Do tỷ lệ sinh giảm, các trường mẫu giáo tư nhân trên khắp Trung Quốc đang đang đối mặt với tình trạng hoạt động khó khăn. Những người trong ngành tin rằng một số lượng lớn trường mẫu giáo sẽ đóng cửa trong vòng 3 đến 5 năm.

shutterstock 1670730760
(Ảnh minh họa: Sellwell/ Shutterstock)

Theo số liệu công bố chính thức của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mặc dù đã chính thức chấm dứt “chính sách một con” vào năm 2016, nhưng dân số sinh mới của Trung Quốc vẫn giảm từ 17,86 triệu năm 2016 xuống còn 9,56 triệu vào năm ngoái (2022). Dân số sinh mới không chỉ giảm gần một nửa chỉ trong vài năm mà còn đạt mức thấp nhất kể từ năm 1949.

Tờ South China Morning Post (SCMP) tại Hồng Kông chỉ ra, do tỷ lệ sinh giảm, nên số lượng trẻ học mẫu giáo cũng giảm. Trong khi thiếu sự tài trợ kinh phí của nhà nước và đối mặt với sự giám sát chặt chẽ, các doanh nghiệp (trường mầm non tư nhân) đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc.

Ông Lưu Đức Vĩ (Liu Dewei), một người điều hành trường mẫu giáo ở huyện Dung (Rong), tỉnh Quảng Tây, cho biết khi trường mẫu giáo lần đầu tiên được mở cách đây 5 năm, 140 trẻ đã đăng ký theo học. Nhưng đến năm 2020, số lượng trẻ nhập học đã giảm xuống còn khoảng 30.

Ban đầu ông cho rằng đó là ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình hình không được cải thiện sau khi chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch nghiêm ngặt vào cuối năm ngoái.

“Chính là không có trẻ [đến học],” ông Lưu Đức Vĩ nói. Ông đã đầu tư vài triệu nhân dân tệ vào doanh nghiệp này, nhưng vẫn chưa đạt được cân bằng thu chi. Đối mặt với khủng hoảng tài chính, ông đã cân nhắc việc đóng cửa trường mẫu giáo.

Ông nói: “Hiện giờ tôi không dám bổ sung thêm bất kỳ thiết bị nào nữa. Tôi nghĩ, nếu tình hình không được cải thiện trong năm nay, tôi sẽ đóng cửa nó.”

Ngay cả ở thành phố đông dân nhất Trung Quốc, các trường mẫu giáo tư nhân cũng gặp khó khăn. Lucy Wang, một người mẹ sinh được một con trai và một con gái, hiện sống ở Thượng Hải, cho biết cô đã nhận thấy sự thay đổi trong số lượng tuyển sinh mẫu giáo.

Cô nói: “Từ năm 2015 đến 2018, khi con trai tôi học ở đó thì có 7 lớp, đến năm 2021 khi em gái nó bắt đầu học thì chỉ còn 4 lớp, sĩ số lớp cũng giảm.”

Năm ngoái, tổ chức nghiên cứu giáo dục “Viện nghiên cứu giáo dục Dịch Dương” (Sunglory Education Research Institute) đã công bố một báo cáo nói rằng sau năm 2023, “tổng số trẻ em ở các trường mẫu giáo ở Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ giảm mạnh”.

Theo báo cáo, nếu lấy tổng số trường mẫu giáo vào năm 2021 là 294.800 và số trẻ mẫu giáo là 48.052.100 thì “trong 10 năm tới, tổng số trường mẫu giáo tương ứng với số trẻ trong trường sẽ giảm 30% đến 50% dựa trên cơ sở năm 2020.”

Chuyên gia dân số Nguyên Tân (Yuan Xin) tại Viện Kinh tế của Đại học Nam Khai, cho biết mặc dù chính quyền Trung Quốc đã thực hiện các chính sách khuyến khích sinh trong vài năm qua nhưng sẽ khó đảo ngược xu hướng [dân số giảm].

Ông Nguyên Tân nói với SCMP rằng chi phí nuôi dạy con cái tăng cao, giá nhà không thể gánh được, những cải thiện về giáo dục đối với phụ nữ và sự tham gia của lực lượng lao động đều sẽ làm giảm tỷ lệ sinh.

Ông Hùng Bỉnh Kỳ (Xiong Bingqi), Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, cảnh báo rằng việc đóng cửa hàng loạt trường mẫu giáo là không thể tránh khỏi nếu tỷ lệ giáo viên – học sinh không được thay đổi. Sau đó, số phận tương tự có thể xảy ra với các trường học và cao đẳng.

Bà Nghiêm Tố Nhan (Yan Suyan), giám đốc một trường mẫu giáo ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, cũng đồng ý rằng “toàn ngành đang bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ nhập học giảm”.

Bà nói: “Một số lượng lớn trường mẫu giáo sẽ biến mất trong vòng 3 hoặc năm 5 nữa. Những trường mẫu giáo muốn tồn tại thì phải nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.”