Một trong những mục đích chính của việc Chính phủ Trung Quốc triển khai tiền kỹ thuật số nhằm loại bỏ tiền mặt cũng như áp dụng tiền điện tử như một phương tiện để giám sát người dân, từ đó đi đến đạt được sự thống trị của tiền kỹ thuật số và tích hợp hoàn hảo với Dự án Skynet. Chỉ vài ngày trước, suy đoán của tôi về cơ bản đã bắt đầu chính thức được thực hiện ở Trung Quốc.

Bài viết của Mắt Lạnh Tài Chính thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.

nhan dan te
Chính quyền Thâm Quyến lấy cớ tình hình dịch bệnh cưỡng ép thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là dấu hiệu đáng sợ? (Ảnh: Shutterstock.com)

Gần đây, theo yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc, một siêu thị ở Thâm Quyến đã quy định khách hàng phải làm thủ tục đăng ký nếu họ sử dụng tiền mặt. Tin tức vừa ra đã làm nóng dư luận, khiến mọi người đều lo lắng: Sử dụng tiền mặt không phải là danh chính ngôn thuận sao? Không phải mấy chục năm nay vẫn dùng tiền giấy sao? Bây giờ lại ép buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt là sao, liệu Thâm Quyến có phải đang lấy cớ dịch bệnh để chuẩn bị triển khai quy mô lớn tiền kỹ thuật số mà từ đó giám sát người dân không?

Để trả lời cho những câu hỏi này, chúng ta hãy nhìn vào những gì đang xảy ra.

Theo tin tức ngày 17/8, từ ngày 15/8, một siêu thị ở quận Phúc Điền, Thâm Quyến đã bắt đầu dán các thông báo như “Do yêu cầu của Chính phủ, việc sử dụng tiền mặt phải qua đăng ký”“Khách hàng thực hiện giao dịch tiền mặt trong cửa hàng phải làm thủ tục đăng ký.” Khách hàng sử dụng tiền mặt cần đăng ký tên, số điện thoại, số CMND, địa chỉ và các thông tin khác.

Thông thường, việc đăng ký chủ yếu đề cập đến một hành động có trách nhiệm giải trình sau khi xảy ra trong thực tế. Ví dụ: nếu bạn vào một đơn vị hoặc công ty lớn, bảo vệ ở cửa thường yêu cầu bạn đăng ký. Điều này nhằm truy xét lần theo các manh mối sau khi sự cố an ninh xảy ra (nếu có) và thực hiện trách nhiệm giải trình sau đó. Nhưng bây giờ những người dân bình thường phải đăng ký khi họ lấy tiền mặt để mua những thứ trong siêu thị, điều này phải chăng rất vô lý? Liệu có phải vì chính quyền đang bắt đầu hạn chế việc sử dụng tiền mặt? Nói cách khác, những người sử dụng tiền mặt có thể sẽ bị quy cứu trách nhiệm sau này?

Cục Giám sát và Quản lý Thị trường Phúc Điền, thành phố Thâm Quyến gọi đây là một “sáng kiến ​​truyền miệng” đề nghị sử dụng Alipay và WeChat nhiều hơn để thanh toán. Quy định này không phải là bắt buộc, nhưng thông báo do Siêu thị Thâm Quyến đăng tải quy định rõ ràng là “phải đăng ký”, chính là bắt buộc.

Văn phòng Giám sát Phúc Điền cho biết quy định là không bắt buộc, nhưng ngày 17/8, khu cộng đồng Mai Đô, khu hành chính phố Mai Lâm lại cho biết, Cục Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm quận Phúc Điền đã ban hành các quy định liên quan về “đăng ký sử dụng tiền mặt” theo tinh thần của các văn bản trên.

Giới chức tuyên truyền rằng đăng ký tiền mặt là để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu như vậy thì tại sao Trung Quốc đã không làm điều này trong thời gian dịch bệnh nghiêm trọng nhất? Vấn đề này đã làm nóng dư luận, một số cư dân mạng thậm chí còn rất thẳng thắn nói rằng nó “quá đáng sợ!”. Một số người nghi ngờ, có thể dịch bệnh đã nằm ngoài tầm kiểm soát; số khác lại cho là Chính phủ Trung Quốc sử dụng dịch bệnh như một cái cớ để nâng cấp giám sát và cấm tiền mặt là để chuẩn bị cho sự thúc đẩy tiền kỹ thuật số trong tương lai. Điều này cũng tương tự việc như Chính phủ Trung Quốc đã từng lấy cớ dịch bệnh để hạn chế người dân lấy hộ chiếu và ra nước ngoài.

Chỉ một ngày trước khi siêu thị kể trên dán thông báo, ngày 14/8, Bộ Thương mại đã ban hành văn bản về tiền kỹ thuật số, mở rộng địa bàn thí điểm từ 4 thành phố lên 28 tỉnh thành. Cụ thể là, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được thí điểm tại nhiều thành phố ở khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, đồng bằng sông Trường Giang, khu vực Vịnh lớn Quảng Đông-Hồng Kông – Macao và Trung Tây bộ.

Gần đây, Thâm Quyến là một trong bốn thành phố thí điểm chính áp dụng tiền kỹ thuật số, và ba thành phố còn lại là Tô Châu, Tân khu Hùng An và Thành Đô. Vào tháng Tư năm nay, bốn thành phố này đã bắt đầu phân phối tiền lương và trợ cấp cho một số cơ quan và tổ chức chính phủ dưới dạng tiền này. Do đó, việc mở rộng chương trình thí điểm tiền kỹ thuật số của ĐCSTQ và lệnh cấm sử dụng tiền mặt của Thâm Quyến chắc chắn không phải là ngẫu nhiên, và hẳn có mối liên quan chặt chẽ.

Trên thực tế, cái gọi là tiền kỹ thuật số của ĐCSTQ cũng không phải là tiền kỹ thuật số đúng nghĩa, nó nên được gọi là “tiền điện tử” thì hơn, về cơ bản nó khác với tiền kỹ thuật số của các nền dân chủ phương Tây. Tiền kỹ thuật số của các nước dân chủ là phi tập trung và ẩn danh. Còn của ĐCSTQ thì ngược lại, là tập trung và không có ẩn danh. Điều này có nghĩa là nó sẽ xâm phạm đến lợi ích và quyền riêng tư của người dân. Hầu hết những người dân phổ thông chỉ đọc thông tin tuyên truyền mà không hiểu được tính xâm phạm nguy hiểm của loại tiền điện tử ĐCSTQ này.

Sử dụng tiền kỹ thuật số của ĐCSTQ chính là bước đệm quay trở lại thời kỳ tem phiếu, một sự chuẩn bị trước khi trở lại nền kinh tế kế hoạch.

Đăng ký tiền mặt chỉ là bước đầu tiên trong việc triển khai tiền kỹ thuật số. Bước tiếp theo là loại bỏ tiền mặt và trong vòng hai năm tiếp theo sẽ kỹ thuật số hóa toàn bộ. Vào những năm trước, Thâm Quyến “ tiên phong” trong công cuộc cải cách và mở cửa, đi đầu cả nước. Và giờ đây, Thâm Quyến lại là “tấm gương” về mô hình kinh tế lưu thông nội bộ, và đang dẫn đầu một xã hội “kinh khủng” không dùng tiền mặt.

Cách đây một thời gian, chuyên gia trong nội bộ ĐCSTQ từng giải thích, tiền kỹ thuật số pháp định của Trung Quốc sẽ không liên quan đến vàng hoặc đô la Mỹ cũng đã gây hoang mang cho thị trường.

Trên thực tế, định giá và hối đoái là hai chuyện khác nhau. Tuy nhiên, trên thị trường thường hiểu rằng tiền kỹ thuật số pháp định trong tương lai sẽ không được căn cứ theo Đô la Mỹ hoặc vàng, có thể nói đây mới là chuyện lớn!

Mắt Lạnh Tài Chính
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả)

Xem thêm: