Năm ngoái, khoảng 600 triệu người dân Trung Quốc chỉ có có thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng ở mức 140 USD.

công nhân Trung Quốc; xưởng may
Có học giả cho rằng, trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, người dân Trung Quốc đứng cùng mặt trận với Mỹ và đối lập với chính quyền Trung Quốc. (Ảnh minh họa từ Getty Images)

Theo dữ liệu từ điều tra về thu nhập và chi tiêu hộ gia đình hàng năm của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 15/6, có hơn 40% dân số nước này, tương đương khoảng 600 triệu người, chỉ kiếm được 957 NDT (140 USD hay 3.400.000 VNĐ) mỗi tháng trong năm 2019.

Con số trên tăng nhẹ so với mức 866 NDT năm 2018, với cùng nhóm người điều tra.

Dữ liệu trên được trích dẫn trong bản tóm tắt kỷ yếu thống kê năm 2019 chưa xuất bản, đã xác nhận tuyên bố của Thủ tướng Trung quốc Lý Khắc Cường tại cuối phiên họp Đại hội Nhân dân toàn quốc hồi tháng Năm.

“Trung Quốc vẫn là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới. Mức thu nhập của phần lớn cư dân vùng nông thôn và khu vực miền trung và miền đông còn thấp. Nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo và khởi sắc nền kinh tế cho những khu vực này còn nhiều khó khăn,” NBS cho biết.

Tuy nhiên, NBS cho hay, “cũng cần ghi nhận là nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục phát triển, ngày càng nhiều các nhóm thu nhập thấp và thấp hơn mức thu nhập trung bình sẽ được chuyển lên nhóm thu nhập trung bình. Thị trường nội địa của Trung Quốc có tiềm năng to lớn và có khả năng phát triển vô hạn.”

Trong khi đó, năm 2019, 20% hộ gia đình ở nhóm thu nhập cao có số tiền trung bình hàng tháng là 6.376 NDT (899 USD).

Dữ liệu thu nhập mới đã cho thấy mức độ bất bình đẳng ở Trung Quốc còn rất lớn. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát có thể khiến khoảng cách chênh lệch còn lớn hơn, đặc biệt khi virus corona tác động mạnh tới các nhóm thu nhập thấp, các chủ doanh nghiệp tự doanh và công nhân thời vụ.

Trong khi Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới xét trên sức mua tương đương (PPP – purchasing power parity), tổng sản phẩm quốc dân bình quân đầu người vẫn tụt xa các nước phát triển, một phần bởi phân bổ thu nhập “chảy về chỗ trũng”, tức nhà nước, dẫn đến tình huống thường được gọi là “nước giàu, dân nghèo.” Khoảng cách thu nhập giữa cư dân nông thôn và  thành thị còn làm bức tranh phức tạp hơn. 

Hệ số Gini – thước đo sự bất bình đẳng trong dân số, đã tăng 3 năm liên tiếp gần đây tại Trung Quốc kể từ năm 2015, đạt mức 0,468 điểm trong năm 2018, trước khi giảm nhẹ xuống 0,465 điểm năm 2019, theo số liệu chính phủ. (Giá trị con số càng tiệm cận bằng 0 càng biểu thị sự bình đẳng trong xã hội, còn giá trị con số gần tới 1 chỉ ra sự bất bình đẳng).

Xuân Lan

Xem thêm: