Vừa qua, từ 6 – 9/1, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung Quốc (UBKLTW) đã tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ 7 tại Bắc Kinh. Ngày khai mạc (6/1), ông Tập Cận Bình có phát biểu nhận định “thế áp đảo trong đấu tranh chống tham nhũng đã hình thành…”. Tuy nhiên nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, mức độ thành công trong chống tham nhũng của Trung Quốc còn rất hạn chế. Nguyên nhân vì sao?

(Ảnh: internet)
(Ảnh: internet)

Vừa qua, Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của UBKLTW Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh, theo thông tin, hội nghị đã đưa ra quy tắc chống tham nhũng mới trước hơn 70 triệu Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngày khai mạc (6/1), ông Tập Cận Bình có phát biểu nhận định về thành tích chống tham nhũng và chỉ ra “thế áp đảo trong đấu tranh chống tham nhũng đã hình thành, đã đạt được mục tiêu làm các Đảng viên kinh sợ không còn tiếp tục dám tham nhũng”.

Tuy nhiên trước đó có truyền thông hải ngoại công bố điều tra cho biết, kế hoạch chống tham nhũng của Bắc Kinh hiện chưa đạt được mục tiêu. Có phân tích chỉ ra, kế hoạch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình có thành công hay không liên quan đến việc có bắt được ông Giang Trạch Dân hay không, vì đây mới là then chốt quan trọng đối với tương lai của Trung Quốc.

Mức độ thành công còn rất hạn chế

Ngày 10/10/2016, tờ Thời báo Tài Chính của Anh từng đưa tin về nghiên cứu mới nhất cho rằng, kế hoạch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình dường như không đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Bài viết nhận định, phong trào chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình là phong trào có ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ nhất kể từ khi ông Mao Trạch Đông qua đời năm 1976 đến nay. Nhưng theo một điều tra nghiên cứu mới được nhiều cư dân mạng đồng quan điểm cho rằng, chính quyền trung ương còn tham nhũng khủng khiếp hơn chính quyền địa phương nhiều lần; tỷ lệ quan chức tham nhũng bị xử lý hiện chỉ là con số nhỏ nhoi.

Theo kết quả điều tra nghiên cứu, trong 3 năm đầu chống tham nhũng có chưa đến 36.000 Đảng viên bị giao cho tòa án xử lý, chiếm khoảng 0,5% trong số 7,5 triệu quan chức Trung Quốc năm 2015. Cùng thời kỳ, tuy UBKLTW từng xử lý 750 ngàn cán bộ, nhưng nghiên cứu nhấn mạnh đa số những trường hợp này chỉ bị cảnh cáo nhắc nhở hoặc xử lý ghi lỗi.

Có nhiều quan điểm phân tích về nguyên nhân thực sự khiến việc chống tham nhũng không đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Ngày 17/8/2016, truyền thông Hồng Kông chia sẻ phát biểu của ông La Vũ, con cố Đại tướng Trung Quốc La Thụy Khanh cho biết, việc chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình chưa đạt được kỳ vọng, vì còn “hổ to” nhất chưa bị xử lý. Ông La Vũ hy vọng ông Tập Cận Bình sớm bắt ông Giang Trạch Dân.

La Vũ nói: “Cho dù những quan to như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Lệnh Kế Hoạch đã bị bắt vào nhà lao, nhưng nhìn tổng thể thì mục tiêu xây dựng lối sống trong sạch liêm khiết trong toàn hệ thống quan chức phát triển theo hướng tích cực như kỳ vọng khó đạt được”. “Nguyên nhân vì kẻ tham nhũng khủng khiếp nhất chưa bị xử lý nên một thế lực quan tham hùng hậu vẫn còn chỗ dựa. Toàn dân vì thế cũng nghi ngờ liệu ông Tập Cận Bình có phải chống tham nhũng thật sự hay không. Chỉ khi nào xử lý quan tham đứng đầu đã phạm tội ác chống lại loài người thì kế hoạch này mới có thể chuyển biến tốt đẹp được”.

Ngày 6/11/2016, học giả Tân Tử Lăng (Xin Ziling) của Trung Quốc đại lục cho biết, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 ĐCSTQ khóa 18, ông Tập Cận Bình đã xác lập địa vị hạt nhân trong Đảng, đây là cuộc đấu quyết liệt giữa hai phe Giang – Tập. Cho dù hiện ông Tập Cận Bình đã chiếm thế thượng phong nhưng ván cờ vẫn chưa kết thúc.

Ông Tân Tử Lăng nói: “Đáng chú ý là cho dù hiện phe cánh phái Giang bề ngoài đã tỏ thái độ ủng hộ vị trí hạt nhân của ông Tập Cận Bình, nhưng mục đích cuối cùng của bước lùi này nhằm bảo vệ ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Vì khi nào ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng còn đứng vững thì họ còn hy vọng lật ngược thế cờ, khi thời cơ đến họ sẽ hành động. Vì thế tình hình hiện nay còn rất phức tạp”.

Tạp chí Động Hướng (Hồng Kông) số tháng 10/2016 có phân tích chỉ ra, một thế lực lớn phái Giang hiện là các đệ tử và giới con cháu vẫn còn chỗ dựa vững chắc vào “hổ to”, muốn loại trừ được sự phát triển của thế lực này cần phải dám mạnh tay, vì “muốn thắng giặc phải bắt tướng giặc”, khi đó mới đánh tan được thế lực đối lập và hình thành cục diện áp đảo, dẹp bỏ được tận gốc chướng ngại đối với thể chế hiện nay.

Về việc ông Tập Cận Bình tuyên bố “thế áp đảo trong đấu tranh chống tham nhũng đã hình thành”, tờ Tân Đường Nhân dẫn ý kiến phân tích của một nhà quan sát khác cho rằng, cũng có thể ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã hoàn toàn áp đảo được thế lực phái Giang. Nói cách khác, ý đồ lật ngược thế cờ của ông Giang Trạch Dân hiện hoàn toàn không còn hy vọng.

Lối thoát ở đâu?

Ngày 28/8/2016, tờ Quan sát Trung Quốc đăng bài viết tựa đề “Tập Cận Bình đang làm được việc vĩ đại: làm mất Đảng?”, bài viết chỉ ra tình trạng hủ bại trên quy mô lớn trong quan trường Trung Quốc bắt đầu phát triển mạnh từ thời ông Giang Trạch Dân cầm quyền. Sau khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình quả thật muốn chống tham nhũng, nhưng vì toàn bộ quan trường đều đã mục ruỗng, nếu xử lý tới nơi tới chốn thì bộ máy ĐCSTQ bị tê liệt.

Trong quá trình “lột xác” này, những quan chức mới lên thay cũng đều nằm trong thể chế hiện hành, không có hy vọng thay đổi được tận gốc. Hiện nay vì trong tình hình chịu áp lực quá lớn nên tình hình tạm thời lắng xuống, nhưng chỉ cần tình thế lơi lỏng là bệnh cũ lại nổi lên.

Bài viết nhận định, muốn trị tận gốc vấn đề này phải bắt được tổng đạo diễn đứng sau là ông Giang Trạch Dân, đặc biệt hơn nữa là dám dũng cảm xóa bỏ thể chế cùng hình thái ý thức hệ hiện nay, phục hồi lại nền văn hóa chính thống Trung Hoa làm kim chỉ nam dẫn đường cho xã hội.

Mộc Vệ (T/H)

Xem thêm: