Sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, làn sóng thảo luận về mối quan hệ Trung – Mỹ và khả năng có xảy ra chiến tranh giữa hai nước hay không trở thành đề tài nóng hổi. Đã có nhiều bài viết phân tích nguy cơ chiến tranh Trung – Mỹ sẽ diễn ra trong thời gian không xa. Tuy nhiên, dường như các bài phân tích này đã bỏ quên một yếu tố hết sức trọng yếu…

Trung Quốc chưa thể sẵn sàng có chiến tranh với Mỹ trong lúc này (Ảnh: Pixabay)
Trung Quốc chưa thể sẵn sàng có chiến tranh với Mỹ trong lúc này (Ảnh: Pixabay)

Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục thực hiện cải cách quân đội. Công cuộc cải cách này tiến triển ra sao là mấu chốt quan trọng ảnh hưởng đến cuộc đấu giữa hai nước Trung – Mỹ sau này. Nếu không hiểu rõ tình hình cải cách quân đội Trung Quốc, sẽ khó tránh sa đà vào việc khẳng định “Trung – Mỹ chắc chắn sẽ có chiến tranh”.

Trung Quốc đang cải cách quân đội như thế nào?

Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xây dựng chính quyền đã áp dụng mô hình quản lý quân đội kiểu Liên Xô mang đặc sắc Trung Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2017, ông Tập Cận Bình sẽ có những bước đi mạnh mẽ nhất trong việc cải cách quân đội, sẽ thay đổi tận gốc rễ mô hình quản lý cũ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhận định, về cơ bản, chính quyền ông Tập Cận Bình đã hoàn thành xong phần cải cách “từ cổ trở lên”, hiện đang bắt đầu thực hiện phần “từ cổ trở xuống” và xóa bỏ biên chế. Ông Tập Cận Bình không còn bị khống chế như ông Hồ Cẩm Đào trước đây bị hai Phó Chủ tịch Quân ủy thao túng quyền lực. Hệ thống quân đội Trung Quốc đã thay đổi triệt để chưa từng có trong lịch sử ĐCSTQ.

Vì sao phải cải cách quân đội? Lý do có phải vì để hiện đại hóa hay chỉ vì muốn làm mới lại sau Đại hội 18? Thực tế, trước Đại hội 18 hoàn toàn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ cải cách quân đội. Tuy nhiên, tình hình sau đó có sự biến đổi khi ông Tập Cận Bình quá bất mãn trước thực trạng chức Chủ tịch Quân ủy của ông chỉ là cái bình phong. Báo “Giải Phóng Quân” Trung Quốc từng có nhận định: “… quyền lực của 4 tổng bộ quá tập trung, trở thành những bộ phận quyền lực độc lập,…. ảnh hưởng đến cơ chế thống nhất lãnh đạo trong quân ủy”.

Theo thông lệ của bộ máy chính trị Trung Quốc thì “Đảng chỉ huy súng”. Tuy nhiên trên thực tế, đã một thời gian dài vai trò của Chủ tịch Quân ủy chỉ còn là cái bình phong. Đây là một vấn đề đáng để tìm hiểu.

Vai trò khống chế quân đội của lãnh đạo Đảng yếu dần

Xưa nay quân đội Trung Quốc là hệ thống tương đối khép kín, theo cơ chế tự quản, không nghe theo lệnh của “quốc quân” Chính phủ; còn Đảng có kiểm soát được quân đội hay không thì phụ thuộc vào sức mạnh quyền lực của người đứng đầu Đảng. Theo tình hình thực tế, từ thời ông Mao Trạch Đông đến thời ông Hồ Cẩm Đào, quyền kiểm soát quân đội của người đứng đầu Đảng đối với quân đội ngày càng suy yếu.

Trong thời chiến tranh, thực trạng quyền lực của Trung Quốc là “chính quyền ra đời từ báng súng”, thủ lĩnh của Đảng cũng chỉ huy luôn quân đội; ông Mao Trạch Đông không ngừng thực hiện điều chỉnh nhân sự để kiểm soát các phe phái trong quân đội. Sau khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền (thống nhất được quyền lực) thì nguồn gốc lịch sử về mối quan hệ giữa lãnh đạo Đảng và quân đội này được kế thừa. Sau sự thất bại của “Đại nhảy vọt”, ông Mao Trạch Đông rút về tuyến hai, nhường lại tuyến đầu cho ông Lưu Thiếu Kỳ nắm quyền chỉ huy, nhưng ông Mao không dám buông lỏng quyền lực trong quân đội. Một mặt, ông luôn nắm bắt nhất cử nhất động của quân đội thông qua thân tín là Lâm Bưu; mặt khác biến các tướng lĩnh quân đội thân thiết với phe “tuyến đầu” của ông Lưu Thiếu Kỳ như La Thụy Khanh, Hạ Long… thành đối tượng nhắm vào trong “Cách mạng Văn hóa”. Thời kỳ đầu “Cách mạng Văn hóa”, ông Mao trọng dụng người của phe Lâm Bưu để kiểm soát quân đội; đồng thời dùng Lâm Bưu đẩy mạnh việc “sùng bái cá nhân” đối với ông, nhờ đó Mao đạt được quyền lực cực điểm trong kiểm soát quân đội. Từ đây, vai trò giữa Chủ tịch Quân ủy và Phó Chủ tịch Quân ủy hình thành “quan hệ quân thần”.

Dù vậy, vào mùa hè năm 1967, ông Mao Trạch Đông cũng từng bị quân đồn trú tại Vũ Hán chống lệnh. Họ từ chối ủng hộ “phe tạo phản” của ông tại địa phương này và đã xung đột với thân tín Vương Lực của ông trong Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương. Sự kiện này còn được gọi là “sự kiện 720”. Nửa đêm hôm đó, ông Mao Trạch Đông đã phải chạy vội khỏi Vũ Hán để về Thượng Hải lánh nạn. Sau sự kiện này, ông Mao đã xử lý thân tín Vương Lực để vỗ yên quân đội. Ông Mao Trạch Đông đã dựa vào quân đội để giữ quyền lực và ổn định tình hình cho đến khi qua đời, thậm chí trước khi chết còn chỉ đạo cho ông Diệp Kiếm Anh có được sức ảnh hưởng trong quân đội.

Sau khi Mao qua đời, người thừa kế được chỉ định là ông Hoa Quốc Phong. Tuy ông này đã nỗ lực phối hợp với ông Diệp Kiếm Anh để xử lý “Tứ nhân bang”, nhưng xưa nay ông Hoa Quốc Phong không đủ khả năng thao túng quân đội, vì thế không lâu sau ông Đặng Tiểu Bình đã lên thay. Một mặt, ông Đặng Tiểu Bình xây dựng hình ảnh thông qua cải cách kinh tế, mặt khác dựa vào địa vị quân đội một thời của mình trong giai đoạn chiến tranh để thao túng nhân sự cấp cao trong quân đội và bổ nhiệm thân tín giúp thao túng quyền hành. Các Phó Chủ tịch Quân ủy như Dương Thượng Côn, Lưu Hoa Thanh, Trương Chấn đều đóng vai như người đại diện của ông trong quân đội. Tuy nhiên quan hệ giữa ông Đặng Tiểu Bình và các Phó Chủ tịch Quân ủy này không còn là “quan hệ quân thần” như thời ông Mao Trạch Đông mà đã suy yếu thành “quan hệ cấp trên và cấp dưới”, loại quan hệ này không thể quy chế hóa “truyền đời đời” cho người kế nhiệm. Vì vậy khi ông Đặng Tiểu Bình qua đời, đến thời ông Giang Trạch Dân thì quan hệ giữa lãnh đạo Đảng và quân đội đã suy yếu thêm. Vì ông Giang là quan văn, không thể làm được như ông Mao Trạch Đông xây dựng “quan hệ quân thần” với Phó Chủ tịch Quân ủy có xuất thân từ trong quân đội, cũng không có sự ràng buộc “cấp trên cấp dưới” như ông Đặng Tiểu Bình.

Từ thời Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào: Chủ tịch Quân ủy bị khống chế như thế nào?

Có thể nói bắt đầu từ thời ông Giang Trạch Dân mới có lãnh đạo Đảng vốn xuất thân là quan văn nhưng lại được lãnh đạo quân đội. Ban đầu, ông Giang kiểm soát quân đội vẫn phải nhờ đến các tướng lĩnh mà ông Đặng Tiểu Bình tín nhiệm. Tuy nhiên, giữa ông và giới tướng lĩnh quân đội không có nguồn gốc chung nào để tin thân nhau, vì thế ông chỉ còn cách ủy quyền cho Phó Chủ tịch Quân ủy, đổi lại Phó Chủ tịch Quân ủy sẽ tôn trọng ông. Vì thế, trên thực tế quyền lực của ông Giang Trạch Dân đối với quân đội không còn được như ông Mao và Đặng. Ông Giang chỉ có hàm Chủ tịch Quân ủy về mặt hình thức, các tướng lĩnh quân đội với các loại tâm địa khác nhau nắm quyền tự quản, hai bên cùng hưởng sống yên ổn hòa bình.

Khi việc tiến cử những kẻ hủ bại lên cầm quyền trở thành phong trào trên toàn quốc thì quan trường suy thoái và hệ thống quân đội cũng không ngoại lệ. Trong tình trạng này, Chủ tịch Quân ủy buông quyền đối với hệ thống quân đội, cho phép quân đội tự trị, trên thực tế chính là dung túng cho thế lực hủ bại trong quân đội, đổi lại là ngoài mặt hệ thống quân đội sẽ tôn trọng Chủ tịch Quân ủy, còn Chủ tịch Quân ủy thì phải nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng hủ bại của quân đội; nghĩa là vị trí Chủ tịch Quân ủy chỉ còn trên danh nghĩa, là ngầm thừa nhận bản thân đã bị “cho đi tàu bay giấy”.

Đến thời ông Hồ Cẩm Đào tiếp quản quyền lực thì cũng không thể thay đổi được thực trạng này. Hai Phó Chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu trở thành “hai đầu” của quân đội, là cây dù che chở cho hệ thống hủ bại quân đội. Không chỉ thế, quyền uy của Chủ tịch Quân ủy Hồ Cẩm Đào dĩ nhiên cũng bị hệ thống quân đội hủ bại này làm suy yếu, để duy trì và bảo vệ hệ thống hủ bại này không thể cho một “người bên ngoài” hệ thống như ông Hồ Cẩm Đào hiểu tình hình thực tế quân đội, kiểm soát nhân sự cấp cao trong quân đội, vì một khi xảy ra vấn đề sẽ “liên đới đến toàn cục”. Mặt khác, quân đội cũng không muốn lãnh đạo Đảng sau này quan tâm đến tình trạng hủ bại của họ; ai biết dung túng thế lực hủ bại thì kẻ đó được “lòng quân”. Do đó, Phó Chủ tịch Quân ủy không thể không cảnh giác đối với lãnh đạo Đảng mới sẽ được lên nắm quyền sau Đại hội 18. Vì thế, không có gì lạ khi Phó Chủ tịch Quân ủy can dự vào cuộc đấu đá trong quá trình tiếp quản quyền lực tối cao của Đảng.

Tập Cận Bình xây dựng lại quyền lực cho Chủ tịch Quân ủy

Tại thời điểm Đại hội 18, ông Quách Bá Hùng và ông Từ Tài Hậu vẫn ổn định quyền lực trong quân đội, tiếp tục khống chế quyền lực của Chủ tịch Quân ủy. Đối với họ, quy chế này không thể thay đổi. Nhưng ông Tập Cận Bình không muốn đi lại vết xe của ông Hồ Cẩm Đào, không muốn các thế lực trong bộ máy lãnh đạo tối cao liên kết với các Phó Chủ tịch Quân ủy trong quân đội uy hiếp địa vị của mình. Vì thế, ông Tập đã thông qua cuộc chiến “chống tham nhũng” để thay đổi cục diện chính trị trong giới chức tối cao, thanh trừng thế lực chống đối, cách làm này khó tránh phải đối diện với bộ máy quân đội hủ bại nhất đang hoàn toàn nắm quyền tự trị. Cuối cùng, ông Tập Cận Bình đã thành công cải cách bộ khung, loại bỏ những thành phần có khả năng khống chế Chủ tịch Quân ủy và xây dựng một hệ thống quản trị mới nhằm bảo vệ quân quyền của mình. Để thực hiện được nhiệm vụ này, không có cách nào khác là phải hạ bệ hai chướng ngại Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.

Trọng điểm cải cách của ông Tập Cận Bình là đánh vào hai vị trí Tổng Cục tham mưu và Tổng cục Chính trị, biến hai hệ thống lãnh đạo tối cao này trở thành trực thuộc Quân ủy, như thế Chủ tịch Quân ủy mới kiểm soát được toàn bộ nhân sự của hệ thống quân đội và đưa hệ thống vận hành bình thường. Quân đội Trung Quốc theo mô hình Hồng quân Liên Xô cũ mang đặc sắc Trung Quốc đã trải qua nhiều thập niên, hiện nay thay đổi cần có hệ tham chiếu, vì thế Trung Quốc đã chọn mô hình quản trị của Mỹ để cải cách.

Cũng tương tự cải cách kinh tế, một khi vứt bỏ kinh tế kế hoạch thì ngoài thực hiện theo kinh tế thị trường ra cũng không còn cách nào khác. Trong cải cách quân đội, nếu ông Tập Cận Bình không muốn quốc hữu hóa quân đội thì buộc phải chọn mô hình quản lý quân đội của các nước dân chủ. Thể chế quản lý của Mỹ là các bộ phận phụ trách nuôi quân và dùng quân hoàn toàn khác nhau; quân lệnh và quân chính được phân chia rõ ràng. Gần đây truyền thông nhà nước Trung Quốc đã thừa nhận, sau khi cải cách, “Giải phóng quân” sẽ phân chia giữa “quân lệnh” và “quân chính”, từng bước hình thành theo mô hình quân đội của Mỹ.

Cải cách quân đội của Trung Quốc lần này liên quan đến toàn hệ thống từ trên xuống dưới, dường như chức năng từng đơn vị đều được điều chỉnh dựa theo mô hình mới. Không chỉ có vô số quan chức cấp cao bị mất địa vị mà những quan chức bổ nhiệm mới nếu không hiểu đặc điểm vận hành hệ thống theo kiểu Mỹ sẽ bị bố trí chuyển ngành…

Một hệ thống quân đội đang ở trong quá trình cải cách thì không thể nào chủ động muốn tham gia chiến tranh; lúc này mà muốn gây chiến tranh thì hoặc là vứt bỏ cải cách để quay trở lại thể chế cũ, hoặc là trên dưới không hợp tác cùng nhau, chỉ huy không được.

Trên thực tế, việc khắc phục hậu quả và cải tổ những đơn vị “từ cổ trở xuống” đang đầy khó khăn, trong hoàn cảnh này quân đội Trung Quốc chỉ có thể giữ tư thế cảnh giác để sẵn sàng chiến đấu chứ không thể chủ động đưa quân đi gây chiến tranh với Mỹ.

Hà Thanh Niên

Xem thêm: