Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiên trì nhấn mạnh chính sách “zero COVID linh động”, nhưng trong hơn 3 năm qua, dịch bệnh vẫn tái bùng phát nhiều lần ở nhiều nơi, khiến cho tài chính các địa phương rơi vào khó khăn, nợ của các công ty cũng tăng cao, ngay cả lĩnh vực y tế cũng không thể thoát khỏi thảm họa.

shutterstock 376228120
(Ảnh minh họa: junrong / Shutterstock)

Nợ của các bệnh viện công cao tới 1.764 tỷ nhân dân tệ, không thể trả lương

Theo “Niên giám thống kê Y tế Trung Quốc 2021” cho thấy, vào năm 2020 tổng số nợ của các bệnh viện do chính phủ điều hành là khoảng 1.764 tỷ nhân dân tệ (hơn 261 tỷ USD), và tỷ số nợ trên tài sản là khoảng 45,75%. Tỷ số nợ trên tài sản (tổng nợ phải trả/ tổng tài sản) hầu hết được sử dụng để đo lường khả năng trả nợ của một tổ chức, thông thường nếu cao hơn 50% thì được coi là rủi ro cao.

Theo thống kê của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đến cuối năm 2021 có 1,03 triệu cơ sở y tế ở Trung Quốc, bao gồm 36.570 bệnh viện, trong đó có 11.804 bệnh viện công và 24.766 bệnh viện tư nhân.

Vào tháng 7/2020, dữ liệu do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy, khoảng 22,65% bệnh viện công cấp 3 của Trung Quốc có kết dư thu chi âm, tỷ số nợ trên tài sản trung bình cao hơn 40%, và khoảng 1/3 các bệnh viện có tỷ số nợ trên tài sản lớn hơn 50%.

Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc ngày 6/7 thông báo rằng vào năm 2020, khoảng 40% bệnh viện cấp 2 của nước này bị thua lỗ, và tỷ lệ bệnh viện thua lỗ tăng 16,75 điểm phần trăm so với năm 2019, trong đó 7,51% có tỷ số nợ trên tài sản vượt quá 100%, 49,53% tỷ số nợ trên tài sản vượt quá 50%.

Hôm 19/7 trang “The Paper” đưa tin, Bệnh viện huyện Chấn An ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, đã không trả lương trong 5 tháng liên tiếp. Cục Y tế Sức khỏe đại phương trả lời rằng trong đợt dịch, thu nhập ngoại trú của bệnh viện giảm rất nhiều, hiệu quả hoạt động không tốt, thu nhập của nhân viên y tế cũng bị ảnh hưởng. Một nhân viên bệnh viện tiết lộ, năm nay chỉ trả lương tháng Một và tháng Hai, chưa trả lương tháng Ba đến tháng Bảy. Bệnh viện vẫn nợ lương hưu hơn 20 năm, còn có phí sưởi ấm chưa được báo cáo, công quỹ cũng chưa bao giờ được thanh toán.

Theo trang web chính thức của Bệnh viện huyện Chấn An, thành phố Đan Đông, đây là bệnh viện công mang tính tổng hợp cấp 2, tích hợp điều trị y tế, phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng.

Hơn 2.000 bệnh viện tư nhân đóng cửa với mức lỗ trung bình là 5,53 triệu nhân dân tệ

Đối với các bệnh viện tư nhân, việc duy trì lại càng khó hơn. Theo “Niên giám thống kê Y tế Trung Quốc 2021”, các bệnh viện tư nhân của Trung Quốc có tổng thua lỗ 130 tỷ nhân dân tệ (hơn 19,2 tỷ USD) mỗi năm. Theo “Niên giám thống kê Y tế Trung Quốc 2021”, tính đến tháng Bảy năm nay, hơn 2.000 bệnh viện tư nhân đã phá sản đóng cửa, với mức thua lỗ trung bình mỗi bệnh viện là 5,53 triệu nhân dân tệ (khoảng 818.702 USD).

“Trước khi có dịch, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm của một bệnh viện tư nhân nói chung là 10% đến 20%, và 15% là con số ước tính chung của ngành.” Ông Từ Hoành Phong (Xu Hongfeng), Phó tổng thư ký Phân hội Bệnh viện Tư nhân thuộc Hiệp hội Bệnh viện Trung Quốc cho biết, dưới ảnh hưởng của dịch, nhiều bệnh viện tư nhân bị đình trệ, trường hợp nặng doanh thu giảm hơn 20%, trực tiếp rơi vào tình trạng thua lỗ.

Người quản lý của một bệnh viện tư nhân tiết lộ với truyền thông Đại Lục: “Một số bệnh viện tư nhân nhỏ đã đóng cửa khi không thể tồn tại được trong dịch bệnh và chỉ một phần trong số đó được báo cáo công khai, còn một số công ty không đi theo trình tự hợp pháp thì không được ghi nhận trong hồ sơ.”

Giám đốc một bệnh viện tư nhân cũng cho biết, hiện nay, nhiều bệnh viện tư nhân ở Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng “mở mở đóng đóng”, trực tiếp dẫn đến thu nhập giảm sút.

Theo tìm hiểu, 60-70% bệnh nhân tại các bệnh viện tư nhân ở nhiều thành phố hạng nhất ở khắp Trung Quốc, hiện có số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh không thể trở lại mức trước khi dịch bệnh xảy ra.

Về những thách thức trong tương lai của hệ thống y tế Trung Quốc, bà Dương Kế Viện (Yang Jiyuan), một nhà phân tích của Frost & Sullivan tại Trung Quốc, cho rằng một mặt, những vấn đề do việc phong tỏa các bệnh viện tư nhân có thể dẫn đến việc rút dần vốn xã hội khỏi việc xây dựng hệ thống y tế và số lượng người muốn vào ngành sẽ giảm, điều này sẽ cản trở sự phát triển của hệ thống y tế Trung Quốc; mặt khác, số lượng các bệnh viện tư giảm không chỉ làm gia tăng áp lực chẩn đoán và điều trị cho các bệnh viện công mà còn củng cố vị thế thống lĩnh của họ, điều này không thuận lợi cho việc hình thành hệ thống dịch vụ y tế đa tầng, đa dạng hóa.