Ngày 4/4 năm nay, thêm một người mẹ có con là nạn nhân trong thảm họa Thiên An Môn Trung Quốc 1989 nữa đã qua đời. Bà là nhà địa chất Từ Ngọc (Xu Wei). Năm 1989, con trai của bà là sinh viên Ngô Hướng Đông (Wu Xiangdong) chỉ mới 20 tuổi, bị quân đội đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắn chết trong vụ thảm sát ngày 4/6/1989. Vào năm 2011, Từ Ngọc, người bị bệnh nan y, đã hét vào mặt các cảnh sát mà suốt ngày đêm theo dõi cửa nhà bà: “Tôi là kẻ thù à? Con tôi đã bị các người giết chết. Nhưng giờ đây cứ như thể tôi đã giết chết con các người. Các người nhìn chằm chằm tôi như thế làm gì…”

Tap Can Binh 2 kremlin.ru
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Kremlin.ru)

Đây là một truy vấn đau đớn, cũng là truy vấn điển hình. Những hung thủ giết người thì không bị truy cứu, trái lại người thân của kẻ bị hại lại bị truy cứu – một dạng truy cứu đặc biệt – theo dõi và giám sát nghiêm ngặt. Hai mươi chín năm sau, những kẻ giết người vẫn được bảo vệ, trong đó nhiều kẻ giết người thậm chí được hưởng phúc lợi vật chất cao nhất, sống cuộc sống xa hoa nhờ tham nhũng, ví dụ Lý Bằng (Li Peng), kẻ mà lịch sử đã xác định là “đồ tể Thiên An Môn”.

Vấn đề ngày 4/6 đã trở thành nút chết trong lịch sử Trung Quốc đương đại. Kẻ nắm quyền tìm mọi cách ngăn chặn sự thật, cấm cản mọi người dân nhắc lại, phong tỏa lịch sử đối với thế hệ trẻ. Có thể thấy rằng họ cũng tự biết đuối lý mà không dám to tiếng. Chỉ có một số ít người phản kháng, bao gồm người thân của các nạn nhân năm đó, là những người kiên định với chính nghĩa, không ngừng kêu gào.

Là một đảng cầm quyền với chế độ độc tài, ĐCSTQ vốn dĩ có điều kiện nhìn lại lịch sử, đánh giá lại các sự kiện đã qua; là người lãnh đạo nắm mọi quyền lực trong tay, Tập Cận Bình vốn dĩ có nhiều thuận lợi hơn so với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào để lật lại quá khứ, sửa chữa lỗi lầm. Thế nhưng mọi thứ vẫn im lặng. Vẫn bế tắc như trước. Cục diện chính trị Trung Quốc bao trùm trong không khí chết chóc, nặng nề.

Làm sao để lý giải thái độ bất động của Tập Cận Bình? Có lẽ, chính quyền của Tập Cận Bình khốn khổ trong bốn điều không tự tin/bất an.

Con đường không tự tin

Tập Cận Bình nắm quyền, được gọi là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc Tập Cận Bình”, nhưng cái khẩu hiệu đó, thực tế vẫn giữ nguyên là “con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Cụ thể, về mặt chính trị vẫn nối gót theo Mao Trạch Đông, về kinh tế thì theo Đặng Tiểu Bình, đó là chế độ độc tài một đảng cộng với nền kinh tế thân hữu hoang dã do tư bản đỏ thao túng. Cái gọi là “thời đại mới Tập Cận Bình” về cơ bản không có gì “mới”. Tập Cận Bình đã cố gắng để không là cái bóng của Mao và Đặng, nhưng lại không dám đi con đường mới. Không có con đường mới, sẽ không có thời đại mới. Như vậy là đã rõ, Tập Cận Bình thiếu con đường tự tin.

Lý luận không tự tin

Nếu nói Mao Trạch Đông còn có bộ lý luận của riêng mình, Đặng Tiểu Bình cũng có (hiển nhiên, xem xét nghiêm túc thì thứ của Đặng Tiểu Bình không phải là lý luận, mà là một loại quan điểm chủ nghĩa thực dụng), nhưng Tập Cận Bình hoàn toàn không có bộ lý luận nào của riêng mình.

Giống như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, lý luận của Tập Cận Bình đến từ Vương Hộ Ninh, nhưng Vương Hộ Ninh, người có biệt danh “quân sư ba thế hệ”, thực ra là “nô gia của ba họ”. Tôi cẩn thận nghiên cứu và phân tích, tất cả các lý luận của Vương Hộ Ninh, chính là chủ nghĩa Mác-Lênin, đúng hơn là chủ nghĩa Mác-Lênin theo cách hiểu của ông ta, tự tưởng là đúng đắn. Vương Hộ Ninh pha chế thành ba bộ lý luận, cho Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, và Tập Cận Bình, bản thân chúng tự mâu thuẫn và phủ nhận nhau. Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Marx, Vương Hộ Ninh tuyên bố: “Tư tưởng của Tập Cận Bình là chủ nghĩa Mác”. Thứ gọi là “chủ nghĩa Mác” kiểu công lợi này, là thứ chủ nghĩa Mác đã được sàng lọc lựa chọn, thứ lựa chọn chính là chủ trương bạo lực, bỏ qua chủ trương tự do. Nó mâu thuẫn với lịch sử, xung đột với hiện thực, đi ngược lại tương lai. Có quá nhiều mâu thuẫn và sai lầm trong nó, vô số điểm phi logic, hoàn toàn không thể biện minh được. Kết quả, hiển nhiên là Tập Cận Bình thiếu lý luận tự tin.

Chế độ không tự tin

Nếu nói cuộc cách mạng cộng sản thời đại Mao Trạch Đông có môi trường lớn quốc tế: thành lập và mở rộng của Liên Xô đỏ, nhuộm đỏ tám nước Đông Âu và nhiều nước châu Á, Mỹ Latin; nếu nói cải cách và mở cửa của thời Đặng Tiểu Bình, cũng có bệ đỡ quốc tế rộng khắp, xen giữa các nước kinh tế thị trường (đại diện là Mỹ) và các nước xã hội chủ nghĩa cực đoan (Liên Xô là đại diện), Đặng Tiểu Bình đã đi theo “con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung quốc”, đó là nền kinh tế thị trường nửa vời cộng với chủ nghĩa xã hội cũng nửa vời, có thể gọi là loại con đường lơ lửng! Thể hiện về chế độ, chính là chủ nghĩa chuyên chế về chính trị, chủ nghĩa tư bản về kinh tế, nhưng do chỉ có cải cách kinh tế mà thiếu cải cách chính trị, nên thứ gọi là chủ nghĩa tư bản đó đã nhanh chóng biến thành chủ nghĩa tư bản thân hữu đầy hoang dại; cái gọi là nền kinh tế thị trường thì nhanh chóng sa vào thứ duy kinh tế cực đoan hủ bại.

Cùng với xu thế dân chủ trở thành xu thế toàn cầu, chế độ độc tài độc đảng kiểu Mao Trạch Đông bị bao vây tứ bề; cùng với Liên Xô và Đông Âu tan rã, con đường lơ lửng của Đặng Tiểu Bình cũng khó bề tiếp tục. Đến thời đại Tập Cận Bình, môi trường lớn quốc tế lại có thêm những thay đổi, chế độ độc tài một đảng của Trung Quốc đã trở thành con nước mất nguồn, mất gốc. Tập Cận Bình kiên quyết tử thủ, rõ ràng là thiếu sự tự tin về thể chế.

Văn hóa không tự tin

Khách quan mà nói, sinh tồn của người Trung Quốc ngày nay nằm giữa hai loại văn hóa, văn hóa truyền thống Trung Hoa và văn hóa phương Tây hiện đại. ĐCSTQ không đồng ý với văn hóa phương Tây, lý do chính là không tán đồng những giá trị phổ quát như dân chủ, tự do, nhân quyền và pháp trị, pháp quyền; nhưng ĐCSTQ lại chấp nhận có chọn lọc thứ khác của văn hóa phương Tây, đó là bóng ma chủ nghĩa Mác. Tuy nhiên, như đã đề cập, ngay cả đối với chủ nghĩa Mác, ĐCSTQ cũng tiếp thu kiểu lựa chọn, không chân thành và nghiêm túc.

Đối với văn hóa truyền thống Trung Quốc, ĐCSTQ đang cố gắng nhặt lại Khổng Tử mà trước đây từng bị họ chà đạp, nhưng nền chính trị bạo ngược mà ĐCSTQ áp dụng lại đi ngược chủ trương chính trị nhân từ của Khổng Tử. ĐCSTQ phát triển “Học viện Khổng Tử” khắp thế giới, nhưng người ta thấy sự xuất khẩu của ĐCSTQ không phải là văn hóa truyền thống Nho giáo Trung Quốc do Khổng Tử sáng lập, mà là văn hóa đảng Cộng sản độc tài và hủ bại. Hình thức không như nội dung, danh và thực xung khắc, như vậy hiển nhiên là Tập Cận Bình thiếu tự tin về văn hóa.

Chính vì thiếu bốn tự tin này mà chính quyền của Tập Cận Bình tuyên bố rằng họ có bốn tự tin này, giống như kẻ huýt sáo khi đi đêm để hy vọng xua tan nỗi sợ hãi, nhằm lấy thêm can đảm.

Việc ĐCSTQ rơi vào bẫy mâu thuẫn của con đường, lý luận, chế độ và văn hóa không thể tự thoát ra được, truy đến cùng vẫn chỉ nằm trong việc họ tử thủ và tính toán để giành được lợi lộc. Tính toán ích kỷ và tầm nhìn hạn hẹp này đã cản trở tầm nhìn của nhóm lãnh đạo ĐCSTQ. Giống như tất cả các nhà cai trị Trung Quốc thuộc các triều đại trong lịch sử, toàn bộ những gì ĐCSTQ đã làm chỉ là để bảo vệ triều đại của họ – Triều đại Đỏ, “thiên triều” trong khẩu ngữ của các cư dân mạng. Loại bảo vệ quyền lực và chế độ này là tư duy chính trị lạc hậu, đặc biệt là đi chệch quỹ đạo loài người của thế kỷ 21. Chỉ biết nghĩ lợi ích cho bản thân và đảng phái, phá hoại lợi ích chung của loài người. Tai ương từ ĐCSTQ thậm chí còn kinh khủng hơn các triều đại trong lịch sử.

Trần Phá Không

(Bài viết chỉ đại diện lập trường và quan điểm của ​​cá nhân tác giả)

Xem thêm: