Tất cả các nhóm dân tộc ở Tân Cương đang sống hạnh phúc, theo một quan chức hàng đầu Trung Quốc trước chuyến thăm khu vực này của người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 5 tới đây.

Embed from Getty Images

Wang Yang (Uông Dương), thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, người đứng đầu nhóm lãnh đạo các vấn đề Tân Cương của đảng, đã trở thành nhân vật cấp cao nhất đến thăm khu vực kể từ cuộc cải tổ lãnh đạo vào tháng 12.

Bắc Kinh đã phủ nhận về những vi phạm nhân quyền quy mô lớn trong khu vực, bao gồm việc giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ chủ yếu trong các trại cải tạo và sử dụng lao động cưỡng bức.

“Tân Cương đang tiến tới cơ hội phát triển chưa từng có. Nó phải tận dụng vị trí khu vực và lợi thế giàu tài nguyên dựa trên nền tảng vững chắc là ổn định xã hội và các chính sách tốt,” ông Wang nói, theo báo cáo của hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã hôm thứ Ba.

“Chúng ta phải tạo dựng nền tảng vật chất là sự ổn định chính trị lâu dài và bác bỏ những lời bôi nhọ, vu cáo của các thế lực thù địch với thực tế là mọi dân tộc đều đang sống hạnh phúc,” ông nói thêm.

Chuyến đi thị sát của ông Wang, bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước (18/3) và kết thúc vào thứ Ba (22/3), bao gồm các chuyến thăm đến những thành phố lớn Urumqi, Kashgar và Hotan, cũng như các cộng đồng nông thôn, trường học, doanh nghiệp và nhà thờ Hồi giáo.

Chuyến công du được các nhà phân tích coi là lời khẳng định về sự dịch chuyển chính sách lớn từ tập trung vào an ninh sang ưu tiên phát triển kinh tế, sau cuộc cải tổ mà cựu bí thư Tân Cương Chen Quanguo (Trần Toàn Quốc) đã bị thay thế bởi Ma Xingrui (Mã Hưng Thụy), người từng giữ chức vụ tương tự ở tỉnh Quảng Đông..

Niềm hy vọng của Bắc Kinh đối với việc phát triển kinh tế Tân Cương được coi là một dấu hiệu của sự tự tin sau 5 năm không xảy ra vụ ‘tấn công khủng bố’ nào trong khu vực.

Trích dẫn dữ liệu hải quan mới, Tân Hoa xã đưa tin hôm thứ Tư rằng giá trị xuất khẩu Tân Cương đạt 3,75 tỷ USD trong hai tháng đầu năm nay, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái do chính quyền địa phương giúp các công ty đảm bảo đơn đặt hàng ở nước ngoài trong khi tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là ở Trung Á.

Kyrgyzstan là đối tác thương mại lớn nhất của Tân Cương, chiếm khoảng một phần ba thương mại quốc tế, tiếp theo là Tajikistan, Nga và Indonesia.

Thứ Sáu tuần trước, tờ Tân Cương Hàng ngày cũng báo cáo kế hoạch chi 1,75 nghìn tỷ nhân dân tệ (275 tỷ USD) cho hơn 4.400 dự án cơ sở hạ tầng trên toàn khu vực trong vài năm tới.

Xie Maosong, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Chiến lược Quốc gia của Đại học Thanh Hoa, nói rằng chuyến đi của ông Wang là để xác định các định hướng chính sách của chính phủ trung ương sau các phiên họp quốc hội thường niên ở Bắc Kinh vào đầu tháng này.

Trong khi đó, Shih Chien-Yu, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, lại cho rằng chuyến đi của ông Wang là nhằm kiểm tra và “tút tát” Tân Cương một lần cuối cùng để đảm bảo mọi thứ sẵn sàng cho chuyến thăm của người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet vào tháng Năm.

Chuyến thăm của các quan chức Liên Hợp Quốc đã được đàm phán kể từ năm 2018 sau những báo cáo đầu tiên về việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi khác.

Tuy nhiên, Trung Quốc nói rằng đó là các trại học nghề và giáo dục cải tạo những tư tưởng cực đoan.

Ông Shih cho biết ông không hy vọng chuyến đi của Liên Hợp Quốc sẽ thu được kết quả gì vì hầu hết các trại đã bị đình chỉ hoặc đóng cửa, và cũng không người dân địa phương nào lại “ngu ngốc” để lên tiếng chỉ trích chính quyền sau khoảng thời gian “tái thiết” 5 năm vừa qua.

Xuân Lan (theo SCMP)