Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung Quốc Đại Lục hiện đang đối mặt với dịch bệnh viêm gan C tăng nhanh, ảnh hưởng của dịch bênh hiện đặc biệt nghiêm trọng tại các vùng nông thôn. Với loại bệnh này, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây xơ gan, ung thư gan và sớm qua đời. Đáng kể là dù thuốc kháng virus mới hiện có thể chữa khỏi 90% trường hợp, nhưng nhiều người không thể mua được thuốc.

Embed from Getty Images

Hình ảnh kết quả xét nghiệm chuẩn đoán trẻ bị viêm gan C tại một bệnh viện ở Hợp Phì tỉnh An Huy – Trung Quốc Đại Lục. (Ảnh: Getty Images)

CNN đưa tin, theo dữ liệu mới nhất do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc công bố, vào tháng Sáu năm nay đã xác định được tổng cộng 21.419 trường hợp mới bị viêm gan C và 14 trường hợp tử vong liên quan đến căn bệnh này. Trong năm 2018, Trung Quốc đã có 219.375 ca bệnh mới, cao hơn đến 43% giai đoạn kỷ lục năm 2010.

Theo một báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới công bố hồi tháng Ba, tỷ lệ người bị viêm gan C tại Trung Quốc Đại Lục hiện cao nhất thế giới, ước tính có 8,9 triệu người mắc bệnh, chiếm 0,6% tổng dân số. Theo nghiên cứu này, trong tổng số ca tử vong hàng năm trên thế giới do viêm gan C phát triển thành ung thư gan thì Trung Quốc chiếm 50%.

Bệnh này thường lây lan bằng cách dùng chung kim tiêm. Tổ chức Y tế Thế giới dẫn nguồn tin từ Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm cho biết, ở Trung Quốc Đại Lục vài năm gần đây gia tăng đáng kể số người tiêm ma túy đá kéo thao số ca nhiễm mới cũng không ngừng gia tăng.

Năm 2017, Tạp chí Y học Anh công bố một nghiên cứu cho thấy người dân tộc Di sống ở một khu vực miền núi của tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc có tỷ lệ người sử dụng ma túy cao, do không may khu họ sống nằm trên con đường buôn bán ma túy chính. Điều này khiến tỷ lệ người bị viêm gan C tại địa phương gấp gần năm lần so với bình quân cả nước.

Tác giả báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, một nguyên nhân khác khiến viêm gan C trở thành dịch bệnh ở Trung Quốc là do “không khử trùng kim tiêm khi tiêm thuốc trị bệnh, và một số yếu tố không chuẩn mực gây ra”. Hồi Tháng Năm Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, tháng 5/2019 tại tỉnh Giang Tô miền đông Trung Quốc xảy ra 69 trường hợp bị nhiễm bệnh, nguyên nhân chủ yếu là do thiết bị không vệ sinh và vấn đề kỹ thuật khác của nhân viên bệnh viện.

Theo Tổ chức phi lợi nhuận Polaris Observatory của Mỹ, vấn đề này đang trở nên trầm trọng hơn ở Trung Quốc vì hầu hết bệnh nhân bị viêm gan C không nhận được sự chăm sóc cần thiết. Họ cho biết trong tổng số ca nhiễm bệnh năm 2018 tại Trung Quốc thì chỉ có 3,5% số người nhận được điều trị.

Ngoài ra, mặc dù phương pháp điều trị kháng virus tiên tiến nhất có thể chữa khỏi 90% các trường hợp, nhưng nhiều bệnh nhân chỉ đơn giản là không thể mua được thuốc, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Năm 2017 Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đã phê duyệt ba loại thuốc trị viêm gan C mới, nhưng chúng không thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế phổ thông tại Trung Quốc, điều đó có nghĩa là bệnh nhân phải tự chi trả.

Điều trị bằng thuốc Sofosbuvir trong 12 tuần là một trong những phương án điều trị bệnh viêm gan C mà không được bảo hiểm y tế phông chi trả, mức chi phí khoảng 69.600 Nhân dân tệ (khoảng 9.700 Đô la Mỹ).

Huệ Anh

Xem thêm: