Ông Cung Kiến Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, đã chủ động ra đầu thú vào cuối tháng 11 năm nay. Số liệu thống kê cho thấy sau Đại hội 18, ngày càng nhiều quan chức tham nhũng tự thú. Kể từ sau Đại hội 19, con số này đã lên tới 42.000 người.

shutterstock 531949564
(Ảnh: Romas_Photo/ Shutterstock)

Tân Hoa Xã đưa tin hôm 29/11, ông Cung Kiến Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân tỉnh Giang Tây, liên quan đến nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng, đã chủ động ra đầu thú, hiện đang tiếp nhận điều tra.

Trả lời các phóng viên trong cuộc họp báo về Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ, ông Tiếu Bồi (Xiao Pei), Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Phó Giám đốc Ủy ban Giám sát Nhà nước, đã chỉ ra rằng kể từ sau Đại hội 18, các cơ quan thanh tra, giám sát kỷ luật cả nước đã lập hồ sơ 3.805.000 vụ và điều tra, xử lý 4.089.000 người, trong đó cán bộ cấp tỉnh, bộ trở lên là 392 người. Kể từ sau Đại hội 19, có 42.000 người đã chủ động đầu thú trước cơ quan thanh tra, giám sát.

Theo thống kê của truyền thông Đại Lục, kể từ sau Đại hội 19, đã có 10 “lão hổ” – cấp phó tỉnh, bộ trở lên tự nguyện đầu thú về tham nhũng. Ngoài ông Cung Kiến Hoa, 9 người còn lại là:

Ông Tiết Hằng (Xue Heng), cựu Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị tỉnh Liêu Ninh, tự nguyện đầu thú vào ngày 23/8/2021;

Ông Lưu Xuyên Sinh (Liu Chuansheng), cựu Bí thư Đảng ủy Đại học Sư phạm Bắc Kinh, tự thú ngày 8/7/2021;

Ông Mông Vĩnh Sơn (Meng Yongshan), Công tố viên trưởng, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hải, tự thú ngày 2/6/2021.

Ông Vương Lập Khoa (Wang Like), Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Giang Tô, đầu thú ngày 24/10/2020.

Ông Văn Quốc Đống (Wen Guodong), Phó tỉnh trưởng tỉnh Thanh Hải, đầu thú ngày 6/9/2020.

Ông Lưu Sĩ Dư (Liu Shiyu), Giám đốc Liên đoàn Hợp tác Cung ứng và Tiếp thị Toàn Trung Quốc, đầu thú ngày 19/5/2019;

Ông Tần Quang Vinh (Qin Guangrong), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, đầu thú ngày 9/5/2019;

Ông Vương Thiết (Wang Tie), Phó Viện trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Hà Nam, đầu thú ngày 17/8/2018;

Ông Ngải Văn Lễ (Ai Wenli), cựu Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị tỉnh Hà Bắc, đầu thú ngày 31/7/2018.

Trước Đại hội 19, rất ít quan chức, đặc biệt là các quan chức cấp tỉnh, tự thú. Vậy tại sao trong 4 năm kể từ Đại hội 19, lại có đến ít nhất 10 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ đã chủ động đầu thú? Phân tích chỉ ra rằng chiến dịch chống tham nhũng liên tục do chính quyền ông Tập thực hiện đã gây áp lực tâm lý cho nhiều quan chức.

Theo tờ Vision Times, vào tháng Bảy năm nay, trong bộ phim chuyên đề giáo dục cảnh báo “Lựa chọn sai lầm” do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng, ông Lê Gia Tùng (Li Jiasong), cựu Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch Chánh hiệp của dân tộc Choang và Miêu Văn Sơn ở tỉnh Vân Nam, khi đối mặt với ống kính máy quay đã nói rằng lý do đầu thú chính là: sợ hãi.

“Tôi lo sợ sự việc sẽ bị bại lộ, thường xuyên không thể chợp mắt, ăn ngủ không yên, nửa đêm hay mơ thấy bị cơ quan kiểm tra, giám sát kỷ luật bắt đi mà sợ toát mồ hôi hột,” ông Lê Gia Tùng nói.

Một số phân tích cho rằng áp lực chống tham nhũng cao do các quan chức cấp cao nhất của ĐCSTQ trực tiếp thúc đẩy, gây áp lực tâm lý lớn lên các quan chức tham nhũng.

Hơn nữa, cơ chế điều tra ngược về nhiều năm trước, được các quan chức cấp cao của ĐCSTQ thực hiện trong 2 năm qua, đã khiến các quan tham có “án” cũ không thể che giấu. Ví dụ, vào năm 2020, Khu tự trị Nội Mông bắt đầu hoạt động đặc biệt “điều tra lại 20 năm” về tham nhũng liên quan đến việc đầu tư vào các mỏ than.

Giới quan chức Nội Mông bị điều tra chính thức bao gồm các quan chức đảng và chính phủ hoặc giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư bất hợp pháp vào các mỏ than dưới danh nghĩa công khai hoặc bí mật từ năm 2000. Manh mối liên quan đến các vấn đề này gồm thông đồng giữa quan chức và doanh nhân, đòi và nhận hối lộ, làm “ô dù bảo vệ” cho các chủ mỏ khai thác trái phép.

Vào tháng Sáu năm nay, Ủy ban Chính trị Pháp luật của ĐCSTQ đã ban hành một tài liệu nói về “điều tra lại 30 năm” trong hệ thống chính trị và pháp luật, trong đó bao gồm các quan chức thời kỳ 10 năm Giang Trạch Dân cầm quyền. Từ đầu năm nay, chính quyền ĐCSTQ đã nhiều lần nhắc đến việc “thanh trừng sạch tàn dư của Chu Vĩnh Khang”.

Nhiều quan chức của hệ thống chính trị và pháp luật đã chủ động ra đầu thú, bao gồm: Cựu công tố viên trưởng Mông Vĩnh Sơn của Viện kiểm sát tỉnh Thanh Hải; cựu Công tố viên trưởng Cao Vĩ Lợi (Gao Weili) của Viện Kiểm sát thành phố Gia Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang; Công tố viên trưởng Dương Ngọc Tuấn (Yang Yujun) của Viện Kiểm sát Quận mới Phố Đông Thượng Hải; ông Hoàng Thiên Sinh (Huang Tiansheng), Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Vân Phủ, tỉnh Quảng Đông; ông Huệ Tòng Băng (Hui Congbing), Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh ủy Sơn Đông; và nhiều người khác nữa. 

Cơ chế điều tra ngược đã bóp chết “tâm lý may mắn” tồn tại trong giới quan chức tham nhũng trước đây. Đó có lẽ là những yếu tố quan trọng nhất khiến các quan chức bị nghi ngờ tham nhũng phải đầu thú trong những năm gần đây.

Ông Viên Hồng Băng, một luật gia ở Úc, nói với báo Epoch Times: “Vì sao họ phải kiếm nhiều tiền như vậy? Mỗi một gia tộc đều đã nắm giữ nguồn tài nguyên kinh tế khổng lồ? Họ làm thế là vì sau khi ông Tập Cận Bình rớt đài trong tương lai, trong quá trình hỗn loạn thì sẽ biến những nguồn tài nguyên kinh tế này trở thành tài nguyên chính trị của gia tộc họ.”

Tuy nhiên ông Viên nói, họ đang nằm mơ giữa ban ngày, “Tôi cho rằng người Trung Quốc chắc chắn sẽ thanh toán họ, thanh toán ĐCSTQ.”

Mộc Lan (t/h)

Xem thêm: