Chiến lược “không khoan nhượng” với COVID-19 đã được nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc áp dụng một cách cực đoan, gây ra sự mệt mỏi và bất an cho người dân, cũng như làm lãng phí nguồn lực, các chuyên gia cho biết.

Embed from Getty Images

Kristen Ng, một nhạc sĩ và nhà quảng cáo, đã đi xem bộ phim James Bond mới nhất tại rạp chiếu phim hai tuần trước với bạn mình tại Thành Đô, thành phố phía tây nam Trung Quốc.

Ba ngày sau, họ bị đưa đi cách ly 14 ngày do có một ca nhiễm COVID-19 được phát hiện tại buổi chiếu hôm đó. Những người xem phim khác và nhân viên rạp chiếu phim cũng phải đi cách ly.

Việc cách ly tiếp tục mở rộng đến những người tiếp xúc với Ng và bạn đi xem phim cùng cô, vốn là một giáo viên. Tức là, có 30 giáo viên khác và 90 em học sinh, mỗi em lại đi cùng với cha hoặc mẹ của mình, phải cách ly.

Những người như Ng, bạn bè và gia đình của cô đã phải sống theo chính sách “không khoan nhượng” với COVID-19 của chính quyền Trung Quốc trong gần 2 năm nay. 

Tuy vậy, lần này dường như họ đã “chịu không nổi” với các biện pháp truy vết và cách ly hà khắc của chính phủ. Trung Quốc đang chứng kiến đợt dịch mới kể từ tháng 10, với hơn 1.100 ca nhiễm ở 20 tỉnh trên khắp đất nước.

“Tôi sắp phát điên lên vào lúc này. Mọi người đang cảm nhận được các hiệu ứng rộng rãi hơn nhiều trong lần [bùng dịch] này. Phải làm xét nghiệm COVID-19 rất nhiều lần,” Ng cho biết.

Ng phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 hầu như mỗi ngày kể từ khi bắt đầu cách ly, được ngoáy mũi và cổ họng, và cho đến nay kết quả đều âm tính.

Tất cả mọi người trong khu dân cư của cô ở quận Tongzilin đã bị buộc phải đi lấy mẫu xét nghiệm khẩn cấp vào 6 giờ sáng ngày 5/11. Người dân đã phải xếp hàng trong giá lạnh, nhiều người trong số họ vẫn mặc đồ ngủ, theo một người hàng xóm của Ng.

Xét nghiệm hàng loạt đã được tổ chức cho các khu vực khác nhau ở Tongzilin vì một trường hợp nhiễm có thể đã từng đi qua đây.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết chính sách “không khoan nhượng” với COVID là một chiến lược dựa trên cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện của đất nước.

Để quyết định xem ai cần phải làm thêm các xét nghiệm COVID-19 và có thể phải đi cách ly, thành phố Thành Đô đã giới thiệu một hệ thống được gọi là “trùng lặp thời gian – không gian”. Hệ thống này sẽ nhận diện những người ở trong phạm vi 800 mét vuông của một trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 trong ít nhất 10 phút hoặc khi một người đã ở trong khu vực có nguy cơ cao hơn 30 giờ trong 14 ngày qua.

Vị trí của một người được theo dõi thông qua tín hiệu điện thoại di động của họ, theo chính quyền địa phương. Khi bị khoanh vùng, mã sức khỏe của họ – được sử dụng để theo dõi liên lạc và ghi lại hồ sơ y tế – sẽ chuyển sang màu vàng. Họ có thể sẽ được cảnh sát Thành Đô thông báo để thực hiện hai bài xét nghiệm COVID-19 trước khi có thể đi ra ngoài.

Theo dữ liệu của chính quyền tỉnh Tứ Xuyên và ủy ban y tế, hơn 82.000 người đã được khoanh vùng chỉ vì 5 ca nhiễm trong vòng chưa đầy một tuần, sau khi đợt bùng phát cộng đồng ở Thành Đô bắt đầu vào ngày 2/11.

Ba chuyên gia từ Đại học Y tế Công cộng Tây Trung Quốc cũng đặt câu hỏi về cơ sở khoa học của ứng dụng “trùng lặp thời không”. Họ đã viết một bức thư ngỏ đề nghị có các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư và nỗ lực giảm thiểu sự gián đoạn đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

Các giáo sư sức khỏe cộng đồng Li Jiayuan và Wang Chuan, cũng như bác sĩ Chen Fujun, cho biết “trùng lặp thời – không” trong phạm vi 800 mét vuông không phù hợp với bất kỳ định nghĩa nào về tiếp xúc gần, tiếp xúc gần thứ cấp hoặc tiếp xúc bình thường.

“Dữ liệu lớn (Big Data) có thể giúp đánh giá rủi ro bùng phát, giúp đặt ra các biện pháp ngăn chặn và hỗ trợ điều phối các nguồn lực, nhưng việc lạm dụng dữ liệu lớn là vi phạm nguyên tắc của các biện pháp ngăn chặn chính xác,” họ nói trong thư.

Các tác giả nói thêm rằng nếu thực hiện theo cách này, số lượng người phải xét nghiệm COVID-19 sẽ tăng lên đáng kể, các nguồn lực y tế và sức khỏe cộng đồng đang bị lãng phí, hơn nữa còn làm người dân hoảng sợ và cuộc sống hàng ngày của họ bị xáo trộn.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: