Cơn sóng thần dịch bệnh COVID-19 quét qua Trung Quốc, không chỉ khiến các nhà tang lễ tại các thành phố cấp 1 như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu chật kín người, mà ngay cả các thành phố cấp 2 và cấp 3 như Nam Xương ở Giang Tây, An Sơn ở Liêu Ninh, và Trừ Châu ở An Huy cũng đều quá tải.

id13894494 1229 4 600x400 1
Bãi đậu xe của nhà tang lễ An Sơn, Liêu Ninh bị biến thành nhà xác (ảnh bên trái). Lúc 2:00 sáng, 80 xe xếp hàng dài tại nhà tang lễ huyện Nam Xương (ảnh bên phải). (Ảnh chụp màn hình video)

Hơn 80 xe xếp hàng lúc 2:00 sáng tại nhà tang lễ Nam Xương

Để thi thể người thân được hỏa táng sớm nhất, người dân phải xếp hàng bên ngoài nhà tang lễ từ lúc nửa đêm. Một video cho thấy vào lúc 2:00 sáng ngày 27/12, đã có hơn 80 xe xếp hàng dài chờ bên ngoài nhà tang lễ ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây.

Ngày 29/12, phóng viên Epoch Times gọi điện đến một nhà tang lễ ở thành phố Nam Xương, nhân viên công tác nói: “Khi có người qua đời, phải đặt lịch hẹn trước và chỉ được hỏa táng sau khi đã xếp hàng.”

Chưa đầy một buổi sáng, bên ngoài nhà tang lễ đã có một hàng dài người xếp hàng.

Nhân viên nhà tang lễ nói: “Chắc chắn có rất nhiều người, đã có hơn 100 người (xếp hàng), một ngày (chỉ) thiêu được 60 thi thể.”

Nam Xương là thủ phủ của tỉnh Giang Tây, dân số thường trú hơn 6 triệu người, thuộc thành phố cấp 2.

Tầng hầm của nhà tang lễ An Sơn trở thành nhà xác

Một video cho thấy tầng hầm của một nhà tang lễ ở An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, đã trở thành nhà xác, chứa đầy những thi thể không kịp hỏa táng.

Ngày 28/12, phóng viên Epoch Times đã gọi điện đến Nhà tang lễ Đại Dũng ở An Sơn, hỏi có cần xếp hàng không, nhân viên nhà tang lễ cho biết: “Bây giờ toàn bộ An Sơn đều như vậy. Vì có quá nhiều người mất ở An Sơn, mỗi ngày có hơn 200 người, làm không xuể nên phải xếp hàng.”

Nhà tang lễ hỏa táng không xuể, người dân phải tìm đến dịch vụ “một cửa” của ngành tang lễ. Một nhà cung cấp dịch vụ tang lễ “một cửa” ở An Sơn cho biết: “Dịch vụ một cửa của chúng tôi, gồm cả nhà tang lễ, tốn hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.450 USD).” “Bây giờ chắc chắn phải xếp hàng, sau khi đưa đến nhà tang lễ có thể mất 2 ngày mới được hỏa táng.”

Thành phố cấp 3 Trừ Châu phải đợi ít nhất 3 ngày mới được hỏa táng

Ngày 29/12, phóng viên Epoch Times đã gọi điện đến nhà tang lễ Trừ Châu, tỉnh An Huy. Nhân viên công tác cho biết những người không hẹn trước sẽ không được hỏa táng, phải đặt lịch hẹn trên tài khoản công khai WeChat của nhà tang lễ Trừ Châu.

Theo gợi ý, phóng viên vào tài khoản chính thức của nhà tang lễ thì thấy từ nay đến 31/12 đã kín lịch.

Phóng viên hỏi có thể hỏa táng trong 3 ngày không? Nhân viên công tác nói: “Tôi không thể đảm bảo điều này, tôi không thể đảm bảo được gì. Tất cả các nhà tang lễ chúng tôi có bây giờ, không chỉ tại thành phố Trừ Châu của chúng ta, tất cả các nhà tang lễ đều bận rộn.”

Về hiện tượng thi thể để ở nhà trong nhiều ngày, nhân viên của nhà tang lễ cho biết họ cũng không thể làm gì được.

Thành phố Trừ Châu là thành phố cấp quận trực thuộc tỉnh An Huy, dân số thường trú khoảng 4 triệu người, thuộc thành phố cấp 3. Mới đây, Văn phòng phòng chống dịch bệnh tỉnh An Huy đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng theo dữ liệu xét nghiệm, đợt dịch đầu tiên của tỉnh An Huy dự kiến ​​sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 12/2022, hoặc đầu tháng 1/2023.

Nhà tang lễ tại Quảng Châu phải xếp hàng lấy số theo giấy chứng tử

Các nhà tang lễ ở Quảng Châu đã kín chỗ, việc hỏa táng đòi hỏi phải xếp hàng lấy số theo giấy chứng tử. Có video cho thấy một hàng dài người xếp hàng dài chờ lấy số tại đây.

Ngày 28/12, phóng viên đã gọi điện đến Nhà tang lễ Hằng Hồng, Quảng Châu, hỏi hiện có bao nhiêu thi thể đang chờ hỏa táng. Nhân viên nhà tang lễ nói: “Hôm nay có khoảng 400 -500 người”, và rằng “hiện tại không làm lễ truy điệu, đều hỏa táng trực tiếp.”

Về việc nhà tang lễ có đủ tủ đông để cất thi thể hay không, nhân viên này cho biết: “Cái này tôi không dám nói, khó nói lắm”.

Ngày 28/12, cô Lâm, người đang tham gia vào “dịch vụ tang lễ một cửa” ở Quảng Châu, cho biết: “Bây chủ yếu là việc nhận và vận chuyển thi thể trở nên rắc rối hơn. Vì vậy sau khi toàn bộ quá trình hoàn tất, chỉ còn lại một chiếc bình, giá 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1,450USD).”

Vài ngày trước, Cục Dân Chính tỉnh Quảng Châu đã đưa ra thông báo hoãn tang lễ cho đến ngày 10/1/2023. Cô Lâm nói: “Nếu muốn tổ chức lễ truy điệu, nếu nói là dương tính (nhiễm COVID) thì không được. Nếu nói là âm tính thì phải đợi đến sau 10/1, khi chính phủ mở cửa, rồi quay lại lấy số lần nữa, hẹn lịch tổ chức lễ truy điệu.”

Khi số người chết tiếp tục tăng lên, cô Lâm cho biết chính phủ cũng có thể hoãn việc tổ chức lễ truy điệu: “Sau ngày 10/1, nếu quy mô lớn như hiện nay, và có quá nhiều người già qua đời thế này, có thể lễ truy điệu sẽ bị trì hoãn.”

“Bất cứ lúc nào cũng có thể bị chính phủ thay đổi. Số mà chúng tôi phải vất vả xếp hàng mới lấy được trước đó đều sẽ vô hiệu.”

Nhà tang lễ nhiều nơi quá tải, khiến một số người dân phải tự thiêu thi thể người thân ngay tại khu dân cư. Có ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện của cư dân mạng ở Thượng Hải lan truyền trên Weibo, kể về người sống ở số 40, ngõ 40, phòng 501 có cha bị COVID qua đời tối ngày 26/12.

Anh này đã liên hệ nhiều dịch vụ tang lễ nhưng bất lực vì các nơi đều quá tải, nên quyết định sẽ tự đốt xác cha mình trong bãi đất trống của khu dân cư. Tính đến ngày 29/12, vẫn chưa có quan chức nào lên tiếng phủ nhận tin tức liên quan.

p3266151a125663549
Cảnh người dân Thượng Hải quyết định tự hỏa táng thi thể người thân. (Nguồn: MXH)

Tuy nhiên, theo Reuters đưa tin 30/12, kênh chính thức của Trung Quốc báo cáo con số tử vong vì viêm phổi Vũ Hán (COVID) là 5.247 trong toàn bộ 3 năm đại dịch, hầu như không tăng lên bao nhiêu trong thời gian qua, bất chấp hàng loạt các báo cáo về tình hình đại dịch đã trở lại như một “cơn sóng thần” quét ngang Trung Quốc.