Trên mạng lan truyền thông tin, vào lúc 18:00 ngày 16/11, sinh viên Đại học Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) một lần nữa tụ tập biểu tình, tuần hành phản đối chính sách phòng chống dịch bệnh. Sau vụ việc, một số sinh viên tham gia đã bị “giữ lại ở trường để điều tra và xử lý”, thậm chí cả bạn cùng phòng của họ cũng bị “thẩm vấn”. Cảnh sát địa phương đã đổ lỗi vụ việc này là do thế lực nước ngoài.

p3245951a537852621 ss
Tối ngày 16/11, trên Internet lan truyền thông tin sinh viên Đại học Trịnh Châu lại tụ tập biểu tình và phản đối chính sách phong tỏa chống dịch. (Ảnh chụp màn hình video)

Các sinh viên cho biết, Đại học Trịnh Châu bắt đầu phong tỏa trường đến nay đã hơn 37 ngày, nhà trường cơ bản phớt lờ yêu cầu của sinh viên.

Vào ngày 17/11, cư dân mạng “Giáo viên Li không phải là giáo viên của bạn” tung ra một đoạn video nói rằng đã có hai cuộc biểu tình tại Đại học Trịnh Châu trong năm nay. Lần đầu tiên là vào ngày 22/5, khi các trường cao đẳng và đại học khác lần lượt cho nghỉ trước lịch, nhưng Đại học Trịnh Châu không thông báo, khi đó có hàng ngàn sinh viên đã tụ tập để phản đối. Vào tối ngày 16/11, Đại học Trịnh Châu lại xảy ra một cuộc biểu tình khác của sinh viên.

Nguyên nhân vụ việc là do vào ngày 15/11, cửa hàng nhỏ “Guagua Ya” trong Đại học Trịnh Châu đã đăng thông tin cho biết sẽ giúp sinh viên mang bánh sinh nhật, tài liệu [ôn thi] cho sinh viên thi tuyển sinh sau đại học và thuốc cho sinh viên bị ốm, từ bên ngoài vào trường miễn phí. Do đó cửa hàng này đã bị phạt tiền 3.000 nhân dân tệ và bị ngừng bán hàng để chấn chỉnh. Một số sinh viên cho biết, nhà trường đang phong tỏa kiểm soát dịch, sinh viên không thể ra khỏi cổng trường, chuyển phát nhanh không vào được. Sau khi vụ việc gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet, nhà trường đã thu hồi hình phạt đối với cửa hàng.

Vụ việc này đã khiến một số lượng đáng kể sinh viên Đại học Trịnh Châu không thể chịu đựng được bộ máy quan liêu của trường. Cùng lúc đó, vụ “thực phẩm halal (cho người theo đạo Hồi) có chứa thịt lợn” đã xảy ra tại căng tin của Đại học Trịnh Châu, làm dấy lên sự bất mãn của các sinh viên dân tộc thiểu số. Vì vậy, một số sinh viên đã nêu ra 9 câu hỏi trong nhóm QQ như: “Vì sao vẫn có dịch bệnh sau hơn một tháng phong tỏa”, v.v.

Một số sinh viên bắt đầu tổ chức biểu tình và đưa ra những lời kêu gọi: “Chống quan liêu, lên tiếng cho sự phấn đấu và khổ đau”, v.v. Thời gian tập trung là lúc 18:00 ngày 16/11 , đồng thời thiết lập một số điểm hẹn, đồng thời nhắc nhở “ăn no trước, chuẩn bị chiến đấu”. Và đưa ra 9 kháng nghị chính như “hủy bỏ các lớp học và thi kết thúc sớm; sắp xếp tự nguyện về quê và về nhà học trực tuyến”, v.v.

p3245953a2649401 ss
Trên Internet lan truyền thông tin về thời gian, địa điểm và lộ trình cuộc tuần hành của sinh viên Đại học Trịnh Châu. (Ảnh chụp màn hình)
p3245952a136414285 ss
Theo thông tin chia sẻ trên mạng, sinh viên Đại học Trịnh Châu đưa ra 9 câu hỏi (Ảnh chụp màn hình)
p3245954a799725259 ss
Theo thông tin chia sẻ trên mạng, sinh viên Đại học Trịnh Châu đưa ra 9 yêu cầu (Ảnh chụp màn hình)

Trong video, dường như có một lãnh đạo nhà trường tại điểm tập trung nói: “Có thể cử vài người đại diện được không?” 

