Vụ cô gái tại thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô bị bắt cóc đến vùng nông thôn, sinh được 8 con và bị ngược đãi xích cổ vẫn tiếp tục nóng lên. Epoch Times đã phỏng vấn cô Dương và mẹ cô tại huyện Tân Hải, tỉnh Giang Tô về trải nghiệm kinh hoàng của việc bị bắt cóc và bị bán.

Embed from Getty Images

Cô Dương và mẹ cô tại huyện Tân Hải, tỉnh Giang Tô đã trả lời phỏng vấn của Epoch Times, kể về trải nghiệm bị bắt cóc và bán đi kinh hoàng của mình. Ảnh: Tình nguyện viên Trung Quốc làm bộ bài giúp tìm kiếm các em nhỏ bị mất tích. (Nguồn: China Photos / Getty Images)

Mất tích trên đường đi học về, 9 năm bặt vô âm tín

Ngày 3/3/2008, mẹ cô Dương nói với Epoch Times rằng cô con gái 16 tuổi của bà đã mất tích sau khi tan học.

Mẹ cô Dương nói: “Khi tan học vào buổi trưa, con bé đã không về nhà. Sau đó tôi bèn đi báo công an. Nhưng rất lâu sau cũng không có tin tức gì, chắc chắn là nó đã bị bắt cóc.”

“Tôi vẫn luôn nghĩ cách tìm kiếm con bé và dán thông báo tìm người ở khắp nơi trên từng con đường, từng gốc cây, từng cột điện, và yêu cầu nhà trường báo cáo vụ việc này. Sau đó chúng tôi vào tòa nhà văn phòng công an, tìm khắp nơi, nhưng không thấy.”

Mẹ cô Dương nói rằng vào tháng 4/2017, cuối cùng cô Dương, người bị mất tích suốt 9 năm, đã liên lạc với gia đình. Khi bị bắt cóc cô bé mới học lớp 8, nay đã là bà mẹ 2 con. Để nhập hộ khẩu cho con trai, cuối cùng cô mới liên lạc được với gia đình.

Mẹ cô Dương nói: “(Con bé) nhắn tôi đưa chứng minh thư nhân dân cho nó, để làm hộ khẩu cho con. Nó nói: ‘Mẹ ơi, con không muốn ở An Huy, con muốn về nhà.’ Con bé nói với tôi như vậy. Sau đó, cha nó tới An Huy và đưa con bé về nhà.”

Bị bạn học bán đến Thượng Hải, ép làm gái bán hoa

Khi trả lời phỏng vấn Epoch Times, cô Dương cho biết khi đó cô mới học lớp 8 và bị bạn học bắt cóc.

Cô kể năm đó trên đường đi học về, một cô bạn gái học khác lớp có tên Tất Tiểu Yến đã chặn đường và đưa cô đến khách sạn. Cô ấy không đồng ý, nhưng Tiểu Yến không cho cô đi, còn dùng dao uy hiếp cô. Cô không biết Tiểu Yến là một kẻ buôn người, và còn có đồng bọn.

Cô Dương kể: “Cô ấy nhất quyết không cho tôi đi, rồi đột nhiên xuất hiện một người đàn ông, nói là anh họ của cô ấy, và bảo tôi lên xe. Sau đó cô ấy để chiếc xe đạp tôi cho cô ấy mượn ở ngoài khách sạn. Tôi đòi lại và nói muốn về nhà, nhưng cô ấy không cho tôi về.”

“Cô ấy nói, nghe lời thì cô ấy sẽ trả lại xe đạp cho tôi. Tôi đã bị lừa, nên mới nghe theo cô ấy, cuối cùng chiếc xe cũng không trở về với tôi. 100 nhân dân tệ (khoảng 357.000 VNĐ) trong túi của tôi, cũng bị cướp mất.”

Cô nói: “Vào buổi tối khi tôi định chạy trốn, bên ngoài trời tối đen như mực, thậm chí không có lấy một cái đèn đường. Trời vừa sáng, anh ta lại đặt tôi ngồi lên xe, sau đó chở tôi đến Thượng Hải. Đến Thượng Hải, hình như là một tiệm mát xa chân. Anh ấy bảo tôi phải nghe khách sai bảo, khách bảo tôi làm gì thì tôi làm nấy.”

Cô Dương kể cô bị 2 người này uy hiếp đến một kỹ viện tại Thượng Hải để bán dâm. Vì không nghe lời nên cô ấy bị đánh đập rất dã man.

“Tôi không muốn làm tiếp, tôi muốn về nhà, sau đó tôi bị cô ấy đánh trong một căn phòng. Cô gái lừa tôi đi đã đánh tôi, đánh rất đau, còn tát vào mặt và đạp vào cổ, vào đầu gối và đùi tôi.”

“Tất Tiểu Yến ở lại Thượng Hải vài ngày. Hễ trong ký túc xá không có người là cô ấy lại đánh tôi, lúc có người thì cô ta còn ngại. Cô ấy đóng cửa phòng lại mà đánh.”

Trốn khỏi tiệm mát xa chân lại bị một người đàn ông bán tới An Huy

Cô Dương nói rằng bản thân cô xa lạ với nơi đó. Sau khi thoát khỏi bàn tay của Tất Tiểu Yến, cô lại bị một người đàn ông lừa bán đến thôn Tân Kiều, thị trấn Tạ Kiều, huyện Thượng Dĩnh, tỉnh An Huy, và bị ép phải làm vợ cháu trai của ông ấy.

Cô Dương kể: “Khi đến tiệm mát xa chân thứ 2, vì ông chủ thấy tôi không tình nguyện làm việc này, nên sau đó đã giới thiệu tôi cho cháu ông ấy, bảo tôi sống với cậu ta. Sau đó ông ấy sắp xếp, giúp tôi chạy trốn ngay trong đêm.”

“Khi cô ấy (Tất Tiểu Yến) trò chuyện với bạn trai của mình ở trong phòng, tôi lén chạy ra ngoài. Ông chủ đó đưa tôi đi, nói với tôi vài lời, bảo tôi đi theo ông ấy, và không được nói với kẻ buôn người kia. Sau đó, ông ấy cùng tôi bắt taxi đến An Huy.”

Cô Dương nói rằng sau khi tới An Huy, cô đã buộc phải kết hôn với cháu trai của ông chủ này. Khi đó cô không có chứng minh thư và cũng không có giấy chứng nhận kết hôn.

Luôn luôn muốn về nhà nhưng không biết đi đâu

Cô Dương kể: “Khi đó không có điện thoại di động, tôi cũng không biết đồn công an ở đâu. Tôi có thể đi đâu được? Đây là vùng nông thôn, tôi có thể đi đâu được đây?”

“Lúc ấy tôi muốn cậu ta đưa tôi về nhà. Tôi đã nói với cậu ấy và mẹ cậu ấy là tôi muốn về nhà. Tôi nói cho cậu ấy địa chỉ nhà tôi, họ hỏi tôi đó là ủy ban khu phố nào. Tôi cũng không biết ủy ban khu phố là gì. Sau đó, tôi không thể về nhà được nữa.”

“Khi đó tôi không bước chân ra khỏi nhà nửa bước, rồi tôi sinh con và ở nhà một mình. Tôi không có tiền, dù chỉ một xu. Tôi chỉ ở nhà nấu cơm, ăn rau, uống canh và nước trắng, ngoài ra không có gì khác, đồ ăn vặt cũng không.”

Cô Dương nói rằng sau khi sinh đứa thứ 2, vì không thể nhập tịch cho thằng bé, nên nhà nội bảo cô ấy liên lạc với gia đình mình. Cô Dương kể vì không biết mã vùng nên cô gọi điện thoại không được.

Cô Dương kể vài năm sau đó, cô ấy có một chiếc điện thoại mới, và là điện thoại thông minh, nên cô ấy đã lên mạng Internet tìm địa chỉ nhà mình.

“Có một cây cầu, tôi tìm kiếm ngõ con phố nhà tôi. Quả thực là có một trang trại rau, không có hình ảnh phía trên bản đồ, tôi thấy biển hiệu của quán cơm mở phía trước nhà tôi, trên đó còn có số điện thoại. Sau đó thì tôi gọi điện thoại được,” cô kể.

Cô Dương kể rằng người nhận điện thoại không phải là người nhà cô, người này  cho biết, bố mẹ cô đã chuyển đi. Nhưng cuộc gọi đã mang lại hy vọng rất lớn cho cô. Bởi người nhận điện thoại nói rằng ông ấy biết cha mẹ của cô và sẽ giúp cô tìm thấy họ.

Nhờ sự giúp đỡ của người đàn ông tốt bụng này, cuối cùng cô Dương cũng gặp được cha mẹ sau nhiều năm ly tán qua video.

Liên hệ được với gia đình, bố mẹ cô mừng rơi nước mắt, nhưng việc về nhà vẫn quá xa vời

Cô Dương cho biết: “Cuối cùng người nhà cũng dùng video WeChat của người khác để liên hệ với tôi. Lúc đó, mẹ tôi đã vô cùng xúc động, đến mức bật khóc. Cha tôi cũng rất mừng và cảm động.”

Cô Dương nói rằng mặc dù đã liên lạc được với người nhà, nhưng với cô chuyện về quê vẫn quá xa vời.

Cô nói: “Sau đó, tôi lén ra ngoài 2, 3 lần. Mẹ chồng thấy tôi không có ở nhà, bèn đưa người đi tìm tôi. Hình như dẫn theo 2 người, là hàng xóm của tôi. Dân làng biết tôi bị bắt cóc bán đến đây, nên không có ai đi báo cảnh sát.”

Cán bộ kế hoạch hóa gia đình che giấu tung tích cô Dương

Mẹ cô Dương nói rằng kể từ khi con gái mất tích, bà vẫn luôn tìm kiếm con bé. Năm 2008, khi điều tra dân số toàn quốc, bà hy vọng sẽ nhận được tin tức của con gái. Tuy nhiên, một cán bộ địa phương ở An Huy đã giấu cô Dương đi, khiến bà mất cơ hội tìm con gái.

Mẹ cô Dương nói: “Năm 2008 tôi ở trong nhà. Tôi đã nói, cuộc điều tra dân số năm nay khá chặt, có lẽ công an sẽ tìm thấy con gái tôi.”

“Sau đó, khi công an đến điều tra dân số, một người phụ nữ tên Ngô Lệ, không rõ là cán bộ thôn hay cán bộ thị trấn, đã giấu cô Dương sang nhà khác, họ vẫn luôn làm như vậy.”

Cô Dương nói rằng khi cô sinh đứa thứ 2, bà Ngô Lệ đã buộc cô phải triệt sản.

Mẹ cô Dương nói rằng bà đã rất tức giận khi nghe con gái nhắc lại chuyện này, “Có lần tôi đã gọi điện cho Ngô Lệ, tôi nói, bà có quyền gì mà bắt con gái tôi triệt sản. Cô bé còn chưa đầy 20 tuổi mà đã triệt sản, nếu là con gái bà, thì bà có tùy tiện làm vậy không? “

Phóng viên Epoch Times đã gọi cho bà Ngô Lệ, hỏi bà ấy sao lại bắt một cô gái 20 tuổi đi triệt sản. Bà ấy nói rằng mình chỉ làm theo chính sách, những người sinh 2 con đều phải triệt sản. Phóng viên lại tiếp tục truy vấn, hỏi có phải cô Dương bị bắt cóc và bán đến đó không, bà ấy nói không biết, và lập tức gác máy. Phóng viên gọi lại nhưng không ai nhấc máy.

Mẹ cô Dương: Kẻ buôn người vẫn chưa bị trừng trị theo pháp luật

Mẹ cô Dương nói rằng Tất Tiểu Yến, kẻ bán con gái bà, vẫn chưa bị pháp luật trừng phạt.

Mẹ cô Dương nói: “Tất Tiểu Yến chính là bạn gái học cùng khóa, nhưng khác lớp. Khi công an đến tìm, cô ấy đang mang bầu, nên vẫn không xử phạt. Hiện giờ lại đến thời kỳ bú mớm, cô ấy và chồng đã ly hôn. Tôi đoán đây cũng là một cái bẫy.”

Mẹ cô Dương nói: “Tôi nghĩ rằng đây là một vụ án tố tụng, chắc chắn rằng không lâu nữa tòa án sẽ xét xử, để tôi xem tòa án sẽ phán quyết vụ này như thế nào.”

Theo Triệu Phượng Hoa, Cố Hiểu Hoa / Epoch Times