Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đến nay, hệ thống Đoàn Thanh niên Cộng sản đã hứng chịu nhiều chỉ trích hơn, bộ máy tổ chức bị cải tổ và giảm một nửa phân bổ tài chính, Bí thư Trung ương Đoàn thứ nhất Tần Nghi Trí (Qin Yizhi) cũng bị giáng chức. Đa số dư luận cho rằng tổ chức này không có giá trị tồn tại, việc đại cải tổ bộ máy chỉ là một phần trong kế hoạch “lấy độc trị độc” của đảng Cộng sản Trung Quốc.

đoàn thanh niên
Ông Tập Cận Bình (Ảnh từ sina.com)

Tăng cường kiểm soát Đoàn Thanh niên Cộng sản

Theo bản công bố mới nhất “Biện pháp Quán triệt thực hiện tinh thần Điều 8 Trung ương của Trung ương Đoàn Thanh niên Trung Quốc” (dưới đây gọi “Biện pháp”), nêu rõ yêu cầu cụ thể đối với Bí thư Trung ương Đoàn và các bộ phận trực thuộc khác nhau của Trung ương Đoàn Thanh niên Trung Quốc, chẳng hạn như Bí thư Trung ương Đoàn phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định đãi ngộ về không gian văn phòng làm việc, nhà ở, xe đi lại.

So với phiên bản 2016, “Biện pháp” mới công bố lần này có độ dài gia tăng gấp gần 1,5 lần, các nội dung quy định cũng chi tiết và cụ thể hơn nhiều.

Những hạn chế về chế độ đãi ngộ bao gồm nhiều vấn đề, tiêu biểu như thời gian đi làm nhiệm vụ điều tra nghiên cứu của Bí thư Đoàn Thanh niên phải “đơn giản hóa số người tham gia và khoản tiếp đãi”, “không đi cùng nhau quá nhiều người”, “không được phép uống bia rượu trong thời gian hoạt động công vụ và giờ ăn trưa”; Trung ương Đoàn phải kiểm soát chặt chẽ việc ra nước ngoài, phải sâu sát các đại biểu cơ sở.

Đồng thời văn bản cũng yêu cầu không được báo trước cho nơi đến điều tra nghiên cứu để được bố trí, không được báo cáo số liệu sai sự thật (số liệu giả), dùng ngôn từ sáo rỗng, số nhân viên đi cùng nhau không được quá nhiều (?!).

Cảnh báo “đừng hoang tưởng thành người kế nhiệm”

Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc xưa nay đã được xem là “người kế nhiệm”“quân dự bị”, nhưng những năm gần đây ông Tập Cận Bình hay chỉ trích bộ máy này, có thông tin cho rằng ông Tập đã nói “cán bộ Đoàn đừng chỉ nghĩ thăng quan tiến chức, đừng ảo tưởng sẽ trở thành người tiếp quản quyền lực”.

Vào tháng 07/2015, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Hội nghị Công tác Đoàn của Trung ương Đảng. Minh Báo (Mingpao Daily News) tại Hồng Kông trích dẫn nguồn tin tại Bắc Kinh cho biết, ông Tập đã chỉ trích nặng nề Đoàn Thanh niên Cộng sản rằng “ngồi vị trí cao nhưng tê liệt”.

Vào ngày 09/10 cùng năm, báo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố một bài viết ký tên “Ban Bí thư Trung ương Đoàn”, có thể xem là bài viết hiếm hoi đề cập “Đoàn Thanh niên Cộng sản có thể bị mất giá trị tồn tại của tổ chức”.

Ngày 04/2/2016, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo, tổ tuần tra thứ hai của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc phản hồi kết quả kiểm tra với Trung ương Đoàn Thanh niên rằng, Trung ương Đoàn thanh niên liên quan đến các vấn đề như “cơ quan hóa, hành chính hóa, quý tộc hóa, giải trí hóa”, việc thực hiện lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ không nghiêm túc.

Ngày 25/4 cùng năm, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc thông báo về tình hình chỉnh đốn Trung ương Đoàn, một lần nữa chỉ trích nặng nề bốn vấn đề chủ chốt của bộ máy này là tình trạng “cơ quan hóa, hành chính hóa, quý tộc hóa, giải trí hóa”, chỉ trích quan chức các cấp của Đoàn Thanh niên Trung Quốc suy thoái ý chí, tổ chức tê liệt, tác phong rời rạc, làm việc không có phương hướng…

Sau đó, tổ chức này bị giảm biên chế và sáp nhập, phân bổ tài chính bị giảm đi một nửa.

Việc ban hành “Biện pháp” lần này là một phần của mục tiêu xóa bỏ thực trạng Đoàn thanh niên gọi là bị “cơ quan hóa, hành chính hóa, quý tộc hóa, giải trí hóa”.

Vai trò suy giảm

Trong thể chế chính trị cộng sản Trung Quốc, Bí thư Trung ương Đoàn, đặc biệt là Bí thư thứ nhất, thường là bàn đạp quan trọng để tiến thân vào ban lãnh đạo tối cao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chẳng hạn như ông Hồ Diệu Bang, Hồ Cẩm Đào và Lý Khắc Cường vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, còn Lệnh Kế Hoạch, Hồ Xuân Hoa, Vương Triệu Quốc, Chu Cường đã thăng tiến đến cấp phó của quốc gia, những người này đều từng là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Tuy nhiên, sau khi Lệnh Kế Hoạch “ngã ngựa” vào tháng 12/2014, hệ thống này không còn được tín nhiệm nữa.

Năm ngoái, ông Tần Nghi Trí (Qin Yizhi) Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Trung Quốc không những đã không được bầu vào đại biểu Đại hội 19, mà sự nghiệp chính trị ông này cũng trở thành vấn đề. Ngày 20/9/2017, Tần Nghi Trí được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Giám sát chất lượng, Kiểm tra và Kiểm dịch Quốc gia (cấp chính Bộ), xếp thứ tư trong bốn vị trí phó tổng cục trưởng. Việc điều chỉnh này được giới phân tích xem là “giáng chức”. Theo phân tích, việc điều chuyển nhiệm vụ của quan chức này cũng phản ánh tầm ảnh hưởng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đang dần biến mất.

Ngày 04/4 năm nay, ông Tần Nghi Trí được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý Giám sát Thị trường Quốc gia.

Tuy nhiên, kể từ tháng Chín năm ngoái, sau khi ông Tần Nghi Trí bị điều chuyển nhiệm vụ, vị trí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Trung Quốc đã bị bỏ trống. Tình trạng vị trí “cốt cán” này bị bỏ trống dài hạn như vậy được xem là hiện tượng bất thường.

Các “thây ma chính trị”

Cùng với thực trạng sụp đổ ý thức hệ Cộng sản, công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản ngày càng dẫn đến tranh cãi mạnh mẽ. Trong hai năm qua tại Trung Quốc, bộ máy này cũng thường tham gia vào các tranh cãi về tư tưởng.

Ngày 22/9/2015, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc nhắc lại khẩu hiệu gọi là “Phải trở thành đội ngũ kế vị Chủ nghĩa Cộng sản”, phát ngôn đã bị ông Nhậm Chí Cường, nhân vật nổi tiếng trong ngành bất động sản Trung Quốc phản bác. Trên trang Weibo cá nhân, ông Nhậm Chí Cường cho biết “Tôi đã bị câu khẩu hiệu này lừa bịp hơn chục năm”, tuyên bố của ông Nhậm Chí Cường sau đó đã gây cuộc chiến dư luận mạnh mẽ.

Ngày 27/3/2016, trên Weibo cá nhân học giả Trung Quốc Hạ Vệ Phương (He Weifang)  cho biết, Đoàn Thanh niên Cộng sản chỉ là đoàn thể quần chúng hoặc tổ chức phi chính phủ, không nên dùng tiền thuế của dân để nuôi. Ông kêu gọi bãi bỏ các cấp hành chính của tổ chức này.

Ông Hạ Vệ Phương nhận định, điều quan trọng nhất là chúng ta không dùng tiền thuế của dân để nuôi tổ chức vô dụng này, tổ chức này (Đoàn Thanh niên Cộng sản) hiện nay dường như không còn mấy giá trị để tồn tại.

Trong một bài bình luận vào ngày 5/4/2016 trên VOA Mỹ có nhận định ba tổ chức tại Trung Quốc gồm Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Liên hiệp phụ nữ và Công đoàn là “ba xác chết chính trị”.

Khi giới chức lãnh đạo ĐCSTQ chính thức cho cải cách Đoàn Thanh niên Cộng sản đã đề cập cái gọi là “một phần của công tác nghiêm trị trong Đảng”.

Ngày 01/7/2016 là cái gọi là ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi đó ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu dài, đặc biệt lưu ý rằng mối đe dọa lớn nhất mà ĐCSTQ đang đối diện là tham nhũng, vì thế phải “nghiêm trị từ Đảng”.

Về vấn đề này, chia sẻ trên truyền thông bên ngoài Trung Quốc, ông Lý Thiên Tiếu (Li Tianxiao), Tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học Columbia Mỹ và chuyên gia về vấn đề Trung Quốc cho rằng, chế độ ĐCSTQ là một hệ thống độc tài tàn ác, “nghiêm trị từ Đảng” cũng chỉ là lấy độc trị độc, cuối cùng sẽ dẫn đến tan rã hệ thống.

Tuyết Mai

Xem thêm: