Mới đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đăng một báo cáo trên trang Express U.K tuyên bố loại virus corona mới (visus viêm phổi Vũ Hán, COVID-19) có thể bắt nguồn từ Ấn Độ. Tuyên bố này đã vấp phải nhiều chỉ trích như những lần trước đó Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ, cho Ý là nguồn gốc nơi sinh ra dịch bệnh.

virus Vũ Hán
(Ảnh minh họa: Pixabay)

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Trung Quốc đã phân tích bộ gen của virus corona mới để tìm ra chủng có ít đột biến nhất, sau đó truy tìm nguồn gốc của nó. Nhóm này đã tuyên bố rằng “chủng ít đột biến nhất” có nguồn gốc từ Ấn Độ hoặc từ một quốc gia láng giềng.

Nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết virus corona có thể được truy nguyên sớm nhất vào tháng 7/2019, vài tháng trước khi nó được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán vào tháng 12.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc viết trong nghiên cứu của họ: “Phân tích thống kê về sự đa dạng của chủng SARS-CoV-2 ở các quốc gia/khu vực khác nhau cho thấy, tiểu lục địa Ấn Độ có mức độ đa dạng chủng loại virus cao nhất. Hơn nữa, dựa trên tỷ lệ đột biến của SARS-CoV-2, chúng tôi ước tính rằng sự lây truyền SARS-CoV-2 sớm nhất trên vật chủ là người có thể được truy tìm từ tháng 7 hoặc tháng 8/2019.”

“Cả thông tin địa lý của chủng ít đột biến nhất và sự đa dạng của chủng đều cho thấy rằng tiểu lục địa Ấn Độ có thể là nơi lây truyền SARS-CoV-2 từ người sang người sớm nhất, tức là ba hoặc bốn tháng trước khi bùng phát ở Vũ Hán,” các nhà nghiên cứu tuyên bố.

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, virus lây lan sang người trong bối cảnh đợt nắng nóng gay gắt ở khu vực phía bắc Ấn Độ, làm tăng khả năng con người và động vật dùng chung một nguồn nước. Các điều kiện cho phép virus lây lan từ động vật sang người.

“Từ tháng 5 đến tháng 6/2019, đợt nắng nóng dài thứ hai được ghi nhận đã hoành hành ở miền bắc-miền trung Ấn Độ và Pakistan, tạo ra cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng ở khu vực này”, theo báo cáo đăng trên Express U.K. “Tình trạng thiếu nước khiến các loài động vật hoang dã như khỉ tham gia vào cuộc tranh giành nước, giết chóc lẫn nhau và chắc chắn sẽ làm tăng cơ hội tương tác giữa người và động vật hoang dã.”

Các nhà khoa học sau đó gọi virus là “không thể tránh khỏi” và tuyên bố rằng Vũ Hán là một phần của đợt bùng phát mở rộng.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc liên tục đưa thông tin sai lệch xung quanh vấn đề virus corona, trước là cáo buộc vô căn cứ Hoa Kỳ, sau lại tiếp tục đổ lỗi cho nước Ý đã là nơi phát tán virus corona, đã vấp phải nhiều chỉ trích. Nghiên cứu mới này trái ngược với báo cáo rằng virus bắt nguồn từ Vũ Hán và lây lan sang nhiều nước khác trên thế giới khi chính quyền Trung Quốc ngăn không cung cấp thông tin chính xác về đợt bùng phát.

Báo cáo trên bị chỉ trích nặng nề từ các chuyên gia nghiên cứu virus. Ông David Robertson, một giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Virus của Đại học Glasgow, gọi bài báo của Trung Quốc là “rất sai lầm”, theo Daily Mail.

Ông Robertson nói: “Cách tiếp cận của tác giả trong việc xác định các chuỗi virus ‘ít đột biến nhất’ là… vốn mang định kiến.” Ông nói thêm: Các tác giả cũng đã bỏ qua các dữ liệu dịch tễ học phổ biến khắp nơi cho thấy sự xuất hiện rõ ràng ở Trung Quốc và virus lây lan từ đó.”

“Bài báo này không bổ sung gì cho hiểu biết của chúng tôi về SARS-CoV-2,” ông nhấn mạnh.

Dịch bệnh gần đây đã bùng phát trở lại ở nhiều nơi ở Trung Quốc bao gồm Tân Cương, Thiên Tân, Thượng Hải, Phụ Dương, An Huy và Mãn Châu Lý, Nội Mông. Trong số đó, nhiều trường hợp đã được xác nhận ở Thiên Tân. Nhưng giới chức ĐCSTQ nói rằng nguồn lây nhiễm là từ đầu heo Bắc Mỹ và chân heo Đức.

Ví dụ, tháng Sáu, khi dịch bùng phát ở Bắc Kinh, giới chức Trung Quốc đã “ném nồi” đổ vấy nguồn lây nhiễm sang cho cá hồi nhập khẩu; sang tháng Tám, khi xuất hiện ca nhiễm ở Thâm Quyến, giới chức lại đá trách nhiệm sang cho cánh gà Brazil đông lạnh; đến tháng Mười, khi một ca nhiễm được phát hiện ở Thanh Đảo, trách nhiệm lại bị đẩy sang cho cá tuyết đông lạnh; và vào tháng 11 này, khi có ca nhiễm ở Thiên Tân, giới chức liền đổ vấy cho chân heo Đức và đầu heo Bắc Mỹ đông lạnh.

Đáp lại, Bộ Nông nghiệp Đức tuyên bố rằng thịt lợn đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc từ thành phố Bremen, miền tây bắc nước Đức “không có khả năng gây ra dịch bệnh” ở Trung Quốc. Các nhà virus học tại Đại học Bremen, Đức cũng cho rằng điều này thực sự rất khó có thể xảy ra.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, Trung Quốc tiếp tục có các trường hợp được xác nhận ở Thượng Hải, Tứ Xuyên, Giang Tây, Chiết Giang, Hà Nam, Sơn Đông… Giới chức vẫn tiếp tục đem nguồn lây nhiễm đổ vấy thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, bao gồm cá chim đông lạnh từ Ecuador, các sản phẩm thịt lợn của Brazil, cá bơn , Thịt lợn Argentina, thịt cá Ấn Độ, thịt bò New Zealand nhập khẩu, v.v.

Vì vậy, ngoại giới nhận định rằng ĐCSTQ luôn che giấu sự thật về đại dịch và “ném nồi” đổ vấy nguồn lây nhiễm cho nước ngoài. Do đó, tình hình chân thực về dịch bệnh ở các địa phương của Trung Quốc, ngoại giới khó có thể nắm bắt được.

Nhật Minh

Xem thêm: