Hôm thứ Tư (3/3), các cơ quan y tế và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã quyết liệt bảo vệ “Coronavac”, một loại vắc-xin do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất, khi xảy ra vụ việc một người đàn ông Hồng Kông 63 tuổi chết trong tuần này sau khi được tiêm liều đầu tiên.

Embed from Getty Images

Coronavac là một trong hai loại vắc-xin virus corona do Trung Quốc sản xuất đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phê duyệt. Chỉ đạt hiệu quả hơn 50% ngăn chặn nhiễm virus corona, vắc-xin này được xem là một trong những vắc-xin chất lượng thấp nhất được phê duyệt để phân phối trên quy mô lớn. Nó đặc biệt không hiệu quả nếu so với hai trong ba loại vắc-xin đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại Hoa Kỳ: vắc-xin của Pfizer với hiệu quả 95%, và vắc-xin của Moderna với hiệu quả 94%.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch [quảng cáo] toàn cầu để bán vắc-xin “Coronavac” cho các quốc gia đồng minh, đặc biệt là các quốc gia nghèo khó không thể mua sản phẩm của Mỹ. Vắc-xin này rất ít được quảng cáo tại Trung Quốc, dẫn đến rất ít người Trung Quốc quan tâm sử dụng loại vắc-xin này. Một cuộc thăm dò ý kiến được công bố vào tháng trước cho thấy rằng chưa đến phân nửa số nhân viên y tế ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc quan tâm đến việc tiêm vắc-xin virus corona. Khoảng 28% cho biết họ sẽ không tìm cách để tiêm vắc-xin cho mình cho đến khi loại vắc-xin đó được chấp thuận để sử dụng thường xuyên, chứ không chỉ cho sử dụng khẩn cấp.

Tương tự, tại Hồng Kông, một cuộc thăm dò ý kiến của Đại học Hồng Kông được công bố trong tháng 1/2021 cho thấy chưa đến 30% số cư dân sẵn sàng tiêm “Coronavac”, so với 46% số người sẽ dùng vắc-xin để chống lại virus corona nói chung. Sự ngờ vực tại Đặc khu này dường như đang gia tăng nhanh chóng sau cái chết của một người đàn ông 63 tuổi vào hôm Chủ Nhật (28/2) ngay sau khi tiêm liều đầu tiên vắc-xin của Sinovac.

Theo các nguồn tin địa phương, người đàn ông này đã có một số bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, và viêm phế quản, khiến ông trở thành đối tượng [được ưu tiên] tiêm phòng sớm. Ông đã được tiêm liều đầu tiên vắc-xin Coronavac vào hôm thứ Sáu (26/2) và qua đời vào Chủ Nhật (28/2). Các quan chức y tế Hồng Kông lưu ý rằng các bác sĩ điều trị cho ông không biết rằng ông đã được tiêm một liều vắc-xin virus corona khi ông nhập viện vào Chủ Nhật (28/2), cho nên điều này có thể khiến các bác sĩ không có biện pháp điều trị thích hợp để cứu sống ông ấy.

Các quan chức của cả Hồng Kông và ĐCSTQ đều liên tục khẳng định rằng không có bằng chứng cụ thể nào liên kết trực tiếp việc tiêm vắc-xin và cái chết của người đàn ông 63 tuổi kể trên.

Bộ Y tế Hồng Kông cho biết trong một thông báo: “Hiện tại, mối quan hệ liên đới của việc tiêm vắc-xin [với cái chết của người đàn ông 63 tuổi] không thể được xác định chắc chắn.”

Hôm thứ Tư (3/3), Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc, cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ, khẳng định rằng mối quan hệ giữa việc tiêm vắc-xin và cái chết của người đàn ông Hồng Kông 63 tuổi là “rất khó xảy ra.” Thay vào đó, tờ báo này chỉ trích rằng các loại vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA như vắc-xin của Pfizer và của Moderna còn nguy hiểm hơn nhiều. Thời báo Hoàn Cầu đã nhiều lần tấn công Pfizer, chỉ trích việc một số người cao tuổi tại châu u bị chết sau khi tiêm vắc-xin Pfizer đã chứng tỏ rằng vắc-xin này còn nguy hiểm hơn nhiều so với Coronavac.

Trong số “các chuyên gia” mà Thời báo Hoàn Cầu trích dẫn để đưa ra việc chỉ trích này là giám đốc điều hành của Sinovac, ông Yin Weidong.

Bất chấp cái chết của bệnh nhân, ông Yin cho biết: “Chúng tôi tin tưởng vào sự an toàn tổng thể của vắc-xin Sinovac vì nó đã được chứng minh là an toàn từ các cuộc quan sát [độ an toàn của vắc-xin] khi tiêm chủng quy mô lớn.”

Một “chuyên gia” khác trong bài báo, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Vắc-xin Trung Quốc, cho rằng cái chết là một “sự trùng hợp ngẫu nhiên”.

“Chuyên gia” thứ ba, một quan chức Hồng Kông do ĐCSTQ phê duyệt, khẳng định trong bài báo rằng vắc-xin này “an toàn và hiệu quả, lợi ích vượt trội hơn rủi ro, và chương trình tiêm chủng sẽ tiếp tục.” Tuy nhiên, một quan chức Hồng Kông khác lại than phiền rằng báo chí tự do của Hồng Kông đang “giật gân” vấn đề. Không giống như Trung Quốc cộng sản, Hồng Kông có một lịch sử lâu đời trong việc duy trì nền báo chí tự do, chính trực, mặc dù Bắc Kinh gần đây đã cố gắng đàn áp truyền thống đó.

Hồng Kông bắt đầu việc tiêm vắc-xin cho công chúng vào hôm thứ Sáu (26/2), cùng ngày với nạn nhân chưa rõ danh tánh được tiêm liều đầu tiên vắc-xin Sinovac. Chương trình tiêm vắc-xin này chỉ dành cho người từ 60 tuổi trở lên, nhân viên y tế hoặc những người có bệnh lý có thể khiến họ bị tổn thương nghiêm trọng nếu nhiễm virus corona. “Coronavac” là vắc-xin đầu tiên được phân phối, nhưng chính phủ Hồng Kông dự kiến sẽ cung cấp nhiều loại vắc-xin khác trong tương lai.

Vắc-xin Sinovac sử dụng các tế bào virus corona bất hoạt để thúc đẩy hệ thống miễn dịch của con người nhằm tạo ra kháng thể ngăn chặn việc nhiễm bệnh. Đây là công nghệ vắc-xin mang tính truyền thống hơn so với công nghệ vắc-xin của Pfizer và của Moderna, vốn tạo ra kháng thể bằng cách sử dụng mRNA, một loại protein hiện diện trên bề mặt của tế bào virus corona, chứ không thực sự khiến cơ thể người tiếp xúc với virus corona.

Tuần trước, Trung Quốc đã phê duyệt một loại vắc-xin khác của công ty dược phẩm Sinopharm, với hiệu quả đạt 72,51%.

Truyền thông Trung Quốc, đặc biệt là Thời báo Hoàn Cầu đã phát động một chiến dịch chống lại Pfizer, khi tuyên bố “các chuyên gia y tế Trung Quốc” tin rằng vắc-xin hiệu quả lớn hơn của Pfizer có thể gây chết người.

Một bài báo của Thời báo Hoàn Cầu trong tháng Một, đã cảnh báo: “Ông Yang Zhanqiu, một nhà virus học của Đại học Vũ Hán, nói với Thời báo Hoàn Cầu hôm thứ Sáu rằng sự cố tử vong, nếu được chứng minh là do vắc-xin gây ra, cho thấy hiệu quả của vắc-xin Pfizer và các vắc-xin mRNA khác không tốt như mong đợi, bởi vì mục đích chính của vắc-xin mRNA là để chữa lành bệnh cho bệnh nhân.” Ông Yang lại tấn công Pfizer trong một bài báo hôm thứ Tư (3/3) về cái chết [của người đàn ông] tại Hồng Kông.

Một nhà miễn dịch học giấu tên ở Bắc Kinh đã nói với cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc vào tháng 1/2021 rằng “thế giới nên ngừng sử dụng” sản phẩm của Pfizer và thay vào đó, chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế của Trung Quốc.

Những cái chết đến liên quan đến các bệnh nhân được tiêm vắc-xin Pfizer mà Thời báo Hoàn Cầu đề cập xảy ra tại Na Uy. Những bệnh nhân này đều trên 80 tuổi, một số trên 90 tuổi, và tất cả đều có tình trạng sức khỏe không tốt.

Trong khi đó, một công ty Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 100 triệu liều vắc-xin Pfizer vào tháng 12/2020.

Gia Huy (Theo Breitbart News)

Xem thêm: