Cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dự kiến sẽ thảo luận các kế hoạch dài hạn tại phiên họp toàn thể lần thứ V bắt đầu vào thứ 2 (26/10). Đây là những kế hoạch dài hạn chưa từng thấy trong một phần tư thế kỷ, theo tờ Nikkei.

576a5ad5 44b4 44c0 8245 c28290418ca4
Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Tân Hoa Xã đưa tin việc bắt đầu phiên họp toàn thể lần thứ V của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ 19, dự kiến diễn ra từ thứ 2 (26/10) cho đến hết ngày thứ 5 (29/10). Tại phiên họp này, các quan chức ĐCSTQ không chỉ thảo luận kế hoạch thường lệ 5 năm lần thứ 14 của nước bắt đầu từ năm tới 2021, mà còn thảo luận những kế hoạch dài hạn bất thường với mục tiêu hướng đến năm 2035.

Nhiều nhà quan sát Trung Quốc cho rằng việc này giống như hành động trải đường để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục tại vị trong nhiều năm tới.

Phiên họp sẽ đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của kế hoạch 15 năm kể từ cuộc họp năm 1995 do Tổng Bí thư Giang Trạch Dân chủ trì, vốn đã thiết lập các mục tiêu cả về kinh tế và quốc phòng cho đến năm 2010. Việc này sau đó được xem là một yếu tố quan trọng giúp ông Giang tiếp tục nắm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, một cơ quan quyền lực kiểm soát Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) , trong gần 2 năm sau khi ông Hồ Cẩm Đào kế nhiệm ông trở thành nhà lãnh đạo đảng vào năm 2002.

Một nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh suy đoán rằng điều này có thể lặp lại, ông Tập có thể sử dụng việc lập kế hoạch dài hạn như vậy “như một biện pháp để nắm giữ chức vụ lâu dài.”

Năm 2035 gần như là điểm giữa của con đường từ đây cho đến ngày kỷ niệm 100 năm thành lập nước Trung Quốc hiện đại vào năm 2049, do đó năm này trở thành tiêu điểm cho việc lập kế hoạch dưới thời của ông Tập. Chính phủ Trung Quốc đã đề ra các kế hoạch kinh tế và mục tiêu phát triển với tầm nhìn hướng đến năm 2035.

Ông Michael Hirson, giám đốc thực hành về Trung Quốc và Đông Bắc Á của Eurasia Group, đã viết trong một ghi chú hôm thứ 6 (23/10) rằng phiên họp toàn thể lần thứ V sẽ đánh dấu sự ra đời của “kế hoạch 5 năm mang tính địa chính trị nhất của Trung Quốc” cho đến lúc này, phản ánh nỗ lực của ông Tập nhằm tăng cường khả năng tự cường của Trung Quốc cả về cung lẫn cầu. Ông gọi kế hoạch 5 năm 2021 – 2026 là “sự suy xét tốt nhất cho 5 năm đầu tiên trong kế hoạch dài hạn 15 năm,” khi ông Tập đang tìm cách tiếp tục nắm giữ quyền lực sau 2022.

Ông Hirson nói: “Trước thời ông Tập, phiên họp toàn thể lần thứ V thường là một phần của tiến trình chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp,” và việc thực hiện kế hoạch 5 năm sẽ do nhà lãnh đạo kế tiếp thực hiện. Ông nói: “Tuy nhiên, tham vọng của ông Tập muốn tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2022 đã làm thay đổi vai trò và ý nghĩa của phiên họp này.”

Các nhà quan sát Trung Quốc đang theo dõi việc bổ nhiệm các vị trí cấp cao tại phiên họp trong tuần này, vốn có thể báo hiệu một cuộc chuyển giao quyền lực sắp tới. Quay trở lại năm 2010, vị thế kế nhiệm người lãnh đạo cao nhất của ông Tập đã được củng cố với việc ông được bổ nhiệm làm phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương tại phiên họp toàn thể năm 2010.

Thông thường, theo quy định bất thành văn của ĐCSTQ rằng các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ sẽ từ chức tại Đại hội đảng 5 năm một lần kế tiếp sau khi bước sang tuổi 68, do đó ông Tập được cho sẽ nhường lại quyền lãnh đạo tại phiên họp năm 2022, khi ông 69 tuổi. Tuy nhiên, không có người kế nhiệm tiềm năng nào xuất hiện tại đại hội đảng lần trước vào năm 2017.

Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra tại phiên họp toàn thể lần thứ V, điều đó có thấy ông Tập muốn tiếp tục nắm quyền sau năm 2022.

Cả ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào đã phải từ chức sau hai nhiệm kỳ 5 năm theo quy định của hiến pháp. Tuy nhiên, hiến pháp đã được sửa đổi vào năm 2018 để loại bỏ việc giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, mở ra cơ hội cho ông Tập tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba.

Phiên họp toàn thể sẽ kết thúc vào thứ 5 (29/10) cùng với các khuyến nghị cho chương trình 5 năm và các mục tiêu dài hạn hơn. Dựa trên tiền lệ trước đây, có khả năng chỉ có một bản phác thảo sẽ được công bố vào ngày hôm đó. Văn kiện đầy đủ cùng với lời phát biểu của ông Tập sẽ được công bố vài ngày sau. Những mục tiêu với số liệu cụ thể mà các nhà quan sát thị trường đang trông đợi dự kiến sẽ có đầy đủ trong văn kiện.

Ngân Hà (theo Nikkei)

Xem thêm: