Hiện tại quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan và Trung Quốc Đại lục vẫn đang rơi vào cục diện bế tắc, trả lời phỏng vấn của Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan về việc hai bờ eo biển nên làm thế nào để khởi động lại đối thoại, ông Raymond Burghardt – cựu Chủ tịch hiệp Hội Mỹ tại Đài Loan (American Institute in Taiwan, AIT) cho biết, Tổng thống Thái Anh Văn đã thể hiện ra sự đổi mới cũng như sự nhẫn nại, đồng thời cũng đang cẩn thận xử lý quan hệ giữa hai bờ eo biển, tuy nhiên chính quyền Đại lục lại không hề tỏ ra nhượng bộ.  

Đài Loan
Ông Raymond Burghardt – cựu Chủ tịch Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan phân tích về cục thế bế tắc giữa hai bờ eo biển Đài Loan và Trung Quốc Đại lục (Ảnh: Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan)

Ông Raymond Burghardt chỉ ra, gần đây, Quốc hội Mỹ và các cơ quan hành chính của Mỹ đã phản ánh sự quan tâm đối với việc chính quyền Bắc Kinh “ức hiếp” Đài Loan, ví dụ như Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật “Luật du lịch Đài Loan”, chính là sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan.

Về vấn đề các chuyến thăm viếng qua lại giữa Mỹ và Đài Loan gây nhiều tranh cãi, ông Raymond Burghardt cho rằng, với kinh nghiệm trên cương vị chủ tịch AIT của ông mà xét, quan chức Mỹ và Đài Loan thăm viếng qua lại không chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, mà là quan chức Mỹ đến thăm và giúp đỡ giải quyết vấn đề song phương giữa Mỹ và Đài loan hoặc giúp thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan.

Ông chỉ ra, Mỹ sẽ không chỉ vì “chọc tức” Trung Quốc mà phái các quan chức đến thăm Đài Loan. Mặc dù Trung Quốc có kháng nghị, nhưng Mỹ vẫn bán vũ khí cho Đài Loan và cử quan chức đến thăm Đài Loan, “bởi vì làm như vậy là chính xác”.

Về vấn đề hai bờ eo biển, ông Raymond Burghardt cho rằng, hiện tại hai bờ eo biển vẫn thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, nếu muốn phá vỡ thế cục bế tắc và tìm được phương pháp giải quyết, thì 2 bên cần phải nói chuyện lại với nhau.

Tuy nhiên, ông cũng nói, thực ra hai bên đều biết con đường để nói chuyện với nhau nằm ở đâu, nhưng với tình hình hiện lại mà nghiên cứu và đưa ra phán đoán, ông cho rằng chính quyền Bắc Kinh không có ý khởi động lại các cuộc đàm phán với Đài Loan.

Trên thực tế, hiện nay thế cục bế tắc giữa Đài Loan và Trung Quốc Đại lục đều khiến các giới chú ý cao độ. Báo Tân Sinh Đài Loan (Taiwan Shin Sheng Daily News) đưa tin, gần đây giới quan sát truyền tai nhau một khi cục thế trên bán đảo Triều Tiên ổn định, thì Mỹ sẽ càng có lý do để quản lý an ninh trong khu vực, bao gồm cả tranh chấp vùng biển Đài Loan. Về vấn đề này, người phát ngôn Văn phòng sự vụ Đài Loan của Trung Quốc Mã Hiểu Quang bác bỏ logic “một bên tình nguyện”.

Ông Mã Hiểu Quang nhắc đến “Thế lực đòi Đài Loan độc lập là uy hiếp lớn nhất đến hòa bình và ổn định trên biển Đài Loan, là mối nguy hại lớn nhất đối với lợi ích của đồng bào Đài Loan và lợi ích của của cả dân tộc Trung Hoa.”

Về việc này, Phó chủ nhiệm kiêm người phát ngôn Ủy ban Đại lục của Đài Loan là ông Khâu Thùy Chính cho biết, logic trọng tâm trong thế cục bế tắc giữa hai bờ eo biển là chính quyền Đại lục không muốn nhìn thẳng vào sự thực rằng Trung Hoa Dân quốc đang tồn tại một cách khách quan, cũng không muốn nhìn thẳng vào việc người dân Đài Loan kiên trì giá trị dân chủ và chế độ.

Ông Khâu nói thêm, chính quyền Đại lục một lần nữa phán đoán sai tình thế thay đổi hiện trạng, hiện nay lại đem việc thế cục bế tắc giữa hai bờ eo biển quy trách nhiệm cho Đài Loan, dùng thái độ bất bình thường để đối đãi với quan hệ hai bờ eo biển, cuối cùng sẽ tự mua dây buộc mình, tự nếm trái đắng.

Ngoài ra, về vấn đề phía Trung Quốc Đại lục chỉ trích chính phủ Đài Loan ngăn cản giao lưu hai bờ eo biển, ông Khâu cũng nhắc lại, chính phủ Đài Loan sẽ thẩm tra nghiêm ngặt đối với quan chức cấp cao tại Đại lục đến Đài loan có mục đích chính trị, còn đối với người Đại lục bình thường đến thăm Đài Loan, sinh viên Đại lục đến Đài Loan học tập, người đến Đài Loan buôn bán giao lưu, thì Đài Loan vẫn luôn mở cửa hoan nghênh.

Ông cho biết, thực sự gây trở ngại đối với hạn chế giao lưu hai bờ eo biển chính là chính quyền Đại lục tự đặt ra chướng ngại chính trị, bao gồm giảm thiểu du khách Đại lục, sinh viên Đại lục đến Đài Loan; hạn chế những học giả Đài Loan có lập trường chính trị khác với Đại lục đến Đại lục giao lưu.

Tuyết Mai

Xem thêm: