dịch bệnh tại nước này.

Tờ New York Times hôm 15/12 đã đăng một bài viết có tiêu đề “3 năm thực hiện zero COVID: Nỗi đau tập thể của người dân Trung Quốc và một chính phủ sẽ không bao giờ xin lỗi”. Kết quả điều tra chỉ ra rằng ĐCSTQ đã che giấu số người chết vì dịch bệnh.

Gần đây, sau khi nhiễm COVID-19, ông Hồ Tích Tiến, cựu Tổng biên tập “Thời báo Hoàn Cầu” – kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, cho biết trên Weibo rằng kể từ tháng 11, số ca nhiễm COVID ở Bắc Kinh đã liên tục gia tăng, số người lây nhiễm trong xã hội đã vượt khỏi tầm kiểm soát.

Bài bình luận trên của ông Hồ Tích Tiến bị nghi ngờ đã vô tình “làm lộ bí mật” ĐCSTQ che giấu dịch, sau đó nó đã “biến mất” khỏi Weibo. Ngược lại, chính quyền lại đổ trách nhiệm cho “Phong trào Giấy trắng” đã gây ra thảm cảnh này.

Bình Minh (t/h)