Bộ thương mại Trung Quốc đã gặp các nhà máy lọc dầu độc lập để thảo luận về các thỏa thuận của họ với Nga, năm nguồn tin am hiểu về vấn đề này cho biết, hoạt động nhập khẩu đã tiết kiệm cho người mua Trung Quốc hàng tỷ đô la, Reuters đưa tin 17/2. Hiện nay Trung Quốc và Ấn Độ đang mua dầu của Nga với giá chiết khấu sâu. Trung Quốc có thể khuyến khích bán dầu đã tinh luyện.

shutterstock 2148283291
Nga tìm cơ hội kinh doanh mới ở Trung Quốc và Ấn Độ sau khi bị phương Tây cấm vận do chiến tranh (Ảnh: PX Media / Shutterstock)

Trong báo cáo hàng tháng của IEA (International Energy Agency, Cơ quan Năng lượng Quốc tế) công bố hôm Thứ Tư (15/2), xuất khẩu dầu của Nga đã đạt mức kỷ lục vào tháng 1/2023, bất chấp bối cảnh phương Tây trừng phạt dầu khí của Nga, trong đó có các lệnh cấm vận và cưỡng bức giá trần được đưa ra gần đây.

Theo IEA, lượng dầu Nga xuất khẩu đã tăng 300.000 thùng/ngày (bpd) trong tháng 1 so với tháng trước, đạt 8,2 triệu thùng/ngày.

Các lô hàng sản phẩm dầu mỏ không thay đổi trong tháng trước và đạt tổng cộng 3,1 triệu thùng/ngày trước lệnh cấm vận của phương Tây đối với dầu tinh chế của Nga, được áp dụng cùng với mức giá trần vào ngày 5/2.

Các quốc gia EU và G7 đã đưa ra mức giá trần đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga, đặt giới hạn 100 USD/thùng đối với dầu diesel, nhiên liệu máy bay, và xăng, và mức trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu khác giao dịch dưới giá dầu thô. Xuất khẩu nhiên liệu được định giá vượt quá các giới hạn này sẽ bị cấm nhận các dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển từ các công ty ở các nước phương Tây.

IEA ước tính xuất khẩu dầu của Nga sang EU đã giảm 2/3 so với mức trước khi có chiến tranh Ukraine là 1,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, cũng theo cơ quan này, lưu lượng dầu thô của Nga đến Trung Quốc đã tăng 300.000 thùng/ngày lên 2,1 triệu thùng/ngày trong tháng 1, mức cao nhất được ghi nhận.

Cơ chế trần giá đã dẫn đến việc Nga chuyển hướng cung cấp của mình, như vậy, Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành những khách hàng mua dầu thô hàng đầu của Nga.

Trong các cuộc thảo luận với khoảng 10 nhà máy lọc dầu độc lập vào tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc đã hỏi về khối lượng và giá dầu nhập khẩu từ Nga của họ, các nguồn tin cho Reuters biết.

Các quan chức cũng hỏi các nhà máy lọc dầu liệu họ có gặp phải bất kỳ trở ngại nào trong các giao dịch này hay không.

“Chính phủ muốn biết các nhà máy lọc dầu độc lập có thể mua bao nhiêu và nhu cầu thực sự của họ đối với hàng nhập khẩu đó,” theo nguồn tin cho Reuters biết.

Các nguồn từ chối nêu tên vì các cuộc thảo luận không được công khai. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận.

“Các quan chức muốn xử lý những vấn đề trên cơ sở thực tế, vì vậy khi Trung Quốc liên lạc với Nga, chính phủ sẽ biết phải nói về điều gì,” một nguồn tin ở Trung Quốc, một giám đốc điều hành cấp cao liên quan đến dầu mỏ của Nga cho hay.

Các cuộc trò chuyện diễn ra khi quốc hội chuẩn bị cho đại hội thường niên vào tháng tới và chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngoài ra, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Nga trong chuyến đi hiện tại của ông ở châu Âu, Bộ Ngoại giao thông báo.

Ba trong số các nguồn tin cho biết, Bộ này đã dừng việc đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào về các thỏa thuận dầu mỏ của Nga.

Nhà máy lọc dầu nhà nước

Bộ Ngoại giao cũng đã gặp các nhà máy lọc dầu nhà nước trong tháng này để thảo luận về chính sách thương mại nhiên liệu tinh chế của Trung Quốc mà Bắc Kinh đã nới lỏng vào cuối năm ngoái để khuyến khích xuất khẩu, các nguồn tin lưu ý.

Còn theo nguồn tin thứ ba, các nhà máy lọc dầu nhà nước cũng được hỏi về tác động đối với xuất khẩu của Trung Quốc từ lệnh cấm vận của châu Âu đối với xuất khẩu nhiên liệu của Nga có hiệu lực từ ngày 5/2.

Trung Quốc đã nhập khẩu 1,73 triệu thùng dầu thô hàng ngày của Nga vào năm 2022, tăng 8,3% so với một năm trước đó.

Các nhà máy lọc dầu nhà nước hàng đầu PetroChina và Sinopec đang nối lại việc mua dầu thô giảm giá vận chuyển bằng đường biển của Nga sau một thời gian tạm dừng ngắn vào cuối năm 2022, nhưng đang thực hiện một cách tiếp cận thận trọng bằng cách chỉ mua hàng trên cơ sở được giao.

Video: Lauren Boebert, dân biểu Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ, trong phiên điều trần về nguồn năng lượng tự nhiên trong nước cho rằng, dầu thô từ Hoa Kỳ tinh khiết hơn từ Nga. Bà cũng chỉ trích chính sách của chính quyền Biden khi ngăn chặt ngành dầu khí ở Hoa Kỳ. Theo bà, Hoa Kỳ nếu vì lý do nào đó không muốn dùng dầu, có thể bán dầu ra nước ngoài cạnh tranh với Nga, thay vì nhập từ nước ngoài như hiện nay.

Nhật Tân (T/h)