Chính quyền ĐCS Trung Quốc đã bắt giữ 130 người liên quan đến các cuộc biểu tình gần đây tại Khu tự trị Nội Mông chống lại chính sách giáo dục bắt buộc bằng tiếng Hán trong trường tiểu học và trung học.

Embed from Getty Images

Từ đầu tháng 9, chính quyền Trung Quốc đã đề ra quy định mới trong việc dạy học ở Khu tự trị Nội Mông. Theo đó, tất cả các trường sẽ dạy ba môn học: ngôn ngữ và văn học Trung Quốc; đạo đức và pháp luật; và lịch sử hoàn toàn bằng tiếng Quan Thoại thay vì tiếng Mông Cổ từ năm 2022, đồng thời chuyển sang dùng sách giáo khoa tiếng Quan Thoại. Mặc dù các trường học đã có một số chương trình giáo dục bằng tiếng Quan Thoại, chính sách mới này sẽ làm tăng thêm thời lượng lớp học bằng ngôn ngữ chuẩn (tiếng Quan Thoại).

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh sau đó tuyên bố rằng: “Quyền và nghĩa vụ của mọi công dân là học và sử dụng cách viết và nói bằng ngôn ngữ chung của quốc gia.”

Quy định mới của chính quyền Trung Quốc đã kích hoạt hàng loạt các vụ biểu tình phản đối. Theo AFP, nhiều phụ huynh đã giữ con cái của họ ở nhà không cho đến trường; hàng vạn người Mông Cổ đã tham gia biểu tình hoặc tẩy chay trường học.

Còn theo Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông Cổ đặt tại Mỹ, nhiều người đã tự sát trong các cuộc biểu tình. Ngoài ra, việc bắt giữ tùy tiện, các vụ mất tích và quản thúc tại gia đang lan rộng. Những người bị bắt không chỉ là người bất đồng chính kiến nổi tiếng và các thành viên gia đình họ, mà còn có các nhà văn, nhà hoạt động và cư dân mạng.

Tổ chức phi chính phủ này cho biết hôm 14/9 rằng họ ước tính ít nhất 4.000 đến 5.000 người dân tộc Mông Cổ đã bị cảnh sát quản thúc dưới nhiều hình thức trong hơn ba tuần qua.

Tờ Nikkei đã tổng hợp được con số 130 người chính thức bị bắt dựa trên các thông báo của chính quyền địa phương trên WeChat. Các vụ bắt giữ đã được báo cáo tại thủ phủ Hohhot cũng như tại các vùng Tongliao, Chifeng, Ordos và Bayannur với cáo buộc như tham gia biểu tình, kích động phản đối trên mạng xã hội và xâm nhập vào trường học trái phép.

Sự phản đối kịch liệt của người dân địa phương đối với chính sách mới đã khiến chính quyền thực hiện các cuộc đàn áp bằng cách xóa hàng loạt bài đăng trên mạng xã hội về các cuộc biểu tình và cảnh báo những nhân viên lĩnh vực công rằng họ sẽ bị đình chỉ công tác hoặc sa thải nếu họ giữ con cái của họ ở nhà không cho đến trường. Các quan chức đã đăng ảnh của hơn 100 người lên mạng xã hội cùng với yêu cầu người dân cung cấp thông tin về những người này.

Một phụ huynh người Mông Cổ cho biết: “Cuộc săn lùng học sinh quy mô lớn đang diễn ra khắp khu vực. Thậm chí tại các cộng đồng nông thôn hẻo lánh nhất, cảnh sát cũng xuất hiện dày đặc. Toàn bộ khu vực Nam Mông Cổ đã trở thành một nhà nước cảnh sát.”

Theo điều tra dân số năm 2010, Trung Quốc có khoảng 5,98 triệu người dân tộc Mông Cổ. Một quan chức cấp cao của một tổ chức có liên quan đến Nội Mông đặt tại Nhật Bản cho biết tiếng Mông Cổ “không chỉ được dùng trong hội thoại mà còn hỗ trợ văn hóa, chẳng hạn thông qua các bài hát dân gian.”

Quan chức này cho biết: “Nhiều người lo ngại rằng trẻ em Mông Cổ sẽ mất đi kỹ năng nói và viết bằng tiếng Mông Cổ.”

Mặc dù hiến pháp Trung Quốc đảm bảo 55 dân tộc thiểu số của nước này có “quyền tự do sử dụng và phát triển ngôn ngữ dân tộc của họ dưới cả hình thức viết và nói,” nhưng chính phủ của ông Tập Cận Bình đã tăng cường yêu cầu giáo dục bằng tiếng phổ thông tiêu chuẩn. Sách giáo khoa tiếng Quan Thoại về ba môn học nói trên đã được áp dụng tại Khu tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ vào năm 2017 và tại Tây tạng vào năm 2018.

Bà Sophie Richardson, giám đốc phụ trách về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: “Cũng như tại Tân Cương và Tây Tạng, chính quyền Trung Quốc dường như đang áp đặt nhiệm vụ chính trị lên trên nhiệm vụ giáo dục. Mặc dù học sinh Mông Cổ được thông báo rằng họ sẽ vẫn có một số môn học bằng tiếng Mông Cổ, nhưng lo ngại của họ về việc các môn này dần dần cũng bị thay đổi là hoàn toàn có cơ sở.”

Ngân Hà (theo Nikkei)

Xem thêm: