Trang Minghui.org đưa tin, theo thông tin có được vào tháng Ba, có thêm 25 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, gồm 11 người vào năm 2023 và 14 người vào các năm khác, phân bố tại 11 tỉnh, thành phố, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương.

id13304506 15815603f0b792e302989
Học viên Pháp Luân Công tại hải ngoại tưởng niệm các học viên Pháp Luân Công bị bức hại và qua đời ở Trung Quốc (Ảnh: Minghui.org)

Trong đó nổi bật có trường hợp của bà Liêu Quang Huệ, ông Chu Triệu Kiệt và bà Phí Thục Cần. Ba học viên Pháp Luân Công này bị giam cầm và tra tấn trong một thời gian dài và qua đời trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3 năm nay.

Bà Liêu Quang Huệ, học viên Pháp Luân Công ở quận Phù Thành, thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị kết án oan 3 năm tù và bị Nhà tù nữ Long Tuyền Dịch, Thành Đô tra tấn đến mức trở thành người thực vật. Bà qua đời vào ngày 23/3 ở tuổi 70.

Ông Chu Triệu Kiệt, học viên Pháp Luân Công ở huyện Mễ Dịch, thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên, phải ngồi tù hơn 10 năm. Ông bị kết án oan 9 năm và 1 năm lao động cưỡng bức, bị tước tiền trợ cấp sau khi được trả tự do. Ông qua đời oan khuất vào ngày 21/2, hưởng thọ 69 tuổi.

Năm 2013, học viên Pháp Luân Công Phí Thục Cần đến từ huyện Y Lan, thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án oan 13 năm. Bà bị bức hại đến chết tại Nhà tù nữ Hắc Long Giang vào chiều ngày 16/2, hưởng thọ 77 tuổi.

Bị bức hại thành người thực vật, bà Liêu Quang Huệ qua đời oan khuất

Bà Liêu Quang Huệ, sinh ngày 26/2/1953, sống tại khu vực Nhà máy Tân Hoa thuộc quận Phù Thành, thành phố Miên Dương. Vì làm việc trong kho lương thực hơn 20 năm, phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, và cơ thể chịu nhiều áp lực, nên sau khi mất việc, bà đã đổ bệnh.

Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1999, và tất cả các bệnh của bà đều được chữa lành mà không cần dùng thuốc.

Pháp Luân Công dựa trên nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” và cùng với 5 bài công pháp nhẹ nhàng, hướng dẫn mọi người tu luyện, giúp người tập được thọ ích cả thân lẫn tâm. Năm 1999, tập đoàn Giang Trạch Dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, và thực hiện một loạt các thủ đoạn bức hại đối với các học viên như bắt cóc, giam giữ, kết án và tra tấn.

Trong cuộc bức hại của ĐCSTQ, bà Liêu Quang Huệ đã bị bắt cóc nhiều lần. Nhà của bà bị lục soát phi pháp, còn bà cũng bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức trong 1,5 năm. Chồng của bà, ông Lý Song Toàn, cũng bị kết án 5 năm tù phi pháp.

Trưa ngày 20/7/2019, bà Liêu Quang Huệ bị 7, 8 cảnh sát địa phương bắt cóc và đưa đến Nhà tù Thành phố Miên Dương hơn 1 năm. Ngày 25/9/2020, Tòa án quận Phù Thành đã kết án bà 3 năm tù và yêu cầu bà nộp phạt 3.000 nhân dân tệ (khoảng 436 USD).

Ngày 21/1/2021, bà bị đưa đến Nhà tù nữ Thành Đô. Chỉ trong hơn 1 tháng, nhà tù đã vội vàng yêu cầu gia đình bà chi hơn 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.538 USD) để tiến hành phẫu thuật não cho bà.

Sau ca phẫu thuật, bà vẫn hôn mê. Gia đình bà đã nộp đơn yêu cầu nhà tù trả tự do cho bà với lý do “bảo lãnh để điều trị y tế”, nhưng không có phản hồi. Sau khi bà hết hạn 3 năm tù oan, nhà tù mới thả bà về nhà.

id13963906 Collage Fotor 600x450 1
Bà Liêu Quang Huệ bị tra tấn và rơi vào trạng thái thực vật. (Ảnh: Minghui.org)

Sau khi bà về nhà, người nhà thấy toàn thân bà cứng đờ, bên não phải của bà có một lỗ sâu lớn lõm vào trong. Có 3 ống được đưa vào cơ thể bà, được sử dụng để hút đờm, truyền chất lỏng cho ăn và thông tiểu.

Gia đình không biết làm thế nào để chăm sóc bà, nên đã gửi bà đến một bệnh viện địa phương. Chỉ trong vài ngày, toàn thân bà co giật, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Vì không đủ tiền thuê y tá, gia đình đã đưa bà về nhà. Sáng sớm ngày 23/3, bà qua đời.

Sau 10 năm bị cầm tù oan và bị tra tấn, ông Chu Triệu Kiệt qua đời ở Tứ Xuyên

Ông Chu Triệu Kiệt, học viên Pháp Luân Công ở huyện Mễ Dịch, thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên, từng bị kết án bất hợp pháp 9 năm và 1 năm trong trại lao động cưỡng bức.

Ông bị tra tấn và bị bắt làm nô lệ trong Trại lao động cưỡng bức Tân Hoa ở Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên trong 1 năm. Ông bị tẩy não cưỡng chế, phải đứng trong tư thế quân nhân và bị phạt chạy, đôi khi phải chạy hàng chục vòng một lúc. Ông còn bị phơi mình trong tuyết giá lạnh suốt thời gian dài, đôi khi quần áo của ông bị lột sạch.

Sau đó, ông bị chuyển sang làm việc trong một nhà máy gạch, mỗi sáng phải dậy từ lúc 5:00 sáng, và bị phạt đứng 2 tiếng, phải làm việc từ 7:00 sáng -10:00 tối.

Ông phải lao động cường độ cao, ngày nào cũng không được ăn no, không được uống nước, không có nước để tắm sau giờ làm việc. Ông bị phạt đứng đến 2:00 đêm và chỉ ngủ được 3 tiếng một ngày. Ông phải lao động khổ sai liên tục trong 5 tháng, mà không được nghỉ một ngày nào.

Sáng ngày 2/11/2002, ông Chu Triệu Kiệt bị cảnh sát bắt cóc trong một căn nhà thuê ở khu đô thị thành phố Tây Xương, và bị nhốt trong một nhà khách bán than vào đêm hôm đó. Sau khi bị cầm tù 1 năm 3 tháng, ông lại bị Tòa án quận Mễ Dịch kết án 9 năm tù phi pháp.

Trong thời gian ông tuyệt thực để phản đối bức hại, quản giáo Cao Hổ đã ra lệnh cho 8 tù nhân đẩy ông xuống đất, và bức thực ông bằng một ống cao su nhét qua lỗ mũi vào bụng. Miệng ông bị xé toạc, mũi chảy đầy máu, ông bị bức thực như vậy nhiều lần.

Sau khi ông Chu Triệu Kiệt trở về từ Nhà tù Ngũ Mã Bình ở tỉnh Tứ Xuyên, vợ ông đã ly dị ông. Lương hưu của ông cũng bị đình chỉ, ông phải chịu tổn hại lớn về thể chất và tinh thần, cũng như sự bức hại về tài chính. Ông qua đời vào ngày 21/2/2023.

Bị kết án oan 13 năm, bà cụ 77 tuổi bị bức hại đến chết

Trong Tết Nguyên Đán năm 2013, ông Vương Hiến Khôi (Wang Xiankui), tỉnh trưởng tỉnh Hắc Long Giang lúc bấy giờ, đã nhìn thấy những khẩu hiệu như “Pháp Luân Đại Pháp hảo” “Đưa Chu Vĩnh Khang ra trước công lý” treo trên cầu vượt trên đường cao tốc Cáp Nhĩ Tân – Đồng Giang từ Y Lan đến Hồng Khắc Lực.

Ông ta đã trực tiếp ra lệnh cho cảnh sát Hắc Long Giang Tôn Vĩnh Ba, Phó bí thư của Sở, kiêm Ủy viên Ban Chính trị và Pháp luật tỉnh, điều tra việc này.

Vào lúc 6:00 chiều ngày 29/3 cùng năm, rất nhiều cảnh sát huyện Y Lan đã bắt cóc, sách nhiễu và giam giữ 61 học viên Pháp Luân Công tại địa phương, trong đó có bà Phí Thục Cần.

Khi ở trong Trại giam huyện Y Lan, bà bị huyết áp cao và bệnh tim. Trong thời gian ở Trại giam số 2 Cáp Nhĩ Tân, bà được chẩn đoán là bị nhiễm trùng gan và u xơ tử cung.

Tuy nhiên, bà Phí Thục Cần vẫn bị kết án phi pháp 13 năm tù, và bị đưa đến Nhà tù nữ tỉnh Hắc Long Giang. Trong thời gian này, tình trạng sức khỏe của bà ngày càng xấu đi, nhưng nhà tù vẫn không cho bà được “bảo lãnh để điều trị y tế”.

Tháng 2/2019, người nhà đến thăm thì phát hiện bà mắc bệnh giống như Alzheimer. Họ nghi ngờ bệnh viện trại giam đã cho bà uống một loại thuốc không rõ nguồn gốc, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, nên đã làm đơn giám định tư pháp và đề nghị được bảo lãnh để chữa bệnh, và bị nhà tù từ chối.

Ngày 13/1 năm nay, bà Phí Thục Cần được chẩn đoán mắc bệnh nhồi máu não lỗ khuyết, teo não, tổn thương viêm phổi, tính mệnh rất nguy kịch. Nhưng nhà tù không cho gia đình vào thăm.

Khoảng 1h chiều ngày 16/2, nhà tù thông báo với gia đình rằng bà cần được chuyển đến một bệnh viện khác. Tuy nhiên, chỉ sau 2h chiều bà đã qua đời.

Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 20/3 vẫn tiếp tục chú ý đến cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các học viên Pháp Luân Công, như giam giữ trái phép. Báo cáo cũng đặc biệt đề cập đến bằng chứng mới nhất về việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.

Ngày 27/3, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua với tỷ lệ áp đảo một dự luật trừng phạt ĐCSTQ, vì tội ác thu hoạch nội tạng sống từ các tù nhân lương tâm. Dự luật trừng phạt tất cả những người liên quan đến tội ác khủng khiếp này.

Minghui.org bình luận: “ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công, và tất cả mọi người đều là nạn nhân. Tội ác của ĐCSTQ lớn tày trời, Trời muốn diệt nó. Các cơ quan công an, viện kiểm sát và bộ tư pháp không nên có bất kỳ ảo tưởng nào về ĐCSTQ. Chỉ bằng cách nhận ra sự xấu xa của ĐCSTQ, chúng ta mới có thể thoát khỏi sự kiểm soát của nó.”

Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe.

Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người.

Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật.

Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế.

Bình Minh (t/h)