Trong bối cảnh dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ hoành hành, nạn sâu keo mùa thu đã tấn công diện tích đất trồng trọt tại Vân Nam, Tứ Xuyên nhiều gấp khoảng 90 lần so với cùng kỳ năm ngoái, ước tính gây thiệt hại cho hàng chục triệu hecta đất nông nghiệp khắp Trung Quốc. Gần đây, một hiện tượng lạ khác lại tiếp tục xuất hiện. Nhiều người đã quan sát thấy từng đàn chim lớn bay lượn đầy bầu trời, nhiều con bất ngờ rơi xuống đất mà chết không rõ lý do. Người dân hết sức lo lắng liệu có dịch bệnh nào mới có thể phát sinh.

Spodoptera frugiperda worm
Sâu keo mùa thu (Ảnh: Wikimedia)

Tờ “Tin tức Kinh tế Hàng ngày” đưa tin, loài sâu keo mùa thu gây hại nông nghiệp đã nhanh chóng lan rộng và tấn công hàng loạt giống cây trồng ở Vân Nam, Tứ Xuyên. Tính đến ngày 10/2, loài sâu này đã tấn công khoảng 240.000 hecta đất trồng trọt, nhiều gấp khoảng 90 lần so với cùng kỳ năm ngoái, và có nguy cơ đe dọa tới 80 triệu hecta đất trồng. Sâu keo mùa thu cũng tấn công Vân Nam và Hải Nam sớm hơn khoảng 30 – 40 ngày so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2019, sâu keo mùa thu đã tấn công khoảng 25 tỉnh thành ở Trung Quốc. Ngay trong năm ngoái, ông Vương Chấn Doanh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Côn trùng Nông nghiệp thuộc Viện Bảo vệ Thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc đã nhận định, số lượng côn trùng gây hại mùa màng trong năm 2020 sẽ vượt xa năm 2019, khi các loại côn dùng từ nước ngoài lan đến Đại Lục hòa vào cùng các loài côn trùng ở bản địa.

Trong khi nỗi lo về sâu gây hại mùa màng đang đe dọa, mới đây người dân cũng phát hiện thêm một hiện tượng kỳ lại ở quận Hùng An, tỉnh Hà Bắc. Chim đen bay thành từng đàn, từng đàn xung quanh các khu dân cư không chịu rời đi, một số chúng rơi từ trên không xuống và chết bên lề đường, hiện vẫn không rõ nguyên nhân.

Căn cứ vào đoạn video được đưa lên mạng Internet, một số người nhận định những con chim ngã xuống chết đó thuộc loài quạ. Cũng có suy đoán rằng những con chim đen này vẫn có đốm trắng ở phẩn cổ và thân, nên có thể thuộc về loài hỷ tước (chim khách). Người dân hiện hết sức lo lắng, bởi chim chết rơi xuống còn gọi là “chim sa” thường là điềm báo không lành.

Ngoài ra, việc các loài chim chết không rõ nguyên nhân còn có thể tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Gần đây, truyền thông Đại Lục từng đưa tin về dịch cúm gia cầm đang diễn ra ở một số tỉnh thành tại Trung Quốc, dịch bệnh ở một số nơi phát sinh từ các loài chim hoang dã. Do đó không ít người lo ngại chim đen ở Hùng An chết là do nhiễm virus giống cúm gia cầm.

Ngày 9/2, gia cầm nuôi tại một trang trại ở huyện Tây Sung, thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên đã bị nhiễm dịch cúm H5N6, tỷ lệ chết là hơn 70%. Nhà chức trách cho biết kể từ khi dịch bệnh bùng phát, họ đã cho tiêu hủy 2.261 con gia cầm. 

Trước đó, ngày 01/2, dịch cúm gia cầm H5N1 cũng bùng phát ở huyện Song Thanh, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam khiến 7.850 con gà nhiễm bệnh, 4.500 con đã chết. Được biết, virus cúm gia cầm H5N1 có nguồn gốc từ gia cầm và chim hoang dã, loại virus này có thể truyền sang người, nhưng không dễ để có thể truyền bệnh từ người sang người.

Minh Ngọc

Xem thêm: