Văn phòng Thượng Hải của Bain & Company, một công ty tư vấn quản lý nổi tiếng của Mỹ, gần đây đã bị cảnh sát Trung Quốc đột kích. Trong khi đó, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc vừa sửa đổi “Luật chống gián điệp”, mở rộng phạm vi áp dụng và quyền hạn thực thi. Điều này có ý nghĩa gì đối với các công ty Mỹ và nước ngoài khác đang hoạt động tại Trung Quốc? Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến gần hơn đến việc tách rời?

20230428064257414
Công ty Bain & Company. (Ảnh trang web chính thức của Bain & Company)

Theo Thời báo Tài chính (Financial Times) tại Anh đưa tin vào ngày 26/4, trích dẫn các nguồn thông tin cho biết, hai tuần trước, cảnh sát Thượng Hải đã đột kích vào văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn nổi tiếng Bain & Company của Mỹ, và tiến hành thẩm vấn các nhân viên của công ty. Cảnh sát cũng thu giữ máy tính và điện thoại di động, nhưng không bắt giữ ai.

Bain & Company bị đột kích, Bộ Ngoại giao Mỹ: Chú ý chặt chẽ

Một phát ngôn viên của Bain & Company đã xác nhận với Reuters hôm thứ Tư (ngày 26/4) rằng cảnh sát đã đến văn phòng của công ty ở Thượng Hải và tra hỏi nhân viên ở đó, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết. Người này còn nói, “Chúng tôi đang hợp tác một cách thích hợp với chính quyền Trung Quốc”, nói thêm rằng ông không có bình luận gì thêm vào thời điểm này.

Không rõ tại sao cảnh sát lại đến Bain & Company và liệu cuộc khám xét có liên quan trực tiếp đến công ty tư vấn hay khách hàng của họ hay không. 

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do (RFA) với một ghi chú cơ bản: “Chúng tôi chú ý đến các báo cáo rằng văn phòng của Bain & Company bị đột kích. Chúng tôi đang theo dõi vấn đề này chặt chẽ. Chúng tôi không thể bình luận vào lúc này.”

Trước đó, hồi tháng Ba, chính quyền Trung Quốc đã đột kích vào văn phòng ở Bắc Kinh của Tập đoàn Mintz (Mintz Group), một công ty nghiên cứu doanh nghiệp của Mỹ và bắt giữ 5 nhân viên Trung Quốc. Tập đoàn này sau đó cho biết trong một tuyên bố rằng chính quyền đã đóng cửa hoạt động của họ ở Bắc Kinh và công ty không thể liên lạc với các nhân viên.

Chuyên gia: Lo lắng sẽ có thêm nhiều công ty nước ngoài bị quấy rối trong tương lai

Ông Riley Walter, một chuyên gia về các vấn đề kinh tế và công nghệ toàn cầu tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn ở Washington, đã viết cho RFA: “Tôi lo lắng rằng trong vài năm tới, các công ty nước ngoài, bao gồm cả Bắc Mỹ, Châu Á và Châu Âu, sẽ bị ảnh hưởng các quan chức Trung Quốc quấy rối nhiều hơn nữa.”

Tuy nhiên, ông Walter nghi ngờ cuộc đột kích vào văn phòng Thượng Hải của Bain & Company sẽ có hiệu quả trong việc dọa các nhà đầu tư nước ngoài. Ông nói: “Chúng tôi không có nhiều thông tin về những gì đang xảy ra với  Bain & Company, chính quyền có khả năng sẽ duy trì trạng thái giữ bí mật này. Theo cách này, các nhà đầu tư nước ngoài có thể coi  Bain & Company là sự kiện chỉ xảy ra một lần, nhưng thực tế hầu hết tất cả các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng có nhiều khả năng trở thành mục tiêu của Bắc Kinh.”

“Đạo luật chống gián điệp” khiến công ty nước ngoài lo ngại; Nghị sĩ Mỹ: Trung Quốc không có công ty tư nhân

Cùng lúc vụ việc Bain & Company được tiết lộ, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc đã thông qua phiên bản sửa đổi của “Luật Chống gián điệp” vào thứ Tư (26/4) và sẽ được thực thi vào ngày 1/7. Tân Hoa Xã, kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin, “Luật chống gián điệp” mới sửa đổi định nghĩa rõ ràng hoạt động gián điệp là những hành vi như “nương tựa vào các tổ chức gián điệp và người đại diện của họ”, “thực hiện các hành vi tấn công mạng nhằm vào các cơ quan nhà nước, các đơn vị liên quan đến bí mật, hoặc cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng”.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, Trung Quốc đã tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với một loạt các hoạt động dữ liệu và kỹ thuật số bằng cách sửa đổi “Luật chống gián điệp”. Điều đó sẽ mở rộng quyền lực của chính quyền, giúp chính quyền đối phó với các mối đe dọa bên ngoài, nhưng đồng thời cũng làm tăng rủi ro cho các công ty ở Trung Quốc.

Theo báo cáo, giám đốc điều hành của các công ty nước ngoài cho rằng phạm vi áp dụng của “Luật chống gián điệp” và việc mở rộng quyền hạn thực thi có thể dẫn đến giao tiếp và tương tác hàng ngày biến thành các hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Nhiều công ty nước ngoài tin rằng môi trường xấu đi mà họ phải đối mặt ở Trung Quốc có nguy cơ làm suy yếu những nỗ lực của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ nhằm đảm bảo nguồn vốn nước ngoài để khôi phục tăng trưởng kinh tế.

Bản tin của WSJ nhấn mạnh rằng một trong những mối quan tâm của các quản lý cấp cao của các công ty nước ngoài, là luật chống gián điệp sửa đổi sẽ cho phép các cơ quan chức năng kiểm của ĐCSTQ tra các cơ sở và thiết bị điện tử của công ty, cơ quan, cũng như các thiết bị kỹ thuật số của các cá nhân bị nghi ngờ là gián điệp, chẳng hạn như điện thoại thông minh và máy tính xách tay. Họ cũng lo lắng rằng các hoạt động kinh doanh thông thường, chẳng hạn như thu thập thông tin tình báo về thị trường địa phương, đối thủ cạnh tranh và đối tác kinh doanh, có thể bị coi là “gián điệp” khi định nghĩa về hoạt động gián điệp được mở rộng.

Dân biểu Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ – Trung của Hạ viện Mỹ, đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 27/4 để đáp trả việc Trung Quốc mở rộng phạm vi và thẩm quyền của “Luật chống gián điệp”, cũng như cuộc đột kích vào văn phòng của Bain & Company và Mintz Group. Ông cho biết: “Luật chống gián điệp cập nhật mới của ĐCSTQ đã gửi một tín hiệu to và rõ ràng tới thế giới: Không có thứ gọi là công ty tư nhân ở Trung Quốc. Nhà nước bảo lưu quyền tịch thu bất kỳ tài sản nào, đánh cắp bất kỳ tài sản trí tuệ nào và thu thập bất kỳ dữ liệu nào theo ý muốn.” Ông còn nói ĐCSTQ đang chế nhạo các chuẩn mực kinh doanh quốc tế. Thật xấu hổ cho nước Mỹ nếu không nghe thấy sự chế nhạo này.

Mỹ và Trung trở thành “quan hệ địch-ta”?

Liên quan đến việc Bain & Company bị đột kích và việc Trung Quốc sửa đổi “Luật chống gián điệp”, ông Hạ Nghiệp Lương (Xia Yeliang), một nhà kinh tế học ở Mỹ, cho rằng quan hệ Trung – Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 50 năm. Những hành động này đều phản ánh quan hệ song phương ngày càng căng thẳng: “Từ quan hệ ngoại giao căng thẳng đến đối đầu quân sự và chiến lược đã hình thành một kiểu quan hệ địch – ta”.

Ông Hạ Nghiệp Lương cũng chỉ ra rằng nhiều quốc gia làm ăn ở Trung Quốc, tại sao người Mỹ luôn là người đầu tiên bị buộc tội làm gián điệp? Trung Quốc áp dụng ngoại giao chiến lang, sử dụng các thuyết âm mưu để bôi nhọ Mỹ và các nước phương Tây khác. Ông cũng khuyên các công ty nước ngoài nên nhạy cảm với mối đe dọa này và rút vốn nếu cần thiết.

Luật sư Trần Sấm Sáng (Chen Chuangchuang) ở New York nói với RFA, cho dù đó là việc sửa đổi “Luật chống gián điệp” hay việc khám xét một số công ty Mỹ như Bain & Company, mặc dù nó sẽ làm tăng mối lo ngại của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, nhưng nó sẽ không thay đổi quyết tâm của những doanh nghiệp kiên định muốn ở lại thị trường Trung Quốc và tiếp tục kiếm tiền. Bởi vì họ đã đưa ra quyết định trước khi vào thị trường Trung Quốc.

“Thị trường Trung Quốc không dễ vào. Nếu bạn vào và ở lại đó, điều đó có nghĩa là công ty của bạn không có những giá trị quan đó, không quan tâm đến nhân quyền và sự công bằng.” Ông Trần cho rằng những công ty nước ngoài này sẽ chỉ xem xét cẩn thận hơn trong tương lai, để không chọc tức ĐCSTQ nữa.

Đối với cách nói quản lý cấp cao của doanh nghiệp nước ngoài lo lắng “Luật chống gián điệp” sẽ cho phép các bộ phận liên quan kiểm tra các cơ sở và thiết bị điện tử của tổ chức, ông Trần Sấm Sáng nói rằng điều này rất hoang đường: “Trước đây ĐCSTQ không có luật kiểm tra thông tin và thiết bị điện tử của bạn sao? Đã có từ lâu rồi! Các doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy không còn hưởng đãi ngộ như vượt quá người dân trong nước như trước đây, (thực tế) ĐCSTQ đã từng muốn làm vẻ mặt tốt hơn một chút cho Mỹ xem, nên trước đây không dám động đến họ (các doanh nghiệp nước ngoài) mà thôi.”

Tập Cận Bình muốn tiếp xúc đối ngoại “lấy chính mình làm chủ”

Nói về việc nền kinh tế Mỹ – Trung tách rời, ông Trần Sấm Sáng nói rằng các công ty Mỹ này hoàn toàn không muốn tách rời, Chính phủ Mỹ cũng không có ý tưởng này, nhưng ĐCSTQ có thể muốn đuổi một số công ty nước ngoài đi, do đó có một số doanh nghiệp họ đánh và một số doanh nghiệp lại lôi kéo. Việc Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước ngừng sử dụng các công ty kế toán Big Four là một ví dụ điển hình.

“Điều đó phụ thuộc vào tư thế quỳ gối của doanh nghiệp có đẹp hay không và liệu họ có khả năng mang lại lợi ích cho ĐCSTQ hay không. Nếu không thì hãy rời đi. Bởi vì luôn có những người muốn kiếm tiền từ Trung Quốc,” ông Trần Sấm Sáng nói.

Ông cho rằng có một tiêu chuẩn cho việc mở cửa mà ông Tập Cận Bình chủ trương, “đó là mở cửa lấy chính mình làm trung tâm”. Đối với việc sửa đổi “Luật chống gián điệp”, ông Trần nói: “Ông Tập Cận Bình muốn ổn định đất nước, đối với ông ấy mà nói thì việc ổn định đồng nghĩa đe dọa càng ít. Liên hệ tiếp xúc đối ngoại là cần chính quyền kiểm soát, chính là mục tiêu này, rất đơn giản.” Ông cũng nói, gần đây các phương tiện truyền thông tiết lộ rằng Đổng Uất Ngọc (Dong Yuyu), biên tập viên của phương tiện truyền thông ĐCSTQ “Nhật báo Quang Minh“, đã bị bắt và bị truy tố vì tội gián điệp, là một ví dụ.

Theo Khải Địch, RFA