Truyền thông Hồng Kông tiết lộ, từ sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) năm 2012 đến tháng 7 năm nay, đã có hơn 1.000 trường hợp quan chức trong đảng, chính quyền và quân đội tự sát. 

Năm 2016 là  “năm tham quan tự sát”.
Năm 2016 là  “năm tham quan tự sát”.

Tạp chí của Hồng Kông, tờ “Tranh Minh” số tháng 9 đăng tin, từ tháng 11/2012 khi bắt đầu tiến hành chống tham nhũng cho đến cuối tháng 7 năm nay, đã có 1.235 quan chức trong đảng, chính quyền và quân đội tự sát, số người chết là 782. Chỉ trong các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Bắc Kinh, Liêu Ninh, Hà Nam, An Huy, số quan chức tự sát chết đã hơn 100 người.

Các vụ tự sát năm 2016

Ngày 12/5 năm nay , báo nhà nước “Liêm Chính Liêu Vọng” của Trung Quốc đưa tin, theo thống kê không đầy đủ, từ 1/1/2013 đến 31/12/2015, truyền thông Đại Lục đã báo cáo ít nhất 81 vụ quan chức tự sát. Chỉ trong năm 2015, số ca “tử vong không bình thường” của các quan chức (tính bao gồm các ca mất tích) là 28 người, trong đó số trường hợp nhảy lầu tự sát là nhiều nhất, tiếp theo là treo cổ tự sát, nhảy xuống sông (tính là mất tích) v.v.

Sang năm 2016, số quan chức tự sát lại càng nhiều hơn. Theo thống kê không đầy đủ từ các báo công khai, tính đến tháng 8 năm nay, số ca tử vong do tự sát bao gồm 28 người. Trong đó có một số tên đáng chú ý như:

  • Phó thị trưởng thành phố Thâm Quyến, Trần Ứng Xuân;
  • Phó phòng Giao thông tỉnh Hồ Bắc, Mã Lập Quân;
  • Phó Viện trưởng Viện Xã hội Chủ nghĩa tỉnh An Huy, Cao Thự Đông;
  • Bí thư thành ủy Vạn Nguyên tỉnh Tứ Xuyên, Vương Thành Quân;
  • Thẩm phán Tòa án hình sự thành phố Thông Liêu khu tự trị Nội Mông Cổ, Mễ Kiến Quân;
  • Tổng giám đốc Công ty Liên hợp Xe hơi Kim Long (Giang Tô), Ngô Văn Văn
  • Bí thư đảng ủy kiêm Giám đốc Công ty Tài chính Trường Giang, Dương Trạch Trụ;
  • Phó bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, Lưu Tiểu Hoa.

Tờ “Động Hướng” của Hồng Kông số tháng 4 cho biết, các vụ việc quan chức Trung Quốc tự sát sẽ không dừng lại, có người nhận định năm 2016 sẽ trở thành “năm tham quan tự sát”.

Trong quân đội, 15 quan tự sát. Tập Cận Bình phẫn nộ

Mặc dù tin tức của quân đội trung Quốc luôn bị kiểm soát chặt chẽ nhưng tin về các tướng lĩnh tự sát vẫn bị lộ ra ngoài.

Tờ Bác Văn ở hải ngoại ngày 18/8 đăng tin cho biết, vào chiều ngày 13/8, Chủ nhiệm Xí nghiệp Quản lý Trung tâm Bộ hậu cần Hải quân Trung Quốc là Lý Bổ Văn đã nhảy lầu tự sát từ tòa nhà của Tổng bộ Hải quân tại Bắc Kinh. Báo này cho rằng có khả năng Lý Bổ Văn do liên quan đến việc nhận hối lộ trong Hải quân, bị tố cáo và đang chịu điều tra của Ủy ban Kỷ luật Hải quân.

Báo này nói thêm, từ cuối năm 2012 Đại hội 18 tiến hành “đả hổ chống tham nhũng” cho đến nửa đầu năm nay, số tướng lĩnh trong quân đội (tính từ thiếu tướng trở lên) nhảy lầu tự sát đã có 15 người, phần lớn đều thuộc công tác hậu cần hay các đơn vị liên quan đến tài chính. Chỉ có một số rất ít bị lộ ra ngoài hay được truyền thông công khai, đa phần các thông tin này đều được giữ kín.

Tin này còn tiết lộ, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình trong một buổi nói chuyện nội bộ gần đây, đã vô cùng phẫn nộ với các tướng lĩnh nhảy lầu tự sát này, gọi họ chính là “những kẻ đã ăn máu và tính mạng của quân nhân”.

Tính đến nay, các tướng lĩnh nhảy lầu tự sát được tiết lộ bởi các nguồn tin ngoài nhà nước bao gồm:

  • Tháng 11/2014, Trung tướng Hải quân, Mã Phát Tường;
  • Năm 2014, Cục trưởng Cục Trang bị Hạm đội Hải Nam, Khương Trung Hoa;
  • Ngày 10/2/2015, Cục trưởng Cục Không quản Bộ tác chiến Bộ tổng tham mưu Quân ủy, Lưu Tử Vinh;
  • Ngày 5/8, Thiếu tướng Chính ủy Quân đoàn 42, Trần Kiệt;
  • Ngày 13/8, Chủ nhiệm Xí nghiệp Quản lý Trung tâm Bộ hậu cần Hải quân, Lý Bổ Văn.

Lan tin nghiêm ngặt phòng chống tự sát

Tạp chí “Động Hướng” số tháng 6 đưa tin, Ủy ban Kỷ luật Trung ương đã gửi đi thông báo nội bộ đến hơn 120 lãnh đạo ở các tỉnh ủy, chính quyền tỉnh, đại hội đại biểu nhân dân tỉnh, chính hiệp tỉnh, ban chính pháp tỉnh, đảng ủy tại các phòng ban, cục trưởng, chủ nhiệm v.v. Nội dung chính của thông báo là thực hiện “tứ quy tam phòng”.

Nội dung của “tam phòng” chính là phòng chống các quan chức có vấn đề tự sát, phòng chống việc đào thoát bỏ trốn vì sợ bị điều tra, phòng chống hủy chứng cứ của các hoạt động liên quan đến điều tra.

Tờ Bác Văn cũng đưa tin, vì từng liên tiếp phát sinh các sự việc quan chức bị điều tra nhảy lầu tự sát nên Ủy ban Kỷ luật Quân đội đã tăng cường thực hiện các biện pháp bảo mật nghiêm ngặt. Nguyên nhân chính là vì khi nhân vật chính có liên quan đến vụ án tự sát, việc điều tra sẽ bị đình trệ nghiêm trọng hoặc không thể tiếp tục.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA trước đó cũng từng dẫn phân tích của nhân sĩ bình luận thời sự Chương Lập Phàm. Ông Chương giải thích việc các quan chức chọn cách tự sát để bảo vệ rất nhiều những người khác có liên quan ở phía sau vụ án, có thể là thượng cấp, đồng liêu hay thậm chí là đồng mưu.

Tự Minh

Xem thêm: