Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Hội nghị Giải trừ quân bị tại Geneva ám chỉ rằng Trung Quốc đang khao khát làm những thứ được gọi là vũ khí hạt nhân mới lạ như ngư lôi dưới nước và tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân giống như Nga đang phát triển.

Embed from Getty Images

Đại sứ Robert Wood nói với hãng tin AP rằng Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa hoặc không có khả năng vũ khí hóa công nghệ này. Hoa Kỳ cũng không có hai hệ thống nói trên trong kho vũ khí của mình.

Siêu ngư lôi hạt nhân Poisedon là một trong những vũ khí lợi hại nhất của Nga mới được đưa vào phục vụ gần đây. Ngư lôi này có công suất lên đến hàng trăm Mt, được Popular Mechanics mệnh danh là ngư lôi “Ngày tận thế”, bởi nó có thể xóa sổ cả một lục địa, theo Business Insider.

“Đây là thứ mà họ đang muốn có,” ông Wood nói. “Nếu họ mà làm được … những loại vũ khí và hệ thống trên không này, điều đó có khả năng thay đổi sự ổn định chiến lược hiện nay một cách đáng kể.”

“Giờ đây, không còn một Trung Quốc của 10 năm trước nữa”, ông Wood nói, lưu ý đến “quỹ đạo đi lên” về số lượng và chất lượng của các hệ thống vũ khí mà Trung Quốc đã đạt được. “Họ đang theo đuổi những vũ khí tương tự như một số hệ thống mang vũ khí tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân mà người Nga đang theo đuổi.”

Nga cho biết việc phát triển loại vũ khí này là nhằm chống lại hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ trước tên lửa đạn đạo. Matxcơva bày tỏ lo ngại rằng những biện pháp phòng thủ như vậy cuối cùng có thể làm suy yếu khả năng tồn tại của các lực lượng hạt nhân tấn công chiến lược của họ, mặc dù Washington luôn khẳng định rằng hệ thống phòng thủ của họ được thiết kế để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi tên lửa của Triều Tiên, chứ không phải của Nga hay Trung Quốc.

Khi được hỏi về bình luận của ông Wood về sự quan tâm của Trung Quốc đến việc phát triển tên lửa hành trình và ngư lôi dưới nước chạy bằng năng lượng hạt nhân, ông Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết ông chưa nghe bất kỳ quan chức chính phủ Mỹ nào đưa ra khẳng định tương tự.

Nhưng “không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc sẽ do thám và bắt chước các công nghệ mà họ thấy những người khác đang phát triển”, ông Kristensen – một nhà phân tích giàu kinh nghiệm về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Nga và Mỹ, viết trong email.

Ông cũng lưu ý rằng việc phát triển công nghệ vũ khí nhưng lại để nó trên giá thay vì triển khai, đã là đặc trưng của Trung Quốc từ lâu.

Bình luận của ông Wood là một phần trong nỗ lực ngày càng tăng của Hoa Kỳ nhằm đưa Trung Quốc vào các cuộc đàm phán chiến lược. Ông chỉ trích sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh và sự thiếu hụt thông tin liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Mỹ và Nga – và Liên Xô cũ – trong nhiều thập kỷ qua.

“Cho đến khi Trung Quốc chịu hợp tác song phương với Hoa Kỳ, nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang tàn khốc sẽ còn tiếp tục gia tăng, và đó không là lợi ích của riêng một ai”, ông nói.

Tiến Minh (theo AP)

Xem thêm: