Đã có sự gia tăng các trường hợp “lây nhiễm thứ phát” hay còn gọi là “tái nhiễm” COVID-19 ở nhiều nơi ở Trung Quốc, với tỷ lệ bệnh nặng cao ở người già và yếu. Đây đang là chủ đề được mọi người quan tâm khi một số lượng lớn người dân trên khắp Trung Quốc nhiễm dịch vào tháng trước.

Dich benh o Trung Quoc 1 1
Dịch bệnh ở Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)

Mới đây, một đoạn ghi âm cuộc trò chuyện giữa một người được cho là bác sĩ ở Bắc Kinh và một thành viên trong gia đình ở quê nhà của ông ở Đông Bắc Trung Quốc, đã bị rò rỉ trên Internet. Vị bác sĩ này tiết lộ rằng các giường bệnh trong bệnh viện nơi ông làm đã chật kín, về cơ bản đã đầy những bệnh nhân bị “nhiễm trùng thứ phát”. Những bệnh nhân này cho biết sự đau đớn trên thân thể gấp 5 – 10 lần so với lần nhiễm đầu tiên. Hơn nữa hệ thống miễn dịch bị phá hủy do bị 2 lần nhiễm, nên họ phải dựa vào mũi tiêm globulin miễn dịch đắt tiền hai lần mỗi ngày để giữ mạng sống.

Vị bác sĩ này cũng cho biết, hiện nay nhiều người ở Trung Quốc đã bị “tái nhiễm” và tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên truyền thông không đưa tin. Epoch Times không thể xác nhận độc lập tính xác thực của đoạn ghi âm.

Dự đoán các thành phố cấp hai, cấp ba và các vùng nông thôn sẽ bùng phát một đợt dịch lớn vào dịp tết âm lịch cổ truyền, nhưng cơ sở y tế ở những nơi này tương đối lạc hậu, số người chết thường tăng mạnh sau thời kỳ cao điểm. Hơn nữa “lây nhiễm thứ phát” sẽ là một vấn đề khác nan giải hơn.

Nhiều ca “lây nhiễm thứ phát” ở Bắc Kinh, Sơn Đông, tỷ lệ triệu chứng nặng ở người già cao hơn

Ngày 13/1, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, một bác sĩ ở Thạch Gia Trang, (tỉnh Hà Bắc) không muốn nêu tên, đã xác nhận rằng nhiều bệnh nhân ở các nơi như Bắc Kinh, Sơn Đông, Tứ Xuyên, sau lần đầu tiên nhiễm virus corona mới và khỏi bệnh, một tháng sau thì bị “lây nhiễm thứ phát”, các triệu chứng cũng rất rõ ràng.

Bác sĩ Trần Chí Thành (Chen Zhicheng), công tác tại Khoa Thận tại Bệnh viện số 2 trực thuộc Đại học Y học Cổ truyền Hồ Nam, đã đăng một video vào ngày 10/1 nói rằng những người cao tuổi có sức đề kháng yếu có tỷ lệ mắc bệnh nặng cao hơn sau khi “lây nhiễm thứ phát”.

Ông nói rằng trước đây rất hiếm gặp “lây nhiễm thứ phát” đối với các chủng Omicron, nhưng vì Omicron rất dễ bị đột biến, các kháng thể chống lại chủng ban đầu sẽ không khởi tác dụng với chủng bị đột biến. Do đó sau đợt dịch Omicron, tỷ lệ lây nhiễm thứ phát tăng lên rất nhiều .

Ông nhắc đến có số liệu cho thấy trong số 3 triệu người thì có 100.000 người nhiễm bệnh là “lây nhiễm thứ phát” (khoảng 3%), chưa đến 1.800 người bị nhiễm ba lần và 18 người bị nhiễm bốn lần.

Ông nói, người cao tuổi bị “lây nhiễm thứ phát” có các các bệnh nền như đường huyết cao, huyết áp cao, bệnh tim, bệnh thận, khí phế thũng và hen suyễn, có tỷ lệ bệnh nặng vẫn còn tương đối cao. Tài khoản Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc) “Tiến sĩ Trần phổ biến khoa học” của ông có hơn 8 triệu người theo dõi.

Viện sĩ Viện công trình Trung Quốc cũng nhắc nhở công chúng cẩn thận với “lây nhiễm thứ phát”

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông chính thức của ĐCSTQ là tờ “Nhật báo Khoa học và Công nghệ”, ông Trương Bách Lễ (Zhang Boli), một học giả của Viện Kỹ thuật Trung Quốc, chuyên gia về nội khoa Trung Y, người chủ yếu tham gia vào việc phòng ngừa và điều trị các bệnh tim mạch và mạch máu não cũng như hiện đại hóa y học cổ truyền Trung Quốc, đã nhắc nhở công chúng cẩn thận với “lây nhiễm thứ phát”. So với các biến chủng thời đầu, chủng Omicron có thể gây ra các ca nhiễm đột phá và bội nhiễm (nhiễm lại nhiều lần).

Nhiều người lo lắng rằng lây nhiễm virus lần thứ 2 có thể sẽ làm các triệu chứng trầm trọng hơn, về vấn đề này, ông Trương Bách Lễ cho biết các triệu chứng nặng thêm hoặc thuyên giảm sau lần nhiễm thứ hai là khác nhau ở mỗi người.

“Mức độ nghiêm trọng của bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố như liều lượng virus lây nhiễm, khả năng gây bệnh của biến thể virus corona mới và tình trạng sức khỏe cá nhân. Tuy nhiên, theo hầu hết các báo cáo hiện nay, do cơ thể đã hình thành khả năng miễn dịch nên các triệu chứng của lần nhiễm thứ hai thường nhẹ hơn so với lần trước đó,” ông nói.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng cũng có một số ít nghiên cứu báo cáo rằng so với những bệnh nhân chỉ bị nhiễm bệnh một lần, những bệnh nhân bị tái nhiễm có nguy cơ biến chứng cao hơn, bao gồm các biến chứng về phổi, tim mạch, tiểu đường, đường tiêu hóa và thần kinh.

Dữ liệu cựu chiến binh Mỹ cho thấy số ca tử vong, nhập viện do lây nhiễm thứ phát tăng đột biến

Hồi tháng 11/2022, tạp chí Nature Medicine đã công bố dữ liệu về sự lây nhiễm của các cựu chiến binh ở Mỹ, cho thấy rằng lần lây nhiễm COVID-19 thứ hai sẽ làm tăng gấp đôi khả năng tử vong và tăng gấp ba khả năng nhập viện. Tiêm phòng và tiêm nhắc lại không cải thiện tỷ lệ sống sót do lây nhiễm thứ phát hoặc tỷ lệ nhập viện.

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Ziyad Al-Aly nói với Reuters: “Tái nhiễm COVID-19 làm tăng nguy cơ mắc COVID cấp tính và lâu dài, điều này thể hiện rõ ở những nhóm người chưa được tiêm vắc-xin, đã tiêm và tiêm nhắc lại.”

Các nhà nghiên cứu cho biết, các ca nhiễm COVID-19 lần thứ hai trở lên làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh phổi, bệnh tim hoặc bệnh não trong tối đa 6 tháng.

Cũng có học giả có ý kiến ​​khác. Theo Reuters, ông John Moore, giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Y khoa Weill Cornell, New York, cho biết bệnh nhân tại các cơ sở điều trị quân nhân xuất ngũ thường lớn tuổi hơn, có nhiều biến chứng về sức khỏe hơn bình thường, điều này không phản ánh dân số nói chung.