Sau một loạt các biện pháp đả kích dồn dập, ĐCSTQ bất ngờ đưa ra các chính sách như thanh tra thuế đối với các doanh nghiệp tư nhân, đàn áp những người nổi tiếng… Trốn thuế, lậu thuế vốn là chuyện từ trước nay của các minh tinh và các công ty tư nhân, sao đợi đến giờ mới bị xử lý?

(Bài viết của nhà văn Nhan Thuần Câu thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.)

shutterstock 211339096
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Nếu một quốc gia muốn đưa ra các chính sách ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân và sinh kế của người dân, thì quốc gia đó nên cân nhắc kỹ lưỡng, lắng nghe dư luận, xem xét các tác động bên trong và bên ngoài, sau đó thực hiện từng bước. Nói chung, các chính sách lớn không nên dồn thành một đống mà cần phải làm bài bản, tuần tự các việc, để chính quyền và người dân có đủ không gian và thời gian giải quyết áp lực và tác động từ những thay đổi này.

Tuy nhiên, “chính sách mới” trên toàn quốc gần đây của ĐCSTQ đến dồn dập, lộn xộn, bất kể lợi ích và tác hại đều không cho phần dư để xoay sở, như thể một người đang đối mặt với thảm họa sắp ập đến vậy, chỉ kịp vơ lấy mấy đồ giá trị nhét vào túi rồi đạp cửa chạy thoát thân.

Lý do cho điều này là gì? Nguyên nhân trực tiếp nhất là các yếu tố bất lợi bên trong và bên ngoài lũ lượt kéo đến. Ví như ngoại cảnh bất ổn, nhưng nội bộ vững vàng thì không phải sợ hãi, hoặc nội bộ bất ổn nhưng ngoại cảnh thuận lợi, vậy thì vẫn còn khoảng dư để đối phó. Còn như cả trong lẫn ngoài đều đè ép, tốt nặn thành xấu, xấu nặn thành xấu hơn, ngày càng gay gắt, cuối cùng bùng nổ, thì đó không còn là chuyện đơn giản nữa.

Do đó, ĐCSTQ gần đây đã nóng lòng rút máu trước, tự kích nổ một số yếu tố bất ổn (như bất động sản và tài chính), và loại bỏ trước một số ảnh hưởng lâu dài đối với sự ổn định (như khối tài sản khổng lồ của các đại gia công nghệ), rồi tập trung làm hai việc, một là nhanh chóng tích lũy tiền bạc trong tay, hai là xoa dịu dân chúng tầng đáy.

Thu tiền thì khỏi phải nói, kho bạc rỗng không, túi không cũng mắc cỡ, chính quyền nhiều địa phương thậm chí không trả nổi lương cho cán bộ công chức, đã có nhiều tỉnh, thành phố xảy ra biểu tình đòi lương. Nền kinh tế suy thoái, tiền thu từ thuế cũng khô kiệt, bất cứ nơi nào có dòng tiền thặng dư, ĐCSTQ sẽ vươn tay đến đó. Kiểm tra thuế với các công ty tư nhân hay ép những người nổi tiếng phải nhả tiền, đều là cùng một kiểu như nhau.

Mặt khác, ở một xã hội đầy rẫy những khủng hoảng, sợ nhất là những người nghèo ở dưới đáy sẽ không còn đường sống. Người Trung Quốc tất nhiên là đã từng phải ăn cỏ, nhưng ăn cỏ có phải chuyện vui không? Bốn mươi năm cải cách mở cửa, đời sống tầng lớp dưới cùng được cải thiện, dù vẫn huênh hoang chuyện toàn diện thoát nghèo, nhưng người nghèo đều đã biết thế nào là sống tốt. Trong vài thập kỷ qua, thông tin tương đối tự do, cuộc sống tốt đẹp của người nước ngoài có thể nhìn thấy được rồi, mọi người dần có những hiểu biết sâu sắc, họ đã lại có cách nghĩ khác. Từ thanh đạm sang xa xỉ thì dễ chuyển, nhưng từ xa xỉ sang tiết kiệm thì khó rồi, giờ lại phải để cho người Trung Quốc ăn cỏ, đổi con để ăn như thời nạn đói, còn phải ngoan ngoãn chết… “không còn bài nào để hát nữa” rồi!

Điều mà ĐCSTQ lo sợ nhất là cái bụng đói meo của người dân dưới đáy, theo phương ngữ miền Bắc: đi chân không (thì) sợ gì xỏ giày! Người ở tầng dưới thấp có “mỗi cái mạng cùi”, không có xe, không có nhà, tuổi trẻ không dám lấy vợ sinh con, cũng không có gì để mất. Một khi những kẻ nghèo nàn này nổi giận, tụ tập và gây rối khắp nơi, thì ĐCSTQ sẽ không thể yên tâm.

Tầng lớp trung lưu ở thành phố, nhà có già trẻ, đồ đạc này kia không bỏ được, không dễ mà dám thô bạo, ngược lại nông dân lao động chăm chỉ, kiếm tiền cực khổ, một khi đã không sống nổi, tập hợp lại làm chuyện cũng không sợ hậu quả về sau. Người này người kia cùng hô hào nhau, làm loạn khắp nơi, xong chuyện liền phủi mông về quê, thì biết tìm người ở đâu?

Do đó, việc san phẳng tầng lớp phát đạt chiếm thiểu số để xoa dịu tầng lớp người nghèo chiếm đa số đã trở thành chuyện cấp bách của ĐCSTQ, nếu giờ còn chưa nghĩ ra cách khắc phục thì không kịp.

Người anh em Meituan mưa gió bán hàng, mỗi đơn hàng chỉ kiếm được vài đồng, ĐCSTQ yêu cầu công ty phải chi tiền bảo hiểm cho họ, để họ tổ chức công đoàn lao động. Khi đã có công đoàn lao động, họ có thể đoàn kết lại để mặc cả với công ty, tăng thu nhập trung bình. Đây là cách làm cách mạng cũ của ĐCSTQ: Cướp người giàu và giúp đỡ người nghèo, đoàn kết đa số và chống lại một nhóm nhỏ.

Thời đầu làm cách mạng, bản thân ĐCSTQ chưa phát triển, ngày nay, thế hệ “Hồng nhị đại” của ĐCSTQ đã giàu lên trước, tài sản hàng tỷ. Bản thân ĐCSTQ đã trở thành kẻ áp bức và bóc lột, người cách mạng đã trở thành mục tiêu của cách mạng. ĐCSTQ nhắm mũi nhọn vào một số rất nhỏ các tầng lớp giàu có trong xã hội, nhằm mục đích chuyển sự bất mãn của dân tầng lớp thấp, chuyển sự oán giận của người nghèo khổ sang những người nổi tiếng, ông chủ của các công ty tư nhân và những ‘gã khổng lồ’ Internet, giúp người nghèo tìm kiếm công lý.

Bao nhiêu tiền cướp bóc thu được nằm lại trong túi riêng của những kẻ trung gian, còn bao nhiêu được trả lại cho xã hội, chỉ có ĐCSTQ mới biết. Nông dân Trung Quốc chưa bao giờ đòi hỏi giải thích cặn kẽ, một khi chính quyền bày ra việc “cướp của người giàu đi cho người nghèo”, thì dân nghèo liền phải hô vang vạn tuế. Bằng cách này, người giàu sẽ bị thiệt hại, còn người nghèo sẽ bình tĩnh, vì vậy không ai sẽ tụ tập lại để yêu cầu ĐCSTQ giải thích. Đây là lý do tại sao ĐCSTQ đã “đả côn loạn xạ” gần đây.

Thật đáng tiếc, khi chính trị bày ra, đủ loại chính sách đấu đá lẫn nhau, một bên cố gắng làm hài lòng người nghèo, một bên lại đẩy nhiều thường dân vào hàng ngũ người nghèo (xóa bỏ ngành dạy thêm, đàn áp trò chơi điện tử, làm đẹp, giải trí v.v … tạo ra hàng chục triệu người thất nghiệp), một bên gỡ mìn, một bên chôn càng nhiều mìn hơn, làm việc gì cũng là tự đi làm khó chính mình, nếu cứ tiếp tục như vậy mãi thì xã hội đến bao giờ mới yên bình?

Nhan Thuần Câu, Vision Times
(Bài viết của nhà văn Nhan Thuần Câu, thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.)

Xem thêm: