Gần đến Đại hội 19, nước cờ nhân sự cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng ngày càng rõ hơn. Thời gian gần đây, chính quyền của ông Tập Cận Bình liên tiếp có biến động về nhân sự khiến nhiều người không kịp trở tay. Giới quan sát cho rằng, về tổng thể địa vị hạt nhân của ông Tập Cận Bình tại Đại hội 19 đã sắp đặt xong, nhưng trước khi diễn ra Đại hội 19 vẫn còn 3 điều cần chờ giải đáp vào phút cuối.

GettyImages 649522580
(Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

“Đại tướng chống tham nhũng” Vương Kỳ Sơn có về hưu hay tiếp tục ở lại “đả hổ”?

Từ khi ông Tập Cận Bình nắm đại quyền trong tay đã phát động chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng, còn người giúp ông Tập chống tham nhũng và “đả hổ” chính là đồng minh của ông Tập trong Bộ Chính trị – ông Vương Kỳ Sơn. Trong 5 năm chống tham nhũng của ông Vương Kỳ Sơn, đã có hơn 200 quan chức cấp cao thuộc phe phái của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân bị bắt và xử lý.

Có phân tích nói, bàn tay sắt chống tham nhũng của ông Vương Kỳ Sơn đã động đến các tập đoàn lợi ích trong nội bộ ĐCSTQ, đặc biệt là tập đoàn lợi ích của gia tộc ông Giang Trạch Dân. Do đó mà tập đoàn Giang Trạch Dân hận ông Vương Kỳ Sơn đến tận xương tủy, liên tiếp tạo dư luận xấu để tấn công thậm chí còn nhiều lần ám sát ông.

Vấn đề ông Vương Kỳ Sơn về hưu hay tiếp tục lưu nhiệm không chỉ trở thành tiêu điểm chú ý của giới quan sát, mà còn là tiêu điểm chú ý trong nội bộ ĐCSTQ.

Ngoài ra, ĐCSTQ còn có một quy định bất thành văn là “7 lên 8 xuống”, cũng tức là, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ mới và chỉ 67 tuổi thì có thể tiếp tục ở lại, nhưng những ai 68 tuổi thì phải về hưu. Ông Vương Kỳ Sơn đã 69 tuổi, có được đặc cách “phá lệ” để ở thêm nhiệm kỳ nữa hay không, đến nay vẫn còn là ẩn số.

Theo tờ Epoch Times, do vấn đề tuổi tác của ông Vương Kỳ Sơn, nên ông Tập Cận Bình có thể thay đổi chế độ “7 lên 8 xuống” để cho đồng minh được lưu nhiệm hay không, đến nay vẫn có tranh cãi trong nội bộ Trung Nam Hải.

Theo nguồn tin từ nhân sĩ thân cận với Trung Nam Hải tiết lộ, dù có người ở nước ngoài tung tin xấu về ông Vương Kỳ Sơn, nhưng quan hệ đồng minh chính trị giữa ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn vẫn không có gì thay đổi, ông Vương vẫn được ông Tập tín nhiệm.

Ngày 19/9, Economist Intelligence Unit (EIU) – cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist, đã công bố một bản báo cáo trong đó có nói, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương 69 tuổi Vương Kỳ Sơn sẽ phá vỡ thông lệ “7 lên 8 xuống” để ở lại Ban Thường vụ Bộ Chính trị, việc này là nhằm chuẩn bị để đến năm 2022, ông Tập Cận Bình 69 tuổi sẽ có thể tiếp tục ở lại nhiệm kỳ thứ 3 tại Đại hội 20.

Tuy nhiên, trước đó cũng có tin nói tại Đại hội 19, ông Vương Kỳ Sơn sẽ về hưu.

Ngày 8/9, ông Vương Kỳ Sơn tham gia Đại hội Hệ thống kiểm tra giám sát kỷ luật toàn quốc và có nói “thế hệ nào có nhiệm vụ của thế hệ đó”. Câu nói này khiến nhiều kênh truyền thông lý giải rằng ông Vương Kỳ Sơn đang đưa ra tín hiệu cho thấy ông sẽ về hưu.

Ngày 18/9, tạp chí Tranh Minh (Hồng Kông) dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết, ông Vương Kỳ Sơn có ý về hưu, sau Đại hội 19, ông sẽ lựa chọn thoái lui. Người có xuất thân từ quân đội thân cận với ông Vương Kỳ Sơn nói, người quen thân với ông Vương gần đây có hỏi dò ông về vấn đề thay đổi chức vụ sau Đại hội 19, thì ông Vương cười nói “không thể cứ mãi làm việc được, cũng cần phải nghỉ ngơi rồi”.

Nguồn tin còn cho biết, gần đây ông Vương Kỳ Sơn đã đề bạt một số người có biểu hiện nổi trội trong chống tham nhũng thuộc phòng chủ nhiệm kiểm tra kỷ luật và giám sát quản lý; theo thông lệ trong quan trường của ĐCSTQ, người chủ quản trước khi rời chức vụ, sẽ đề bạt thân tín hoặc người có thành tích.

Danh sách thành viên trong Ban Thường vụ khóa mới

Bên cạnh việc sắp diễn ra Đại hội 19, ai sẽ được ngồi vào ghế Ban Thường vụ Bộ Chính trị – cơ quan quyền lực tối cao của ĐCSTQ, cũng khiến giới quan sát đặc biệt chú ý. Các kênh truyền thông cạnh tranh tìm thông tin liên quan, cũng vì thế mà có rất nhiều danh sách Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác nhau được đưa ra.

Ngày 26/8, nhật báo Apple Daily (Hồng Kông) dẫn nguồn tin từ truyền thông ngoài Trung Quốc nói, danh sách Ủy viên Thường vụ đã xác định 6 người, bao gồm ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Uông Dương, Lật Chiến Thư, Hồ Xuân Hoa, Trần Mẫn Nhĩ, còn một người nữa sẽ được chọn trong số 3 người là ông Vương Kỳ Sơn, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính.

Ngày 24/8, trong một bản tin của tờ báo Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) cũng đưa ra một bản danh sách Ủy viên Thường vụ và nói, ngoài ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Uông Dương và Lật Chiến Thư ra, còn có ông Trần Mẫn Nhĩ. Bản tin còn nói, tranh luận về danh sách cuối cùng này vẫn còn đang tiếp tục, dự kiến sẽ kéo dài đến khi khai mạc Đại hội 19.

Tổng hợp các danh sách khác nhau về Ủy viên Thường vụ, có thể thấy ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Uông Dương, Lật Chiến Thư dường như chắc chắn có mặt trong Ban Thường vụ, còn ngôi sao chính trị mới nổi Trần Mẫn Nhĩ cũng là ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua vào Ban Thường vụ.

Đương nhiệm Bí thư thành phố Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ được biết đến là người của ông Tập Cận Bình, được sự trọng dụng của ông Tập Cận Bình. Nhiều kênh truyền thông nước ngoài gần đây đưa tin, tại Đại hội 19 sắp diễn ra, ông Trần Mẫn Nhĩ sẽ trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, và có lẽ sẽ được ngầm coi là người sẽ kế nhiệm ông Tập Cận Bình trong tương lai.

Ông Trần Mẫn Nhĩ nguyên là Bí thư tỉnh Quý Châu, ngày 15/7 được điều chuyển đến Trùng Khánh tiếp nhậm chức Bí thư thành phố Trùng Khánh thay người bị “ngã ngựa” Tôn Chính Tài. Khi đó có phân tích cho rằng, lần điều chuyển ông Trần Mẫn Nhĩ này không còn nghi ngờ gì nữa chính là đã đưa ra tín hiệu chính trị bất thường, tức ông Trần Mẫn Nhĩ sẽ lên con đường tốc hành trở thành “người kế nhiệm”.

Theo tin từ báo Epoch Times, việc điều chuyển ông Trần Mẫn Nhĩ  đến Trùng Khánh là một nước cờ quan trọng của ông Tập Cận Bình mà từ 2 năm trước ông Tập đã bố trí, mục đích điều chuyển ông Trần Mẫn Nhĩ đến Trùng Khánh là trải đường để ông có thể vào được Ban Thường vụ.

Các hãng tin tức lớn như Reuters, New York Times liên tục có bài viết nói con đường chính trị sáng sủa của ông Trần Mẫn Nhĩ, và có khả năng ông Trần Mẫn Nhĩ sẽ vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Một ứng cử viên nữa trong cuộc đua vào Ban Thường vụ là ông Hồ Xuân Hoa, ông Hồ Xuân Hoa được coi là “vương hầu” được chỉ định từ Đại hội 18, theo “thông lệ” của ĐCSTQ, người nào sau khi được xác định là “người kế nhiệm”, thì sẽ được vào Ban Thường vụ trước tiên. Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy, ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ không chấp nhận địa vị “vương hầu” của ông Hồ Xuân Hoa.

Còn về một người nữa cũng là một ứng viên vào Ban Thường vụ nhưng gần đây có nhiều tin không tốt đó là ông Hàn Chính, những tin tức về ông Hàn Chính liên tiếp xuất hiện từ Đại hội 18. Có rất nhiều tranh luận công khai trên mạng về vị này. Hàn Chính có liên quan tới kéo bè kết phái với cựu bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ, người đã phải ngồi tù vì vụ án “An sinh xã hội tại Thượng Hải”. Hàn Chính đã từng dùng đến kinh phí hành chính, thu thuế để cấp một căn nhà cho quan chức cấp sở đã về hưu. Tai tiếng liên quan tới tham nhũng của Hàn Chính, phần nhiều có dính líu tới gia tộc ông Giang Trạch Dân.

Ông Tập Cận Bình có chỉ định “người kế nhiệm” hay không

Ngày 24/7, cựu Bí thư thành phố Trùng Khánh Tôn Chính Tài bị công bố điều tra vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, trong khi đó, tương lai chính trị mù mịt của Bí thư tỉnh Quảng Đông Hồ Xuân Hoa cũng trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận. Ông Hồ Xuân Hoa và Tôn Chính Tài là ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư và Thủ tướng tại Đại hội 20 (sẽ diễn ra vào năm 2022) được chỉ định từ Đại hội 18.

Ông Hồ Cẩm Đào nắm quyền 10 năm nhưng quyền lực thực sự lại bị người của phe ông Giang Trạch Dân thao túng. Có thông tin nói, trước Đại hội 19, ông Tập Cận Bình bắt Tôn Chính Tài chính là cắt đứt đường lui của phe phái ông Giang Trạch Dân.

Điều này liệu có phải cho thấy ông Tập Cận Bình muốn phá bỏ chế độ “chỉ định cách khóa” từ trước đây của ĐCSTQ ? Bài viết trên tờ Nhật báo Tinh Đảo (Hồng Kông) nói, việc ông Tôn Chính Tài “ngã ngựa” đã nói rõ rằng lá bài “chỉ định cách khóa” trước đây của ĐCSTQ sẽ không còn linh nghiệm nữa.

Một nhân sĩ nắm rõ nội tình trong ĐCSTQ phân tích với Đài phát thanh Pháp (RFI) rằng, bắt giữ ông Tôn Chính Tài cho thấy, ông Tập Cận Bình đang cố gắng phá vỡ những quy định trong nội bộ Đảng được hình thành trong những năm qua, trong đó có quy định “7 lên 8 xuống’, “chỉ định cách khóa”, lãnh đạo chủ chốt không được giữ chức quá hai nhiệm kỳ.

Đến hiện nay, đa số đồn đoán cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ không xác định “người kế nhiệm” tại Đại hội 19. Phân tích của truyền thông Hồng Kông nhận định, lựa chọn này có lợi cho ông Tập Cận Bình thêm một bước nữa để nắm quyền lực toàn diện.

Đài RFA từng có bài viết nói, mặc dù không thể chắc chắn rằng ông Hồ Xuân Hoa sẽ là một Tôn Chính Tài tiếp theo, nhưng sau khi thông tin ông Tôn Chính Tài bị cách chức, thì có tin đồn “trên dưới tinh ủy Quảng Đông đều toát mồ hôi cho Hồ Xuân Hoa”.

Cựu chủ biên từ Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng Vương Hướng Vĩ có bài viết nói: “Tôn Chính Tài rớt đài khiến cho tương lai Hồ Xuân Hoa rơi vào bế tắc. Nhiều khả năng sẽ không còn được tiếp tục là người tranh cử vào chức lãnh đạo cấp cao trong ĐCSTQ nữa.

Bình luận viên thời sự Thạch Cửu Thiên nói, theo thông lệ của ĐCSTQ trước đây, “chư hầu” đang trong giai đoạn “thai nghén”, thông thường sẽ đảm nhận chức Phó Chủ tịch nước và Bí thư Ban Bí thư Trung ương. Nhưng đây là vấn đề về cách trù bị chức vụ để dễ dàng làm yếu quyền lực của Tổng Bí thư, bởi vì có một bộ phận không nhỏ quan chức sẽ nghĩ cho tương lai của mình, nên sẽ chuyển hướng trước. Do đó, sau khi ông Tôn Chính Tài “ngã ngựa”, ông Hồ Xuân Hoa khó thể trở thành Ủy viên Thường ủy, trước đó, giới quan sát có tin nói ông Hồ Xuân Hoa có khả năng sẽ giữ chức Phó chủ tịch Chính Hiệp.

Gần đây New York Times đưa tin nói, rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ phá vỡ quy định ngầm tại Đại hội 19, và sẽ thông qua cách hoãn chỉ định “người kế nhiệm” để đặt định cơ sở cho nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp của mình.

Nhà bình luận Hoa Pha nhận định, tại Đại hội 19 sẽ không xuất hiện “người kế nhiệm”. Một trong những mục đích mà ông Tập Cận Bình đánh đổ ông Tôn Chính Tài chính là muốn truyền đi thông điệp “vẫn chưa đến lúc ta chỉ định người kế nhiệm”. Hơn nữa, đối mặt với tình hình hỗn loạn hiện nay của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình cũng rất khó để tìm được một người kế nhiệm thích hợp.

Tuy nhiên cũng có đồn đoán rằng, từ tuổi tác của ông Tập Cận Bình mà xét, ông có điều kiện để kéo dài nhiệm kỳ của mình, do đó mà không cần phải xác định người kế nhiệm quá sớm.

Trí Đạt

Xem thêm: