Cho tiền riêng bác sĩ và các nhân viên khác đã trở thành văn hóa ăn sâu trong hệ thống chăm sóc y tế Trung Quốc.

phong bi Trung Quoc

Vào tháng 3 năm nay, khi các bác sĩ chuẩn bị phẫu thuật cho cha của ông Liu tại một bệnh viện thuộc miền trung Trung Quốc, nhân viên bệnh viện đột ngột yêu cầu ông Liu và các thành viên trong gia đình khác ra gặp riêng.

Viện cớ cần “phí đặc biệt” để mời chuyên gia từ thành phố lớn đến, nhân viên Bệnh viện Nhân dân Xinhua tỉnh Hà Nam nói với ông Liu rằng họ cần 1.500 nhân dân tệ (tương đương 225 USD) để mổ tim cho cha của ông. Ông Liu và những thành viên khác trong gia đình phải trả phí đặc biệt này.

Phí này không nằm trong hóa đơn tính tiền của bệnh viện“, ông Liu nói với Đài Truyền hình Hà Nam.

Thật chất, đây chính là một hình thức hợp thức hóa việc nhận “phong bì”.

Tại Trung Quốc, ngành công nghiệp dịch vụ và chuyện “phong bì” luôn đi cùng nhau. Điều này được thấy rõ trong các bệnh viện, nơi bệnh nhân sẵn sàng chi những khoản “lì xì” “cắt cổ” cho bác sĩ để đảm bảo nhận được chất lượng chăm sóc tốt hoặc tương xứng.

“Lì xì” này không phải chuyện tượng trưng nhân dịp lễ Tết, mà nó chính là chuyện “đút tiền” đã ăn sâu vào trong văn hóa của hệ thống chăm sóc y tế Trung Quốc.

Thật khó để có thể thống kê, nhưng từ các cuộc khảo sát được tiến hành bởi nhiều trang mạng Trung Quốc cho thấy chuyện “đút tiền” đã là một nguyên tắc. Trong một cuộc khảo sát 60.000 cư dân mạng, cộng đồng y tế trực tuyến Disease.39.net cho thấy 64% người bệnh “đút tiền” cho bác sĩ. Một cuộc khảo sát khác trên cùng trang cho thấy gần 90% bệnh nhân phải trả thêm cho bác sĩ bằng tiền mặt hoặc mời ăn uống.

Tháng 5/2011, một luận án khoa học xuất bản bởi một tạp chí y khoa Trung Quốc đã làm khảo sát trên 4.000 đối tượng và xác định rằng 55% bệnh nhân đã “đút tiền” cho bác sĩ. Họ có thể làm thế nếu có học vấn cao hoặc sống trong những vùng kinh tế phát triển ở Trung Quốc.

Những bệnh nhân không trả “phí” này sẽ đối diện với nguy cơ bị chăm sóc cẩu thả hoặc không được chăm sóc, trong một số trường hợp, còn nhận được sự hằn học từ các nhân viên y tế.

Năm 2014, China News tại Sohu tỉnh Giang Tô báo cáo rằng, một bệnh nhân bị bỏ rơi trong phòng mổ vì không chịu trả thêm “chi phí đặc biệt” 2.000 nhân dân tệ (khoảng 300 USD). Một vụ việc khác được báo cáo vào tháng Hai, một bác sĩ Nội Mông khi đang phẩu thuật được nửa chừng thì đột ngột đòi 7.000 nhân dân tệ mới tiếp tục mổ cho bệnh nhân. Năm 2010, Southern Metropolis Daily đưa tin, một y tá tại Thâm Quyến khâu âm đạo cho một phụ nữ mới sinh sau khi được nhận phong bì khoảng 100 tệ (tương đương 15 USD)

Từ những năm 1950, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các bệnh viện và nhân viên y tế thực hiện theo nguyên tắc: “nuôi dưỡng lĩnh vực y tế bằng thuốc”. Điều này có nghĩa là các bệnh viện tạo ra nguồn thu bằng việc bán thuốc trực tiếp, số tiền này thường được tính chung vào tổng chi phí trị bệnh.

Theo một bài viết năm 2002 của Hội Kinh tế Nhân đạo, những năm gần đây, chi phí thuốc men và thiết bị y tế gia tăng chóng mặt, các nhân viên y tế thì liên tục bị cắt giảm thu nhập chính thức. Văn hóa “phong bì” do đó gia tăng để bù vào phần thiếu hụt.

Xét trong tình hình chính trị hiện tại, trong đó lãnh đạo Trung Quốc lo ngại các hành vi tham nhũng đang ngày càng phá hoại sự ủng hộ của công chúng và làm xói mòn quyền lực, văn hóa phong bì là một vấn đề khiến họ đau đầu.

Xe Fengqin, một quan chức ở Bắc Kinh, nói với cổng thông tin trực tuyến NetEase rằng nhân viên y tế Trung Quốc có lương còn thấp hơn cả các bác sĩ ở những quốc gia đang phát triển ở châu Phi. “Một số chuyên gia y tế phải làm thêm giờ, kê đơn thật nhiều thuốc, bắt bệnh nhân kiểm tra đi kiểm tra lại. Chỉ quy định thôi thì không đủ; cần phải có sự cải cách thể chế”.

Ban hành cải cách, nói thì dễ, thực hiện mới khó. Hồi tháng 5/2014, Ủy ban Y tế quốc gia và Kế hoạch Hóa gia đình đã đưa ra một số biện pháp mới để ngăn chặn loại văn hóa phong bì này. Cơ quan này gửi các tài liệu tới bệnh viện khắp cả nước, bác sĩ, bệnh nhân được yêu cầu “thề không hối lộ”.

Nhưng biện pháp này rốt cuộc phản tác dụng. Thay vì không hay giảm thiểu hối lộ, các bệnh nhân còn quyết định “đút nhiều tiền” hơn cho bác sĩ. Họ cho rằng việc bắt họ hứa không đưa phong bì chính là một lời ám chỉ rằng cần phải đưa nhiều hơn nữa.

Bảo Minh

Xem thêm: