Từ năm 1979, phong trào về quê ăn Tết tại Trung Quốc được chính quyền đất nước này gọi là “xuân vận”, truyền thông Trung Quốc còn gọi trào lưu về quê ăn Tết là khoảng thời gian “lưu động nhân khẩu định kỳ hiếm thấy trên toàn cầu”. Tuy nhiên, có bình luận chỉ ra, năm nay Đại Lục đang thịnh hành “xuân vận ngược”; cũng có người đặt vấn đề, liệu đón Tết ở Đại Lục có phải đang mất dần “hương vị gia đình”.

xuân vận
Dự tính từ 1/2 đến 12/3, Trung Quốc sẽ có khoảng 2,98 tỉ lượt người xuất hành trong phong trào “xuân vận” (Ảnh minh họa Epoch Times)

Năm 1980, tờ Nhân dân Nhật báo lần đầu tiên nhắc đến từ “xuân vận”, gần 40 năm nay, phong trào về quê ăn Tết từ chưa đầy 100 triệu lượt người, đến năm 2018 đã tăng lên đến khoảng 3 tỷ lượt người, con số tương đương với số người đã từng chuyển nhà một lần ở các khu vực trên thế giới trừ khu vực châu Á.

Tại Trung Quốc Đại Lục, trong thời gian Tết, rất nhiều người muốn về quê nhưng lại rất khó để mua được vé tàu xe, không chỉ cần phải tranh giành, đuổi theo xe, còn phải chịu cảnh nhồi nhét người trên xe. Khi về được đến quê nhà thì cả thân thể lẫn tinh thần đều mệt nhoài.

Do đó, mấy năm nay bắt đầu thịnh hành “xuân vận ngược”, tức là những người xa quê lựa chọn không về quê đón Tết nữa, mà thu xếp đưa người nhà lên thành phố để đoàn tụ.

Tham gia “xuân vận ngược” chủ yếu là những người tuổi tác đã cao, phần lớn đều sống đơn độc ở quê, con cái định cư và làm việc ở nơi khác. Khi đến dịp lễ Tết, nhóm người lớn tuổi này bèn rời khỏi ngôi nhà quen thuộc của mình, đi đến nơi đô thị lạ lẫm để cùng đón Tết với con cái.

Theo số liệu công bố của Ctrip (ctrip.com, trang web về du lịch) cho thấy, những ngày cận Tết, sản phẩm du lịch (vé đi lại, nhà hàng, khách sạn, v.v.) theo đoàn hoặc du lịch tự do đặt trước ở thành phố tuyến 3, 4, cho đến những thành phố tuyến 1 như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, tăng trên 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn các điểm đến đang nóng với trào lưu “xuân vận ngược” là các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu, Hàng Châu, Nam Kinh, Thanh Đảo, Thiên Tân, Vũ Hán, Trịnh Châu.

Tuy nhiên, “xuân vận ngược” cũng khiến dư luận đặt ra nghi ngờ. Có người cho rằng, đón cha mẹ hay những người trưởng bối đến bên mình, “để cho các cụ mệt nhọc vì đi tàu xe, sao lại phải khổ như vậy?” Cũng có cư dân mạng cho rằng, “xuân vận ngược” không mang đến không khí đón Tết nơi quê nhà, không khí đón năm mới truyền thống đang biến mất nhanh chóng.

Trí Đạt

Xem thêm: