Nhiều thành phố tại Trung Quốc đang đổ xô lắp đặt hệ thống “bộ não thông minh” tích hợp AI để quản trị và chống tham nhũng, nhưng các nguy cơ về mất an toàn thông tin cũng như kiểm soát dân chúng cũng được đặt ra…

Embed from Getty Images

Tại trụ sở Hạt Linshu miền đông Trung Quốc, một màn hình khổng lồ choán hết bức tường cung cấp thông tin cả ngày lẫn đêm về 600.000 cư dân của Hạt. 

Từ nơi đó, quan chức hành chính địa phương có thể truy cập vào bất cứ máy quay nào trong số 10.838 máy giám sát được lắp đặt trong Hạt, bất cứ chi tiết nào được đưa vào cơ sở dữ liệu chính phủ, và bất cứ khiếu nại nào của cư dân.

Nó được gọi là “bộ não của thành phố,” một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang được sử dụng khắp Trung Quốc, vốn trước đây chỉ những siêu đô thị mới được lắp đặt. Nó được dùng cho mọi thứ, từ truy tìm quan hệ tiếp xúc trong đại dịch tới giám sát các nhóm dân chúng hay kiểm tra mức độ ô nhiễm của sông ngòi.

Quận Haidian ở Bắc Kinh đã lắp đặt một hệ thống tương tự hồi tháng Hai, có thể ước tính bao nhiêu căn hộ không có người ở bằng cách xem mức tiêu thụ điện năng. 

Heshui, một Hạt nhỏ với 150.000 dân tại tỉnh tây bắc Cam Túc, vừa ký hợp đồng với Công ty Công nghệ Viễn thông Huawei để lắp đặt hệ thống trên. Tại tỉnh Sơn Đông, Hạt Linshu đã bắt đầu sử dụng hệ thống mới vào tháng trước.

“Ngày nay gần như mỗi chủ tịch thành phố và quan chức Hạt đều muốn có một ‘bộ não’ hoặc thứ gì đó như thế,” một nhà nghiên cứu giấu tên tại Bắc Kinh chuyên theo dõi việc sử dụng công nghệ AI của chính phủ Trung Quốc  cho biết.

Bị thúc đẩy bởi nhu cầu kiểm soát COVID-19, nhu cầu chi tiêu ngân sách cho cơ sở hạ tầng mới để thúc đẩy kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, chính quyền hầu hết các cấp đều chào đón AI, và nó đang thay đổi cách họ thực hiện chức năng quản trị.

“Bộ não” được cho rằng sẽ mang lại nhiều lợi ích, như giúp các quan chức xác định các vấn đề hành chính dễ dàng hơn, xử lý khiếu nại nhanh hơn và kiểm soát  tham nhũng cũng như các hành vi gây ảnh hưởng hiệu quả hơn. 

Tuy vậy, công nghệ này không được tất cả các quan chức chào đón. Một số quan chức cấp quận và thành phố chống đối lại bước tiến triển này, chủ yếu do cách thức nó “tiết lộ” các phi vụ tham nhũng. Ví dụ, nếu một cán bộ hay người thân của anh ta tham gia đấu thầu một dự án chính phủ, một cảnh báo sẽ bật lên. Các tính năng chống tham nhũng là một phần của nhiều “bộ não thành phố” được lắp đặt trong những năm gần đây.

 

Các chuyên gia và công chúng cũng nêu lên những quan ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu khi triển khai AI, cũng như tiềm năng của “bộ máy quan liêu số” – hoặc việc trí tuệ nhân tạo kiểm soát mọi thứ.

Ý tưởng sử dụng máy tính để điều hành thành phố không phải là điều mới mẻ. Tại Mỹ, người ta đã thảo luận về “thành phố thông minh” từ những năm 1980. Khái niệm này liên quan đến thu thập dữ liệu bằng cách sử dụng một mạng lưới các máy cảm biến được gọi là Internet Vạn vật. Máy tính sẽ phân tích dữ liệu để cho ra các quyết định như liệu có nên xây một con đường mới hay không.

Dự án “bộ não thành phố” của Trung Quốc đã cải tiến để vượt lên những điều này. Dự án đầu tiên được phát triển ở Hàng Châu, tỉnh Triết Giang năm 2016 bởi chi nhánh của gã khổng lồ công nghệ Alibaba. Ban đầu, nó được sử dụng để điều khiển đèn giao thông trong thành phố, nâng tốc độ giao thông trung bình lên khoảng 15%. Công ty tiếp tục phát triển công nghệ và hiện nay đã có một “bản sao” của thành phố có thể được sử dụng để mô phỏng theo trên diện rộng nhằm huấn luyện hệ thống cách xử lý như đối với một cuộc tấn công khủng bố, hay để dự đoán Hàng Châu sẽ phát triển như thế nào trong những thập kỷ tới.

Nhưng công nghệ này không hề rẻ. Ví dụ, “bộ não thành phố” ở Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh đảo Hải Nam, trị giá hơn 1 tỷ nhân dân tệ (156,3 triệu đôla). Hệ thống thường gồm hai phần – một phần để lưu trữ và xử lý dữ liệu; và phần kia là AI được cấp nguồn bởi các máy tính hiệu năng cao. Chi phí phụ thuộc vào quy mô và độ phức tạp của hệ thống, nhưng trong hầu hết các trường hợp nó rơi vào khoảng vài trăm triệu nhân dân tệ, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông và các trang web chính phủ.

Suo Liming, giáo sư trường Chính thể Chu Ân Lai tại Đại học Nankai ở Thiên Tân, đã chất vấn liệu chúng có thực cần thiết không, đặc biệt ở những địa điểm nhỏ hơn.

Suo viết trong một bài báo trên tạp chí hàng tuần National Governance tháng trước, “Tổng kinh phí có thể gây sửng sốt, và nếu các chi phí đầu tư cố định này dành cho một phạm vi nhỏ thì không kinh tế. Cơn bốc đồng vội vã của các chính quyền địa phương, nếu không được kiểm tra, có thể dẫn tới việc xây dựng nhiều công trình, làm lãng phí nguồn lực… và nhiều vụ vỡ nợ khác.” 

Theo Liu Jie, giáo sư về quản lý thông tin Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, việc dựa vào AI có thể gây ra những vấn đề xã hội khác. 

“Trên thực tế, một vài khu vực đòi hỏi tất cả các loại dữ liệu thời gian thật của công dân và doanh nghiệp để nắm tình hình chung và đưa ra các quyết định đúng lúc,” Liu cho biết trong một bài báo cho tạp chí National Governance hàng tuần hồi tháng trước. “Vì hệ thống dần phát triển sâu rộng hơn, có khả năng người dân sẽ phải sống một cuộc sống bị lập kế hoạch và làm việc không có tính sáng tạo, trong khi chính phủ trở thành một thực thể kỹ trị.”

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: