Lần thứ tư Trung Quốc ngăn trở Liên Hiệp Quốc liệt người đứng đầu tổ chức vũ trang Pakistan vào danh sách khủng bố toàn cầu, việc này đã khiến cho Ấn Độ bất mãn, các tổ chức dân sự ở Ấn Độ cũng đã phát động phong trào tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, hiện đã có nhiều cư dân mạng hưởng ứng.

Embed from Getty Images

Hình ảnh các nhà hoạt động Tây Tạng tại Ấn Độ phá hủy hàng hóa Trung Quốc để kháng nghị hồi năm 2008 (Ảnh từ Getty Images) 

Các nước như Anh, Mỹ yêu cầu Masood Azhar – người đứng đầu nhóm phiến quân Pakistan Jaish-e-Mohammed, cần phải được liệt vào danh sách đen phần tử khủng bố để tiến hành trừng phạt như đóng băng tài sản, cấm đi lại trên toàn cầu. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tiến hành thảo luận vào tối ngày 13/3, nhưng Trung Quốc đã dùng đến quyền phủ quyết để yêu cầu gác lại việc này.

Bộ Ngoại giao Ấn độ đã tỏ thái độ “thất vọng” về hành động này của Trung Quốc. Bộ này chỉ ra, phiến quân Jaish-e-Mohammed là một tổ chức khủng bố đã bị Liên Hiệp Quốc cấm. Hồi tháng trước (14/2), tổ chức này cho biết đã nhạn trách nhiệm về vụ đánh bom tự sát ở phần lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát thuộc khu vực tranh chấp Kashmir, sự việc đã khiến ít nhất 40 binh sĩ Ấn Độ tử vong.

Ấn Độ từng chỉ trích Trung Quốc liên tiếp ngăn cản việc đưa Masood Azhar vào danh sách đen khủng bố, việc này giống như đang ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Có học giả Ấn Độ cho biết, Trung Quốc không những dùng tiền và vũ khí để chi viện cho Pakistan, mà cũng có liên quan đến quân đội Pakistan ủng hộ tổ chức khủng bố, cũng có nghi ngờ việc Trung Quốc có quan hệ với tổ chức khủng bố của Pakistan.

Sau sự cản trở của Trung Quốc, Liên minh thương nhân Ấn Độ (Confederation of All India Traders) đại diện cho 70 triệu thương nhân của nước này tuyên bố rằng họ sẽ đốt hàng hóa Trung Quốc vào ngày 19/3 để ” dạy cho Trung Quốc một bài học”.

Liên minh này cũng đã triển khai một hành động tẩy chay hàng hóa Trung Quốc trên cả nước, yêu cầu các thương nhân không nên bán hoặc mua hàng hóa Trung Quốc.

Trên mạng xã hội tại Ấn Độ hiện cũng có nhiều hưởng ứng tẩy chay Trung Quốc, khẩu hiệu mà cư dân mạng sử dụng gồm có: “Tẩy chay Trung Quốc” (#BoycottChina), “Tẩy chay hàng hóa Trung Quốc” (#BoycottChineseProducts), “Trung Quốc ủng hộ phần tử khủng bố” (#Chinabacksterror). Nhiều cư dân mạng Ấn Độ kêu gọi người dân mua hàng hóa Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để thay thế hàng Trung Quốc.

Tuy nhiên, tờ Nhật báo Kinh tế của Ấn Độ đưa tin, dùng cách tẩy chay hàng hóa Trung Quốc để gây áp lực với chính quyền Trung Quốc, hiệu quả có thể không cao, bởi vì hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Ấn Độ chỉ chiếm 2% tổng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Dù cho Ấn Độ có tẩy chay tất cả hàng hóa Trung Quốc đi nữa, thì cũng không ảnh hưởng quá nhiều đối với kinh tế Trung Quốc.

Tờ báo này cho biết, mặc dù trong thời gian ngắn không thể nào tạo thành sự xung kích đối với chính quyền Trung Quốc, nhưng về lâu dài, khi Trung Quốc tìm kiếm thị trường tại châu Âu và châu Phi, thì điều này có thể ảnh hưởng đến “danh tiếng” của họ.

Huệ Anh

Xem thêm: