Khu vực đồng bằng sông Châu Giang của Trung Quốc lâu nay là vùng trọng điểm hoạt động sản xuất, gồm mạng lưới siêu đô thị 9 địa cấp thị là Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Đông Hoản, Trung Sơn, Phật Sơn, Huệ Châu, Giang Môn và Triệu Khánh, cùng Đặc khu hành chính Hồng Kông và Ma Cao. Tuy nhiên gần đây, vùng này đã chứng kiến làn sóng sa thải công nhân do số lượng đơn đặt hàng của các doanh nghiệp giảm mạnh, khiến triển vọng tương lai khu vực này trở nên ảm đạm.

shutterstock 57598960
Bên trong 1 cơ sở sản xuất đồng hồ tại Thâm Quyến (Ảnh: Shutterstock)

Do năm ngoái xuất khẩu của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục khiến các nhà máy ở khu vực Đồng bằng sông Châu Giang cần gấp nhiều lao động phổ thông để xử lý lượng đơn đặt hàng tăng đột biến, vì thế nhiều chuyên gia kinh tế đã lạc quan về phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Nhưng thực tế nguyên nhân thịnh vượng đó chỉ mang tính nhất thời, vì thời kỳ đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) khiến chính phủ nhiều nước đã phải hỗ trợ người dân bằng cách phân phối tiền mặt gây kích thích nhu cầu chi dùng, làm gia tăng ngoại thương của Trung Quốc.

Nhưng nhiều thông tin cho thấy, vì ảnh hưởng bởi chính sách ‘Zero COVID’ phòng chống dịch nghiêm ngặt của chính quyền Bắc Kinh gây gián đoạn chuỗi cung ứng khiến nhu cầu tại thị trường nội địa và thị trường Âu Mỹ giảm mạnh, hệ quả nhiều đơn đặt hàng nước ngoài của Trung Quốc đã chuyển sang các nước Đông Nam Á. Tại Đồng bằng sông Châu Giang, các ngành như sản xuất giày dép, quần áo may sẵn và thậm chí cả ngành công nghiệp điện tử đều chịu nhiều áp lực dẫn đến làn sóng sa thải công nhân.

Các nhà phân tích chỉ ra, dù Thượng Hải sau đợt phong tỏa vì COVID-19 thì hoạt động sản xuất chế tạo đã dần phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu cũng tăng lên; nhưng trước xu hướng đảo ngược ngày càng gia tăng khiến nhiều dự đoán rằng đà tăng trưởng sẽ suy giảm, theo đó khung cảnh tưởng như khởi sắc trước mắt sẽ không kéo dài.

Tờ South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông lấy ví dụ trường hợp Công ty Điện tử Dekun ở thị trấn Thanh Khê thành phố Đông Quan tỉnh Quảng Đông vào ngày 31/5 thông báo vấn đề nợ lương đến tháng Mười; công ty giải thích do đơn hàng trong và ngoài nước giảm đột ngột, thiếu nguyên liệu, không có tàu xuất xưởng nên chi phí tồn kho tăng mạnh.

Một công ty khác chuyên sản xuất linh kiện điện tử chính xác cũng tiết lộ rằng họ có kế hoạch cắt giảm công nhân từ mức 6.000 hiện có xuống còn 4.000.

Người phụ trách họ Wang của doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm cho thú cưng ở Quảng Đông chỉ ra, thời kỳ đầu bùng phát dịch bệnh thì Chính phủ Mỹ đã cấp tiền cứu trợ cho người dân nên lúc đó có rất nhiều đơn đặt hàng, nhưng quý II năm nay đơn đặt hàng giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái, theo đó nhân viên của ông cũng chỉ nhận mức lương tối thiểu khoảng 2.000 hoặc 3.000 nhân dân tệ. Mặc dù chỉ còn khả năng trả lương thấp, người phụ trách họ Wang cho biết các nhân viên của ông không có ý định rời đi vì họ đều biết tìm việc ở Trung Quốc hiện nay khó khăn như thế nào.

Những trường hợp tiêu biểu đó cho thấy rõ triển vọng tương lai u ám của không ít doanh nghiệp và sinh kế người dân Trung Quốc. Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, dân số lao động phi nông nghiệp của Trung Quốc vào khoảng 530 triệu người, trong đó số người làm trong sản xuất xuất khẩu chiếm khoảng 1/3 là 180 triệu người. Ngoài ra theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở vùng thành thị Trung Quốc được khảo sát trong tháng 5/2022 cho thấy là 5,9%. Trong số những người có việc làm từ 16 – 24 tuổi, tỷ lệ thất nghiệp thậm chí cao tới 18,4%.

Tuần trước có học giả tại Đại học Bắc Kinh cũng cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc có thể đến quy mô tương tự như năm 2020 do chính sách ‘Zero COVID’, dự kiến có thể đến lúc tỷ lệ thất nghiệp ​​cao tới 12%.

Tờ Yicai chuyên về kinh tế của nhà nước Trung Quốc cho biết, những năm gần đây một số lượng lớn đơn đặt hàng nước ngoài của Trung Quốc đã chuyển qua thị trường Đông Nam Á, hiện nay nhiều doanh nghiệp ngoại thương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thực tế như chuỗi cung ứng bị chặn và chi phí liên tục tăng cao.

Ông chủ Chang của một công ty tại thành phố vùng duyên hải Trung Quốc có nền kinh tế tư nhân rất phát triển, bất lực nói: “Các khách hàng nước ngoài đã hủy đơn đặt hàng cho dịp Giáng sinh vào tháng Mười, giá trị của đơn hàng bị hủy đã vượt quá 100 triệu nhân dân tệ, lý do là họ đã tìm thấy các nhà cung cấp ở Việt Nam”.

“Khách hàng ở nước ngoài của chúng tôi chủ yếu là các siêu thị lớn ở Mỹ, Canada và Úc, miếng bánh lớn này nếu không thuộc về tôi thì có nghĩa đã thuộc người khác”, ông chủ Chang chia sẻ lo lắng.

Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc từ quý I năm nay có dấu hiệu chững lại đáng kể so với năm ngoái, dữ liệu mới nhất từ ​​Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy chỉ số quản lý thu mua sản xuất (PMI) suy giảm, trong đó chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới và chỉ số nhập khẩu đã giảm trở lại báo hiệu ngoại thương Trung Quốc lại tiến thêm một bước theo hướng ảm đạm.