Tình trạng mất điện trên diện rộng và không được kiểm soát của Trung Quốc cũng là một nhân tố thúc đẩy các nhà sản xuất công nghệ cân nhắc chuyển sản xuất khỏi ​​Trung Quốc. Nhà cung cấp của Apple và các nhà cung cấp của các thương hiệu khác hiện đang để mắt đến các quốc gia khác để giảm rủi ro do sản xuất “quá tập trung”.

shutterstock 511208572
Một nhà máy sản xuất thiết bị hệ thống mạch ô tô ở Giang Tây Trung Quốc vào năm 2011 (Ảnh: Shutterstock)

Ngày 8/10, tờ Nikkei Asian Review đưa tin, một nhà sản xuất linh kiện điện tử quy mô vừa ở thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông tiết lộ rằng tình trạng mất điện đã trở thành trạng thái bình thường mới. Một nhà quản lý nói với Nikkei: “Kể từ tháng 6 năm nay, đã có những thông báo mất điện lẻ tẻ, nhưng kể từ giữa tháng 9, điều này đã trở thành bình thường.”

Vị giám đốc này nói: “Hiện tại, mỗi tuần chúng tôi đều nhận được thông báo rằng tuần sau vào ngày nào sẽ mất điện.”

Công ty này có 500 nhân viên và sản xuất phụ kiện điện tử tiêu dùng như bộ thu bluetooth, tai nghe, v.v, cho Harman Kardon, Edifier và các thương hiệu khác. Hiện tại, công ty chỉ được cung cấp điện hai ngày một tuần. Do đó công ty buộc phải dựa vào máy phát điện của mình để duy trì hoạt động cơ bản.

“Nếu tình trạng này tiếp tục, một số chuyến hàng chắc chắn sẽ bị trì hoãn.” Vị giám đốc này cho biết, “Chúng tôi có khả năng cũng sẽ cân nhắc xem liệu có cần phải thuê hoặc xây dựng một nhà máy mới ở đâu đó ở nước ngoài hay không.”

Các nhà cung cấp ở các tỉnh như Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông cho biết họ đang phải đối mặt với các mức độ hạn chế điện khác nhau trong tháng này do các hạn chế về sử dụng năng lượng của chính quyền địa phương.

Cắt điện có thể trở thành trạng thái bình thường

Nhà cung cấp của Apple đã cảnh báo rằng sau một tuần mất điện vào cuối tháng 9, việc cắt điện trở thành mối đe dọa đối với tính liên tục của chuỗi cung ứng. Hiện tại điều gây lo ngại là kiểu cung cấp điện gián đoạn này có thể sẽ tồn tại lâu dài.

Ngày 26/9, Unimicron, nhà sản xuất bảng mạch in cho Apple, đã thông báo rằng do khu vực Tô Châu sẽ ngừng cung cấp điện cho sản xuất công nghiệp từ 12:00 trưa ngày 26/9 đến 24:00 ngày 30/9, nên công ty ở Tô Châu và công ty con ở Côn Sơn sẽ tạm ngừng hoạt động đến ngày 30/9.

ESON Precision Engineering là nhà cung cấp các bộ phận cơ khí chủ yếu cho Apple và Tesla, hôm 29/6 cũng cho biết, để tuân thủ chính sách ngừng sử dụng điện công nghiệp của thành phố Côn Sơn, nhà máy sẽ tạm ngừng sản xuất từ ​​ngày 26/9 đến 1/10.

Quản lý cấp cao của một nhà cung cấp loa ở Đông Hoản tỉnh Quảng Đông nói với Nikkei rằng: “Chúng tôi nghe nói rằng tình trạng này có thể tiếp tục cho đến cuối năm nay hoặc thậm chí lâu hơn nữa.” Công ty này cung cấp dịch vụ cho các công ty như Amazon và Lenovo. Vị này nói thêm rằng đôi khi bị giới hạn trong một tuần chỉ có 3 ngày có điện.

Vị này nói: “Sự bất tiện này có thể dần trở nên không thể chịu nổi. Hiện chúng tôi đang đánh giá lại các nhà máy ở nước ngoài, có thể ở Việt Nam, Batam ở Indonesia hoặc Thái Lan.”

Một nhà sản xuất máy chủ cung cấp cho Amazon AWS, Facebook và Microsoft ở thành phố Côn Sơn, tỉnh Tô Châu, Trung Quốc, cho biết công ty đang dựa vào các thành phần, linh phụ kiện dự trữ để duy trì hoạt động sản xuất sau khi nhiều nhà cung cấp bị mất điện.

Một quản lý cấp cao của công ty này cho biết: “Chúng tôi hiện đang trông chờ vào lượng hàng tồn kho để duy trì số lượng hàng sản xuất ra của mình. Đồng thời, chúng tôi thực sự hy vọng sẽ đẩy nhanh kế hoạch mở rộng của mình tại Đài Loan càng sớm càng tốt. Tình hình này đúng là rất không an toàn đối với tính liên tục của chuỗi cung ứng.”

Bắt đầu từ đầu tháng 9, “kiểm soát kép việc tiêu thụ năng” của ĐCSTQ đã đột ngột được nâng cấp. Các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh và khu vực đã liên tiếp nhận được thông báo về việc cắt điện bắt buộc, hạn chế sản xuất và tạm ngừng sản xuất. Theo thông báo của các địa phương, mỗi địa phương có thời gian hạn chế điện khác nhau đến cuối tháng 9 hoặc giữa tháng 10, thậm chí có thể tiếp tục kéo dài cho đến cuối năm.

Thiếu minh bạch trong việc ai sẽ được cấp điện và không được cấp điện

Các nhà cung cấp cho rằng điều tồi tệ hơn là ai sẽ được cung cấp điện, ai sẽ không được cung cấp điện, điểm này thiếu tính rõ ràng. 

Một quản lý cấp cao của một nhà cung cấp của Apple nói với Nikkei: “Điều này vô cùng hỗn loạn. Một số nhà cung cấp thông qua mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương hoặc đàm phán để đảm bảo được cung cấp điện, còn một số khác lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng.” 

Một quản lý cấp cao khác của nhà cung cấp bảng mạch in của Apple nói rằng chính quyền địa phương đang quyết định ai sẽ được cung cấp điện dựa trên giá trị sản phẩm mà họ sản xuất: “Nếu bạn không thể mang lại giá trị như màn hình hoặc chất bán dẫn cao cấp, lại còn tiêu thụ nhiều điện, vậy thì đành xin lỗi, bạn hãy ra ngoài đi! Đây chẳng khác nào trực tiếp đóng cửa hoặc chuyển chỗ.”

Bảng mạch in vô cùng quan trọng so với lắp đặt chip và linh kiện, nhưng giá trị lại không đặc biệt cao, hơn nữa sản xuất mạch điện lại cần nhiều năng lượng.

Tính không chắc chắn đang gia tăng

Vì chuyển giao chuỗi cung ứng ở Trung Quốc là một chủ đề nhạy cảm, một quản lý cấp cao của nhà cung cấp linh kiện iPhone đề nghị giấu tên cho biết, “Đây không chỉ là vấn đề điện”.

Vị này nói, “Từ đòn giáng vào Jack Ma cho đến đòn giáng vào ngành công nghiệp game và giáo dục … tất cả đều cho thấy sự không chắc chắn đang gia tăng. Đối với các công ty hoạt động ở Trung Quốc, họ rất sợ hãi.”

Karen Ma, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp ở Tân Trúc (Đài Loan), dự đoán rằng nhiều công ty sẽ bắt đầu chuyển khỏi Trung Quốc và chuyển hướng sang đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất.

Nhà nghiên cứu Karen Ma nói với Nikkei, “Trước đây, chỉ có các nhà lắp ráp đa quốc gia mới thực hiện kế hoạch đa dạng hóa. Nhưng có thể thấy trước rằng các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng cũng sẽ chuyển dịch ít nhất một phần sản xuất của họ … Cuối cùng, khách hàng của họ, chẳng hạn như Apple, Google, HP và Dell muốn có một chuỗi cung ứng có tính linh hoạt hơn nữa, vượt ra khỏi phạm vi Trung Quốc.”

Theo Lý Hoàn Vũ, Epoch Times

Xem thêm: