Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 29/5 vừa công bố Báo cáo Tự do tôn giáo Quốc tế thường niên 2017, theo đó Trung Quốc tiếp tục được liệt kê là “quốc gia đặc biệt đáng quan ngại”, vẫn tiếp tục mở rộng đàn áp, chuyển hóa các nhóm tín ngưỡng từ Hồi giáo, Công giáo, Phật giáo, tới Đạo giáo và Pháp Luân Công.

ton giao tai Trung Quoc
Các chức sắc tôn giáo muốn tồn tại ở Trung Quốc phải đi học lớp huấn luyện “yêu nước”. (Ảnh minh họa qua Breitbart)

Đặc biệt, chế độ Trung Quốc đang thực hiện “chuyển hóa” tín ngưỡng, tôn giáo thông qua các lớp huấn luyện “yêu nước”. Tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 1/6 đăng bài dẫn lời một đạo sư “yêu nước” tuyên bố rằng tôn giáo bản địa Trung Quốc không đủ tính chất Trung Quốc nếu không có “giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi”.

Các tôn giáo phải đề cao “giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một phong trào sâu rộng nhằm thực hiện cái họ gọi là “hán hóa” tôn giáo: làm cho các tôn giáo có nhiều “tính Trung Quốc” bằng cách đưa tất cả các tôn giáo dưới sự kiểm soát toàn diện của ĐCSTQ. Trung Quốc hiện nay công nhận 5 tôn giáo – Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo và Tin Lành – và đã bắt đầu một chiến dịch thay thế các nhà chức sắc tôn giáo được chính quyền thừa nhận trong cả năm tôn giáo này bằng các lãnh đạo thân ĐCSTQ, những người được dạy phải tuân lệnh ĐCSTQ và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Những chức sắc tôn giáo mà được chế độ Bắc Kinh cho phép duy trì quyền lực bị ép phải tham gia “đào tạo mở rộng” tại Viện Xã hội chủ nghĩa Trung Ương để dạy về tư tưởng Mác-xít. Viện Xã hội chủ nghĩa này được thiết kế riêng cho các cá nhân không phải là thành viên của ĐCSTQ, nhưng phải tham gia học tập để phù hợp với giáo lý của giai cấp cầm quyền. Các chức sắc tôn giáo tham gia các lớp học “chuyển hóa” này được dạy phải đề cao chủ nghĩa xã hội, kế hoạch thống trị thế giới ‘Vành đại và Con đường’ và sự sáng suốt của Tư tưởng Tập Cận Bình.

Trong bài báo đăng hôm thứ Sáu (1/6), tờ Hoàn cầu Thời báo – cơ quan của nhà nước Trung Quốc – đã đề cập “hán hóa” là “địa phương hóa tôn giáo”, nhằm mục đích thêm “các yếu tố yêu nước” vào quá trình thực hành đức tin. Và để ép các chức sắc của tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện tiến trình “hán hóa”, ĐCSTQ buộc họ phải tham gia các lớp học “tẩy não” hay “chuyển hóa” tư tưởng.

Trao đổi với tờ Hoàn cầu Thời báo, ông Liang Xingyang, đạo sư tại Đền Vàng Bất tử ở núi Chu Nam, tỉnh Thiểm Tây, cho hay: “Một số người nghĩ rằng Đạo giáo vì là tôn giáo bản địa Trung Quốc nên không cần phải hán hóa. Có một sự hiểu nhầm ở đây: Hán hóa thực sự có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là phải tuân theo sự phát triển của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, đào sâu vào các yếu tố tôn giáo phù hợp với các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi”.

Đạo giáo là tôn giáo cổ xưa của Trung Quốc, dựa trên kinh điển giáo lý Trung Quốc cổ đại, trong khi cả Trung Quốc và thế giới đều thừa nhận rộng rãi lý luận xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ các tác phẩm của Karl Marx và Friedrich Engels – những triết gia người Đức sống ở thế kỷ 19.

Trong bài viết của tờ Hoàn cầu Thời báo tiết lộ thêm rằng ông Liang Xingyang là phần tử của ĐCSTQ và người này đã từng tới biển Đông để thúc đẩy quá trình chế độ Bắc Kinh bành trướng các vùng biển đảo không phải thuộc chủ quyền của họ.

Tờ báo của nhà nước Trung Quốc cũng nói rằng ĐCSTQ cũng đã ép các chức sắc Hồi giáo và Công giáo tham gia các lớp học chuyển hóa như trên. Các linh mục, mục sư và đạo sư được ĐCSTQ phê duyệt cũng đã bắt đầu công việc xóa bỏ bất cứ điều gì trong tôn giáo của họ mâu thuẫn với giáo lý của “Tư tưởng Tập Cận Bình” – thứ lý luận đã được ông Tập thêm vào hiến pháp Trung Quốc hồi tháng Hai vừa qua.

Việc cải tổ Công giáo – ảnh hưởng tới cả Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc và Giáo hội Yêu nước Tin Lành – sẽ “tăng tỷ lệ các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa yêu nước và lịch sử Trung Quốc vào chương trình giảng dạy của các viện thần học có trụ sở tại Trung Quốc, cũng như thúc đẩy các yếu tố Trung Quốc vào các bài rao giảng giáo lý, các bài thơ ca tôn giáo, trang phục và các thiết kế nhà thờ”, theo Hoàn cầu Thời báo.

Được biết, Giáo hội Công giáo Trung Quốc không thuộc Tòa thánh Vatican, Rome. Tòa thánh đã cấm các tín đồ Công giáo tham gia vào các nghi lễ của giáo hội Trung Quốc từ năm 1988.

Hoàn cầu Thời báo cho biết Hội Hồi giáo Trung Quốc cũng đã tiến hành một chiến dịch tương tự khi ép tất cả các nhà thờ Hồi giáo phải đề cao “lá cờ quốc gia, Hiến pháp Trung Quốc, các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi và văn hóa Trung Quốc truyền thống [đã bị ĐCSTQ cải biến]”.

Trung Quốc tiếp tục đàn áp tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có bức hại Pháp Luân Công

Bản phúc trình thường niên về Tự do tôn giáo Quốc tế năm 2017 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay ĐCSTQ gán mác tà giáo cho Pháp Luân Công, Cơ đốc giáo cùng một số nhóm tôn giáo khác, và những người tín ngưỡng tôn giáo này có nguy cơ cao bị bức hại như bị bắt giam, tra tấn hay thậm chí kết án tù chung thân.

Đáng chú ý hơn, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “ĐCSTQ còn duy trì một tổ chức nằm ngoài pháp luật, do trực tiếp đảng kiểm soát nhằm tiêu diệt phong trào Pháp Luân Công cùng một số nhóm tôn giáo khác”.

Trước khi chính quyền ĐCSTQ cấm Pháp Luân Công kể từ năm 1999, theo ước tính chính thức, có khoảng 70 triệu người thực hành pháp môn này. Và đến nay, vẫn có hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công tiếp tục tu luyện bất chấp cuộc đàn áp. Theo số liệu thống kê từ Freedom House, Trung Quốc có khoảng 7,2 triệu người theo học Pháp Luân Công tại Đại Lục”.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, rất nhiều người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã bị bức hại đến chết. Theo số liệu thống kê trên trang web chính thức của Pháp Luân Công (Minghui.org), năm 2017, có 42 người đã thiệt mạng trong thời gian bị giam giữ, hoặc do bị tra tấn trọng thương trong tù mà ngay khi được trả tự do đã qua đời.

Đáng chú ý là hai trường hợp của ông Dương Ngọc Dũng và và Hàn Hồng Hà phải chịu tra tấn tàn khốc. Ông Dương Ngọc Dũng đã qua đời hồi tháng 7/2017 ngay khi đang bị cảnh sát giam giữ.

Tháng 12/2016, cảnh sát Thiên Tân đã bắt giữ ông Dương Ngọc Dũng cùng vợ của ông là bà Mạnh Hiến Trân. Theo báo cáo nhận được, ông Dương trong thời gian giam giữ đã bị bức hại tàn bạo với nhiều phương thức tra tấn như đánh đập hay  lạm dụng tình dục. Khi ông bị thương nặng và đưa vào bệnh viện, cơ thể ông Dương rơi vào tình trạng suy kiệt nặng. Người nhà tiết lộ toàn thân thể ông đầy vết bầm tím, dưới móng chân còn có vết bị tăm tre xuyên qua”.

Minghui.org còn đưa tin, hồi tháng 3/2017 bà Hàn Hồng Hà cũng qua đời khi bị cảnh sát giam giữ. Bà Hàn bị cảnh sát Đại An, tỉnh Cát Lâm bắt giữ từ tháng 10/2016. Cảnh sát tra tấn tàn khốc hòng ép buộc bà từ bỏ đức tin với Pháp Luân Công, nhưng bà Hàn vẫn kiên định không lay chuyển”.

ĐCSTQ cũng mở rộng các chiến dịch chống Công giáo, bắt giữ hàng chục luật sư nhân quyền được biết đến là những người bảo vệ các tín đồ Công giáo chống lại sự bức hại của chính quyền Trung Quốc và ĐSCTQ xác định Công giáo là “mối đe dọa an ninh quốc gia”.

Mục sư Bob Fu, đã đào thoát khỏi chế độ Trung Quốc, hồi tháng Tư đã nói với một ủy ban về đàn áp tôn giáo: “Mọi nhà thờ tại Trung Quốc bị ép phải lắp đặt các hệ thống nhận diện khuôn mặt và mọi nhà thờ… cũng bị buộc phải treo biển cấm vào trong đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, công chức, sĩ quan quân đội và đảng viên ĐCSTQ”.

Người Hồi giáo Duy Ngô Nhỉ tại Tân Cương cũng đang là đối tượng bị bức hại tôn giáo nặng nề tại Trung Quốc.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Người ta ước tính có hàng trăm ngàn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã bị ép tới các trung tâm cải tạo và chịu sự giám sát an ninh sâu rộng, chặt chẽ”. Phía Mỹ trước đây cũng đã cáo buộc ĐCSTQ đã tra tấn, thủ tiêu nhiều người Hồi giáo trong một nỗ lực tiêu diệt đạo Hồi tại Tân Cương.

Tân Bình (T/h)

Xem thêm: