Ngày 27/7, gần 290.000 người Hồng Kông đã tổ chức hoạt động tập thể đến khu Yuen Long với danh nghĩa vui chơi và mua sắm, khiến tình hình ở Hồng Kông càng căng thẳng hơn. Trước đó đã có người Hồng Kông chia sẻ lên mạng cảnh quay binh lính thuộc quân đội Trung Quốc mặc trang phục ngụy trang vào Hồng Kông. Liệu chính quyền Trung Quốc Đại lục có dùng quân đội trấn áp biểu tình tại Hồng Kông?

Hồng Kông, phản đối luật dẫn độ, quân đội Trung Quốc
Theo tin Đài RFA, có người dân Hồng Kông quay lại được cảnh nhiều binh sĩ thuộc quân đội Trung Quốc mang theo hành lý và vào Hồng Kông qua Ga Tây Kowloon. (Ảnh từ mạng internet)

Theo nguồn tin từ Đài RFA (Á châu Tự Do), trong khi phong trào biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hồng Kông tiếp tục bùng phát, có người đã chia sẻ lên mạng internet hình ảnh nhiều binh lính Trung Quốc mặc đồng phục ngụy trang lên tàu tại ga đường sắt ở Quảng Châu, không rõ hành trình đi đâu. Ngoài ra cũng có người Hồng Kông chia sẻ cảnh nhiều binh lính Trung Quốc mang theo hành lý vào Hồng Kông qua đường ga Tây Kowloon ở Hồng Kông. Theo thông tin, đường sắt cao tốc là con đường rất thuận tiện cho quân đội Trung Quốc vào Hồng Kông. Nếu Bắc Kinh muốn sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Hồng Kông thì chỉ trong 30 phút là quân đội Trung Quốc có thể đến khu vực biểu tình Hồng Kông.

Hôm 25/7, trong nhóm Facebook “Sức mạnh nhân dân Đài Loan” cũng có người tải lên đoạn video cho thấy có lực lượng đáng kể binh lính Trung Quốc đeo túi quân đội xuất hiện tại một ga đường sắt cao tốc Hồng Kông. Tuy nhiên qua video không thể rõ thời gian và địa điểm quay cũng như mục đích hoạt động quân sự này. Sau đó trang “Sức mạnh nhân dân Đài Loan” đã xóa bỏ video này.

Ngoài ra, trên mạng xã hội Twitter vào ngày 22 cũng bùng nổ thông tin chia sẻ một số lượng lớn xe tăng quân đội chạy về hướng Hồng Kông, nhiều người suy đoán đoàn xe chạy đến Hồng Kông để “thực thi nhiệm vụ”.

 Xem video tại:

Hiện nay những nguồn tin nêu trên về vấn đề quân đội Trung Quốc tiến vào Hồng Kông chưa được bất kỳ kênh thông tin nào của nhà nước Trung Quốc xác thực.

Liên quan đến việc chính quyền Bắc Kinh có điều động quân đội giải quyết vấn đề Hồng Kông không, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao cùng giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đã có phản hồi. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết, khi cấp thiết chính phủ Hồng Kông có thể yêu cầu Trung ương cử quân đồn trú của trung ương tại Hồng Kông để giúp “bảo vệ trật tự công cộng và cứu nạn”. Hôm 22/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng nhấn mạnh, người Hồng Kông biểu tình đã chạm đến giới hạn của nguyên tắc “một nước hai chế độ”; Tân Hoa xã của nhà nước Trung Quốc cũng đăng bài viết cho rằng “Mọi hành vi đe dọa an ninh chủ quyền quốc gia, thách thức quyền lực trung ương là không được phép”.

Trên thực tế, cùng với xu thế cuộc biểu phản kháng ở Hồng Kông ngày càng mạnh mẽ, vào tháng trước phía Trung Quốc Đại lục đã công bố tình hình tập trận quân sự do quân đội Trung Quốc trú tại Hồng Kông triển khai. Hình ảnh được công bố trên truyền thông nhà nước cho thấy những người lính đang đứng trên một con tàu hải quân, phía trước là đường chân trời của Hồng Kông.

Theo tờ New York Times đưa tin, giới chức chính phủ Trung Quốc không công bố chính thức số lượng binh sĩ đồn trú tại Hồng Kông, nhưng giới quan sát bên ngoài ước tính là từ 6.000 đến 10.000 lính. Nguồn tin còn cho biết, trong số binh sĩ làm nhiệm vụ tại Hồng Kông chỉ có một bộ phận đóng tại Hồng Kông, còn số nhiều khác đóng quân ở Thâm Quyến, vì ở đó thuận tiện hơn cũng như tổ chức luyện tập tốt hơn.

Tuy nhiên, giáo sư Willy Wo-Lap Lam (Lâm Hòa Lập) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Hồng Kông có phân tích cho rằng “Trung Quốc sẽ không còn thể diện gì” nếu cho phép quân đội đồn trú tại Hồng Kông vào cuộc. New York Times dẫn lời Willy Wo-Lap Lam: “Sử dụng đến quân đội sẽ đồng nghĩa sau 22 năm (Trung Quốc Đại lục) lại phải ra tay về vấn đề chủ quyền với Hồng Kông, cho thấy chính quyền trung ương không thể giành được tình cảm và tư tưởng của người dân Hồng Kông, phải dùng vũ lực.”

Một bài viết khác đăng trên tờ Nikkei Nhật Bản cũng chỉ ra, trong tương lai gần không có nhiều khả năng Bắc Kinh dùng đến vũ lực. Trước hết, điều này sẽ phá hỏng hình ảnh quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thậm chí gây ảnh hưởng xấu đến đàm phán thương mại với Mỹ. Mặt khác là gây xấu xí hoạt động quốc khánh tròn 70 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 01/10. Bài viết cho rằng Bắc Kinh chưa thể hành động mạnh mẽ trước ngày 01/10 hoặc thậm chí trước bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng Một năm sau, vì tình hình xấu tại Hồng Kông sẽ khiến cử tri Đài Loan tức giận, không khác gì trao ghế tổng thống cho Đảng Dân tiến vốn không ưa Bắc Kinh.

Tuyết Mai

Xem thêm: