Các nguồn tin cho biết Bắc Kinh có kế hoạch đưa ra một trong những gói khuyến khích tài chính lớn nhất cho 5 năm, lên đến 1000 tỷ Nhân dân tệ (143 tỷ USD), chủ yếu dưới dạng trợ cấp và tín dụng thuế, để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước, theo Reuters đưa tin. Đây được xem như một bước quan trọng để tự cung tự cấp chip, chống lại các hoạt động của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế làm chậm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.

shutterstock 724767955
(Nguồn: ROMSVETNIK/ Shutterstock)

Đây là báo hiệu cho điều mà các nhà phân tích đã dự đoán từ trước: Trung Quốc muốn chọn con đường trực tiếp hơn để cải thiện tình hình hiện nay và định hình tương lai của ngành công nghiệp sản xuất chip này, vốn đã trở thành điểm nóng địa chính trị do nhu cầu chip tăng vọt, và đây cũng là ngành mà Bắc Kinh coi là nền tảng cho sức mạnh công nghệ của mình.

Kế hoạch có thể được thực hiện ngay trong quý đầu năm tới, 2 trong số 3 nguồn tin giấu tên cho biết vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Họ cho biết phần lớn khoản hỗ trợ tài chính sẽ được sử dụng để trợ cấp cho việc mua thiết bị bán dẫn trong nước của các công ty Trung Quốc, chủ yếu là các nhà máy chế tạo chất bán dẫn.

Ba nguồn tin cho biết những công ty như vậy sẽ được hưởng khoản trợ cấp 20% cho chi phí mua hàng.

Kế hoạch hỗ trợ tài chính được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông qua vào tháng 10 một bộ quy định sâu rộng, có thể cấm các phòng thí nghiệm nghiên cứu và trung tâm dữ liệu thương mại của Trung Quốc tiếp cận chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, cùng với các hạn chế khác.

Hoa Kỳ cũng đang vận động một số đối tác của mình, bao gồm Nhật Bản và Hà Lan, thắt chặt xuất khẩu sang Trung Quốc các thiết bị được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng 8 đã ký một dự luật mang tính bước ngoặt nhằm cung cấp 52,7 tỷ đô la tài trợ cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ cũng như tín dụng thuế cho các nhà máy sản xuất chip ước tính trị giá 24 tỷ đô la.

Với gói ưu đãi, Bắc Kinh nhằm tăng cường hỗ trợ các công ty chip Trung Quốc xây dựng, mở rộng hoặc hiện đại hóa các cơ sở trong nước để chế tạo, lắp ráp, đóng gói cũng như nghiên cứu và phát triển.

Các nguồn tin cũng cho biết, kế hoạch mới nhất của Bắc Kinh cũng bao gồm các chính sách thuế ưu đãi cho ngành công nghiệp bán dẫn của nước này.

Những người được hưởng lợi sẽ là cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong ngành, đặc biệt là các công ty thiết bị bán dẫn lớn như NAURA Technology Group, Advanced Micro-Fabrication Equipment Inc China, và Kingsemi.

Một số cổ phiếu các hãng chip của Trung Quốc tại Hồng Kông đã tăng mạnh sau khi có tin tức về gói này. Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) đã tăng hơn 8%, đưa mức tăng hàng ngày lên gần 10%. Hua Hong Semiconductor Ltd đóng cửa tăng 17%.

Đạt được tự chủ về công nghệ là điểm nhấn nổi bật trong báo cáo của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10. Thuật ngữ “công nghệ” được nhắc đến 40 lần, tăng từ 17 lần trong báo cáo từ đại hội năm 2017.

Các nhà phân tích cho biết, việc ông Tập kêu gọi Trung Quốc “chiến thắng ở mặt trận” các công nghệ cốt lõi có thể báo hiệu một sự điều chỉnh toàn bộ trong cách tiếp cận của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy ngành công nghệ của mình, với nhiều chi tiêu và can thiệp hơn do nhà nước lãnh đạo để chống lại áp lực của Mỹ.

Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ được công bố vào tháng 10 đã khiến các công ty thiết bị sản xuất chip lớn ở nước ngoài ngừng cung cấp cho các nhà sản xuất chip chính của Trung Quốc, bao gồm Yangtze Memory Technologies Co. và SMIC, đồng thời các nhà sản xuất chip AI tiên tiến ngừng cung cấp cho các công ty và phòng thí nghiệm.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai (12/12), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã đưa ra một tranh chấp thương mại tại Tổ chức Thương mại Thế giới chống lại Hoa Kỳ về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của nước này.

Trung Quốc từ lâu đã tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong lĩnh vực thiết bị sản xuất chip, lĩnh vực vẫn bị chi phối bởi các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan.

Một số doanh nghiệp trong nước đã nổi lên trong 20 năm qua, nhưng hầu hết vẫn đứng sau các đối thủ về khả năng sản xuất chip tiên tiến.

Ví dụ, thiết bị xử lý nhiệt và ăn mòn của NAURA chỉ có thể sản xuất chip 28 nanomet trở lên, công nghệ tương đối cũ.

Công ty TNHH Tập đoàn Thiết bị Điện tử Vi mô Thượng Hải (SMEE), công ty in thạch bản duy nhất của Trung Quốc, có thể sản xuất chip 90 nanomet, kém xa so với ASML của Hà Lan, công ty đang sản xuất chip có kích thước thấp tới 3 nanomet.

Thiên Đức