Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) nghiêm trọng ở Trung Quốc, như thông lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã áp dụng cách phong tỏa, đặc biệt mới đây phong tỏa  tại Thượng Hải và Côn Sơn khiến hàng trăm công ty Đài Loan tạm ngừng hoạt động, tình hình cũng khiến nhiều doanh nhân Nhật Bản hoảng sợ muốn bỏ chạy.

hang-hoa-Trung-Quoc
Các container hàng hóa tại một cảng ở Thượng Hải, Trung Quốc hôm 10/7. (Ảnh qua Investing.com)

161 công ty Đài Loan ở Thượng Hải và Côn Sơn tạm ngừng hoạt động

Để đối phó với đại dịch, ĐCSTQ đã áp dụng chính sách ‘zero COVID’ tại các nơi, mới đây lần lượt phong tỏa các đô thị lớn như Thượng Hải và Côn Sơn. Hôm 11/4, nhà lập pháp Quốc dân đảng Đài Loan Lý Quý Mẫn (Lee Guei-Min) nói với Ủy ban Tài chính của Viện Lập pháp về lo ngại tác động của phong tỏa tại Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng của các công ty Đài Loan niêm yết tại Thượng Hải và Côn Sơn, đồng thời hỏi Chính phủ Đài Loan đã tiến hành điều tra tình hình chưa.

Ông Trương Chấn Sơn (Zhang Zhenshan), Trưởng ban Điều tiết Tài chính của Đài Loan cho biết, theo số liệu kiểm kê đến nay cho thấy, 161 công ty Đài Loan ở Thượng Hải và Côn Sơn đã ngừng hoạt động.

Về vấn đề này, bà Tạ Kim Hà (Xie Jinhe), trưởng ban chuyên trách Đài Loan của tờ Caixin đã đăng trên Facebook rằng việc Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 và phong tỏa Thượng Hải vào ngày 26/3, có thể nói là những sự kiện tầm cỡ thế giới. Trung Quốc, nước có nền kinh tế lớn gấp 10 lần Nga, hiệu ứng phong tỏa có thể gây kinh hoàng hơn cả chiến tranh Nga-Ukraine. Vì một “cơn cảm lạnh nhỏ” ở Trung Quốc có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị bệnh nặng. Riêng với Đài Loan, chuyện Thượng Hải phong tỏa này đã khiến 161 công ty Đài Loan bị ảnh hưởng.

Bà nói rằng việc phong tỏa Vũ Hán vào ngày 23/1/2020 đã gây chấn động thế giới, nhưng tác động của việc phong tỏa Thượng Hải và Côn Sơn lần này còn lớn hơn lần trước. Trên thực tế, tỷ lệ tử vong của Omicron không cao, hầu hết các nước đã quyết định tồn tại cùng với loại virus này, chỉ có Trung Quốc là tiếp tục áp dụng chính sách phòng dịch kiểu ‘zero COVID’. Tác động của việc Thượng Hải phong tỏa đối với nền kinh tế Trung Quốc và chuỗi cung ứng toàn cầu là không nhỏ, có thể thấy các doanh nhân Đài Loan đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Doanh nhân Nhật Bản sợ hãi trước quả đấm sắt của chủ nghĩa xã hội

Ông Akio Yaita, người từng là phóng viên ở Bắc Kinh trong 10 năm, đã đăng trên Facebook rằng do thành phố Thượng Hải phong tỏa khiến một số bệnh nhân thiệt mạng vì không được chữa trị kịp thời, trong khi một số bệnh nhân ung thư đang hóa trị tại nhà vì không có thuốc phải than khóc tuyệt vọng; nhiều gia đình mất trắng thu nhập. Mặc dù không có số liệu thống kê, nhưng có thể kết luận rằng nhiều người chết vì chính sách chính trị bất hợp lý hơn là chết vì virus.

“Tôi nghe nói gần đây nhiều người Nhật làm ăn ở Trung Quốc đang có ý định rời Trung Quốc, một số người trong số họ là bạn của tôi. Việc Thượng Hải bị phong tỏa lần này khiến họ nhận ra sức mạnh của quả đấm sắt xã hội chủ nghĩa, khiến họ sợ hãi”, ông Akio Yaita nói.

Ông Akio Yaita nhắc lại khoảng 20 năm trước giới kinh tế Nhật Bản coi Trung Quốc là nơi hy vọng để các doanh nghiệp Nhật Bản cất cánh. Thậm chí có người còn nói rằng “thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Quốc”, ai mà bây giờ không nhanh chóng đến Trung Quốc thì sau này có thể tụt hậu hoặc bị đào thải.

Nhưng chuyên gia Nhật này không quên nhắc rằng mục đích thu hút vốn nước ngoài của Trung Quốc là để củng cố chế độ cộng sản. Trong đầu họ chỉ có logic chính trị, không phải logic kinh doanh. Họ có thể tráo trở bất cứ lúc nào, chỉ cần một chính sách mới sẽ khiến doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mất trắng.

“Tôi nhớ có những người đã mô tả chế độ Cộng sản Trung Quốc như ‘con trăn khổng lồ đang ngủ trên đèn chùm trong phòng khách’. Ví von rất cụ thể”. Ông Yaita Akio nói người mới vào cửa và thấy cảnh tượng đó thì sẽ giật mình, nhưng sau một thời gian từ từ quen và nghĩ rằng không có gì nguy hiểm nếu không châm chọc nó, đến khi cảm thấy an tâm thì thậm chí sẽ rủ bạn bè cùng nhau đến. Nhưng thực tế con trăn chưa xuống chỉ vì thời cơ chưa tới.

Chuyện thành phố Thượng Hải bị phong tỏa này được ông Yaita Akio ví như con trăn khổng lồ bất ngờ há miệng khiến nhiều người không kịp thoát thân. Ông nói: “Không chỉ các doanh nhân Nhật Bản, việc Thượng Hải phong tỏa lần này đã khiến nhiều người nước ngoài đổ xô đến Trung Quốc kiếm tiền thấy lo sợ, đặc biệt hơn đối với nhiều doanh nhân Đài Loan”.

Nhiều nhà máy ở Thượng Hải và Côn Sơn ngừng hoạt động gây ảnh hưởng đến sản xuất iPhone và MacBook

The Wall Street Journal đưa tin, ngày càng có nhiều nhà máy ở Thượng Hải và vùng xung quanh tạm ngừng sản xuất do biện pháp phong tỏa kéo dài, trong đó có 2 nhà máy thuộc sở hữu của Pegatron Đài Loan là nhà lắp ráp iPhone lớn thứ hai của Apple, làm gia tăng áp lực đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giới quan sát cũng phân tích rằng các nhà sản xuất ở khu vực Thượng Hải đang gặp nhiều khó khăn hơn trong việc vận chuyển nguyên liệu đến, vì những hạn chế trong việc di chuyển của Trung Quốc khiến các xe tải chở hàng vào khu vực này bị cản trở. Điều đó có nghĩa là một số nhà máy không thể hoạt động bình thường, ngay cả khi họ xoay sở để giữ công nhân làm việc.

Phía công ty Pegatron cho biết, các nhà máy của họ ở các nơi như Thượng Hải và Giang Tô đã tạm ngừng hoạt động để tuân thủ các yêu cầu của chính quyền địa phương. Pegatron có trụ sở tại Đài Loan sản xuất iPhone của Apple và các sản phẩm khác ở Thượng Hải, Côn Sơn, Giang Tô. Công ty nay là nhà lắp ráp iPhone lớn thứ hai chỉ sau Foxconn (cũng của Đài Loan).

Một báo cáo của công ty nghiên cứu TrendForce có trụ sở tại Đài Loan cho biết, nhiều nhà sản xuất điện tử ở Thượng Hải và các khu vực lân cận hiện đang dựa vào hàng tồn kho hiện có, họ gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất vì họ thiếu khả năng tiếp cận chất bán dẫn, mô-đun pin, bảng điều khiển. Các bộ phận bị ảnh hưởng bởi vấn đề khó khăn vận chuyển bao gồm loại tụ điện gốm nhiều lớp (được cấu tạo bởi nhiều lớp ceramic và nhiều lớp dẫn điện kim loại) là mặt hàng thiết yếu của mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến ô tô điện, cũng thường được ví là “hạt gạo” của ngành công nghiệp điện tử.

Ở Trung Quốc, vấn đề chuỗi cung ứng thường liên quan các tụ điện gốm nhiều lớp được sản xuất ở những nơi khác tại nước này được vận chuyển đến Thượng Hải và các tỉnh lân cận để giao cho các công ty có trụ sở tại đó thiết kế và sản xuất thiết bị điện tử cho các thương hiệu tiêu dùng lớn như Apple. Nhưng TrendForce cho biết, các nhà cung cấp đã gặp khó khăn trong việc giao hàng đến những nơi yêu cầu tụ điện gốm nhiều lớp.

Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA),  tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc nghiêm trọng khiến nhiều nơi trọng điểm liên quan các công ty Đài Loan như Thượng Hải và Côn Sơn bị phong tỏa, làm chuỗi của Apple như Compal và Pegatron không thể hoạt động, dù ảnh hưởng sản xuất iPhone và iPad nhưng vẫn có thể được Foxconn hỗ trợ giúp giảm thiểu, nhưng việc ngừng hoạt động có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất MacBook.

Hãng máy tính xách tay toàn cầu Quanta vào ngày 13/4 thông báo rằng, công ty con họ sở hữu 100% là Dagong Computer (Thượng Hải) phải tạm ngừng hoạt động vì phải hợp tác phòng chống dịch bệnh, thời gian hoạt động trở lại sẽ có thông báo sau; Quanta sẽ duy trì liên hệ chặt chẽ với khách hàng và nhà cung cấp, tích cực hợp tác với chính quyền địa phương để tiếp tục công việc và liên tục đánh giá tác động đến hoạt động kinh doanh tài chính.

Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường TrendForce cho thấy, trong bối cảnh nhân lực và hậu cần bị ngưng trệ và giao thông vận tải gần như ngừng hoạt động, các nhà máy OEM và ODM xung quanh Thượng Hải và Côn Sơn chỉ có thể dựa vào hàng tồn kho tại nhà máy để đáp ứng nhu cầu dây chuyền sản xuất ở mức thấp.

Nhà máy tại Thượng Hải và Trường Xuân của Robert Bosch (Đức)  và Tesla (Mỹ) tại Thượng Hải tạm ngừng hoạt động

Wall Street Journal đưa tin, nhà cung cấp chip và linh kiện ô tô là Robert Bosch GmbH (Đức) hôm thứ Ba (12/4) cho biết, việc sản xuất tại các nhà máy của họ ở Thượng Hải và Trường Xuân phía bắc đã bị đình chỉ do các quy định về chống COVID-19 tại những địa phương này. Hai nhà máy khác ở Thượng Hải và thành phố Thái Thương lân cận vẫn đang hoạt động theo quy trình quản lý khép kín, theo đó các nhân viên phải ở trong khuôn viên nhà máy.

Người phát ngôn của công ty Bosch cho biết công ty đang làm mọi thứ có thể để duy trì chuỗi cung ứng.

Do ĐCSTQ áp dụng cách chống dịch quá nghiêm ngặt khiến nhiều nhà máy ở khu vực Thượng Hải đã bị gián đoạn hoạt động kể từ tháng Ba, cả nhà máy tại Thượng Hải của Tesla (Mỹ) cũng bắt đầu tạm ngừng sản xuất vào ngày 28/3. Mục đích của ĐCSTQ là ngăn chặn dịch bệnh để các hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Nhưng thực tế là dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan và đòn giáng vào nền kinh tế Trung Quốc cũng như ảnh hưởng trên toàn cầu lại ngày càng lớn hơn.

Nguy cơ “đứt gãy” chuỗi cung ứng nếu phong tỏa lan rộng và kéo dài

Theo Đài Á châu Tự do (RFA), trong một cuộc phỏng vấn với RFA, Viện trưởng Lưu Mạnh Tuấn (Meng-chun Liu) của Viện Kinh tế Trung Quốc Đại Lục thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa của Đài Loan, phân tích rằng vẫn còn một kho dự trữ an toàn giữa hai bờ eo biển Đài Loan giúp duy trì trong một thời gian, nhưng cũng chỉ được một thời gian, nếu phong tỏa lan rộng và kéo dài có thể gây nguy cơ “đứt gãy” chuỗi cung ứng.

“Tác động hiện nay là từ phía Đài Loan, một số nhà sản xuất cho biết họ ngại nhận đơn đặt hàng mới vì sợ không giao được hàng. Vì một số nguyên liệu và linh kiện được cung cấp cho nhau qua eo biển Đài Loan”, ông Lưu Mạnh Tuấn cho hay.

Chuyên gia Đài Loan Lưu Mạnh Tuấn cũng nhắc lại trước đó các vùng bị phong tỏa là Quảng Đông và Thâm Quyến, và bây giờ là Thượng Hải và Côn Sơn, cứ có bùng phát COVID-19 là phong tỏa. Nếu cứ tiếp tục áp dụng chính sách ‘zero COVID’ khiến tính chất bất định trong hoạt động cao và như vậy về lâu dài vị thế trung tâm vận chuyển, trung tâm đổi mới công nghệ, trung tâm tài chính của những nơi liên quan sẽ suy giảm. Việc phong tỏa lâu dài là một cách tiếp cận rất không thông minh, không có lợi cho tiêu dùng của ngành dịch vụ. Vấn đề càng tồi tệ hơn là ảnh hưởng đối với việc làm của người lao động trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất.