Có thông tin chỉ ra, nếu Bắc Kinh hoàn thành việc chế tạo hai tàu sân bay chạy bằng động lực hơi nước thì sẽ gác lại kế hoạch làm hai tàu sân bay thứ năm và thứ sáu chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tàu Liêu Ninh
Tàu Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: Tik Tok/Shutterstock)

Theo SCMP (South China Morning Post) và National Interest, lý do thực sự khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ bỏ kế hoạch hàng không mẫu hạm dùng năng lượng hạt nhân là vì “những thách thức kỹ thuật và chi phí quá cao”.

Trong hơn một thập kỷ qua, ĐCSTQ không ngừng xây dựng kế hoạch phát triển quân sự với mục tiêu hoàn thành 6 chiếc tàu sân bay. Tàu sân bay Liêu Ninh được biết đến là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có tiền thân là tàu Varyag (Варяг), thực tế chỉ là “tàu tuần dương máy bay” cũ của Liên Xô. Năm 1998, doanh nhân Từ Tăng Bình người Hồng Kông đã mua lại con tàu này với dự định xây dựng một sòng bạc trên biển, nhưng cuối cùng đã được bàn giao cho chính quyền Bắc Kinh để chuyển đổi thành tàu sân bay, và bắt đầu phục vụ vào năm 2012.

Tàu sân bay thứ hai của ĐCSTQ là Tàu Sơn Đông được hạ thủy năm 2017, chính thức đi vào hoạt động vào ngày 17/12 năm nay, đây là tàu sân bay tự chế đầu tiên của ĐCSTQ.

Theo kế hoạch, tàu sân bay thứ ba và thứ tư của ĐCSTQ có kích thước lớn hơn, có sàn tàu bằng phẳng được trang bị bệ phóng tên lửa đạn đạo và có thể triển khai máy bay chiến đấu phản lực.

Giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch hàng không mẫu hạm Trung Quốc là hai chiếc tàu sân bay lớn hơn nữa, dùng động cơ đẩy hạt nhân, có khả năng cơ bản giống như các siêu tàu của Hải quân Mỹ.

Thông tin cho thấy, Bắc Kinh cũng đã lên kế hoạch từ bỏ việc sử dụng hệ thống phóng bằng áp lực hơi nước đang dùng trên hầu hết các hàng không mẫu hạm sàn phẳng, thay vào đó đã âm thầm triển khai trực tiếp hệ thống phóng điện từ thế hệ mới. Được biết, công nghệ này hiện chỉ được sử dụng trên hai tàu sân bay lớp Gerald Ford mới của Mỹ.

Giới chuyên gia công nghệ Hải quân Mỹ luôn rất quan tâm đến công nghệ phóng điện từ. So với công nghệ phóng hơi nước thì phóng điện từ có thể giúp tiết kiệm được hàng tỷ đô la chi phí vận hành và cũng giúp tăng lên 25% tốc độ triển khai bay. Ngoài ra, công nghệ phóng điện từ cũng có thể tinh chỉnh lực đẩy theo nhu cầu vận hành để giảm thiểu ma sát gây tổn hại máy bay.

Nhưng không may, báo cáo thử nghiệm của Lầu Năm Góc cho thấy công nghệ hệ thống phóng điện từ chưa chín muồi, tỷ lệ thất bại rất cao và thời gian sửa chữa quá dài.

Tờ SCMP tiết lộ, hệ thống phóng được áp dụng cho hàng không mẫu hạm thứ ba và thứ tư của Trung Quốc cũng gặp phải sự cố: “Các thử nghiệm hệ thống phóng điện từ để phóng máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay của Trung Quốc vẫn chưa đạt tiêu chuẩn cần thiết.”

Nguồn tin trích dẫn thông tin nội bộ quân sự chỉ ra, có hai lý do trong việc Trung Quốc hủy bỏ chương trình hàng không mẫu hạm dùng năng lượng hạt nhân.

Thứ nhất, ĐCSTQ cũng cần phát triển thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình tiếp theo dùng trên tàu sân bay để thay thế máy bay chiến đấu J-15 hiện nay. Có nhiều nguồn tin khác nhau về việc liệu có phải Trung Quốc phát triển máy bay chiến đấu tàng hình J-31 hạng nhẹ nhưng chưa đưa vào sử dụng (tác chiến trên tàu), hay nghiên cứu phát triển các biến thể của máy bay chiến đấu tàng hình J-20 cỡ lớn Thành Đô hiện đang được sử dụng.

Ngoài ra, thông tin cũng cho biết, mặc dù Trung Quốc đã phát triển nhiều tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng Trung Quốc vẫn không có công nghệ hạt nhân cần thiết để chế tạo tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, vì hoạt động của loại tàu này đòi hỏi hệ thống chạy bằng năng lượng hạt nhân quy mô lớn hơn, thách thức kỹ thuật cũng nghiêm trọng hơn nhiều.

Thông tin trên SCMP bình luận cho rằng, ĐCSTQ có thể lại phải đau đầu cân nhắc xem liệu có nên đầu tư số tiền khổng lồ vào các tàu sân bay lớn hay không. Thực tế, đến nay giá trị lớn nhất của tàu sân bay Trung Quốc có thể chủ yếu nằm ở khả năng răn đe các đối thủ yếu, ngoài ra cũng để tích lũy kinh nghiệm cho sự phát triển quân sự trong tương lai, còn để đủ sức răn đe Hải quân Mỹ thì không có giá trị thực tế.

Tờ Vision Times (Mỹ) dẫn nhận định công bố trên Tạp chí MIT Technology Review của Viện Công nghệ Massachusetts Mỹ chỉ ra, đối với quân đội Mỹ thì tàu sân bay đã giúp Mỹ triển khai sức mạnh ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, phát huy sức mạnh lớn hơn nhiều so với bất kỳ công nghệ đơn lẻ nào khác. Tuy nhiên, ở lĩnh vực này thì ĐCSTQ đi sau Mỹ rất xa, có lẽ không bao giờ theo kịp được Mỹ.

Tuyết Mai