“Không tụ tập có được không?” 

Một số sinh viên nói: “Chúng em đều là đại diện.” 

“Vì sao phong tỏa một tháng rồi mà vẫn còn virus?” 

“Ngày nào cũng gửi thư vào hòm thư của hiệu trưởng, ông ấy có trả lời không?” 

“Ông có thể giải quyết vấn đề gì, ông nói đi?” 

“Toàn là lời sáo rỗng!” 

“Đừng có tìm có đại diện hay không nữa!”

Lãnh đạo nhà trường chỉ định một số sinh viên làm đại diện, một nữ sinh thẳng thắn nói: “Ông tìm tôi làm đại diện, sau sự việc này, liệu có tìm chúng tôi để xử lý?”.

Một nam sinh đáp: “Hiện giờ tìm đại diện, là muốn thanh toán người ta!”.

Một nữ sinh hét lên: “Các ông chắc chắn sẽ làm điều này! Các ông đã làm điều này suốt thời gian qua!”.

Người lãnh đạo nói: “Các em phải tin tưởng vào giáo viên của Đại học Trịnh Châu”.

Nhiều sinh viên hét lên: “Không tin!”.

Vị lãnh đạo này cũng cho rằng ở đây tranh luận như thế này không thể giải quyết được vấn đề, và nhiều sinh viên đã trả lời “có thể”. 

Có sinh viên nói: “Thế này không giải quyết được vấn đề, vậy thì cái gì có thể giải quyết vấn đề?” 

“Những lời trên mạng thì sẽ bị xóa!” 

“Vì sao không chấp hành 20 quy định cho khu vực rủi ro thấp?” 

“Gỡ phong tỏa!”

Thông tin sau đó được cập nhật trên mạng cho thấy một số sinh viên đã bị ‘tính sổ’, cảnh sát Trịnh Châu đổ lỗi vụ việc này cho các thế lực nước ngoài. Hiện chính quyền chưa có phản hồi chính thức.

Vào ngày 17/11, cư dân mạng “Giáo viên Li không phải là giáo viên của bạn” đã tweet một tin nhắn khác, nội dung của cuộc trò chuyện trực tuyến cho thấy: “Các sinh viên vào tòa nhà hành chính của trường đã bị ‘thanh toán’. Sinh viên bị giữ lại trường để điều tra và xử phạt, bị mời làm việc, tra hỏi, viết cam kết. Cảnh sát mạng cũng kiểm tra điện thoại, nhận định có sự tham gia của thế lực phản Hoa ở nước ngoài.” “Những hoạt động của sinh viên như thế này sẽ ngày càng ít đi trong tương lai.”

Gần đây, thành phố Trịnh Châu ghi nhận trung bình 2.000 ca nhiễm dương tính mỗi ngày. Theo dữ liệu được báo cáo trên trang web chính thức của Ủy ban Y tế và Sức khỏe tỉnh Hà Nam, vào ngày 11/11, thành phố Trịnh Châu có 2.157 ca nhiễm mới tại địa phương. Trong 6 ngày gần đây Trịnh Châu có tổng cộng 13.496 trường hợp dương tính. Tuy nhiên, dữ liệu công khai chính thức luôn bị thế giới bên ngoài nghi ngờ và tình hình thực tế có thể tồi tệ hơn.

Trí Đạt (t/h)