Các quan chức Đảng Cộng sản địa phương ở Tân Cương, Trung Quốc – nơi hiện có một mạng lưới các trại tập trung giam giữ khoảng 2 triệu thành viên là người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ – đã mời các thành viên trong chính quyền của ông Joe Biden đến thăm khu vực này.

shutterstock 1447438049
Người Duy Ngô Nhĩ học chữ Hán tại Trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc. (Ảnh: Azamat Imanaliev / Shutterstock).

Hầu hết những người bị giam giữ trong các trại tập trung là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Ngoài ra, còn có các dân tộc thiểu số khác như người Kazakhstan và người Kyrgyzstan. Tất cả đều bị ĐCSTQ bắt vào các trại để lao động nô lệ và tẩy não. Ở đó, họ phải chịu đựng cực hình tra tấn, hãm hiếp và cưỡng bức triệt sản, theo những người sống sót kể lại. Một thời gian ngắn trước khi rời nhiệm sở, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã gọi việc triệt sản và “biến mất trên diện rộng” của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là “tội ác diệt chủng”.

Người kế nhiệm ông Pompeo, Ngoại trưởng đương nhiệm Antony Blinken, trong phiên điều trần tại Thượng viện đã đồng tình rằng những gì đang xảy ra ở Tân Cương là một cuộc diệt chủng. Ông Blinken cũng đã công khai ca ngợi các chính sách của Chính quyền Trump nhằm chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cương quyết phủ nhận việc bức hại và các chính sách nhằm tiêu diệt người Duy Ngô Nhĩ.

Hôm thứ Hai, các quan chức địa phương ở Tân Cương đã đề nghị quan chức chính quyền Biden hãy làm một chuyến tham quan có hướng dẫn viên dưới sự bảo trợ của ĐCS để chứng minh rằng không có nạn diệt chủng nào đang diễn ra trong khu vực.

“Chúng tôi hoan nghênh mọi người từ mọi lĩnh vực trên khắp thế giới, bao gồm cả các quan chức từ chính quyền mới của Hoa Kỳ, đến thăm Tân Cương để tìm hiểu những gì thực sự đang xảy ra ở đó và tránh bị lừa bởi những lời nói dối của ông Pompeo”, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Xu Guixiang thuộc Ủy ban khu vực Tân Cương của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Xu cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ “hoan nghênh các phóng viên nước ngoài đến thăm Tân Cương bất cứ lúc nào,” nhưng nói thêm rằng lời mời không áp dụng cho “bất kỳ cuộc điều tra nào với giả định có tội”. Ông nói thêm rằng tuyên bố của cựu Ngoại trưởng Pompeo rằng Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng ở Tân Cương là “một mớ giấy vụn”.

Các nhà điều tra nhân quyền tin rằng Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các trại tập trung cho người Duy Ngô Nhĩ từ năm 2017 đến năm 2018, và có khoảng 3 triệu người đã bị bắt vào đó. Đảng Cộng sản Trung Quốc không phủ nhận rằng các trại này tồn tại, nhưng gọi chúng là “trung tâm đào tạo nghề” và tuyên bố rằng các tù nhân được tuyển dụng ở đó để học các kỹ năng nghề nghiệp. Đảng tuyên bố, các trại này là cần thiết để ngăn những người Hồi giáo cực đoan  tham gia các nhóm thánh chiến.

Vào cuối năm 2019, các quan chức Trung Quốc thông báo rằng dân số của các trại đã giảm đáng kể vì các tù nhân đã “tốt nghiệp” từ khóa “đào tạo nghề” của họ. Chưa đầy một năm sau, một nghiên cứu của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) tiết lộ rằng Bắc Kinh đã bắt đầu bán người Duy Ngô Nhĩ làm nô lệ cho các nhà máy trên toàn quốc, giới thiệu lao động nô lệ vào các cơ sở sản xuất sản phẩm cho ít nhất 82 công ty quốc tế, bao gồm cả các mặt hàng chủ lực của Mỹ như Nike và Apple.

Các quan chức Trung Quốc sau đó đã phủ nhận về việc nô lệ cưỡng bức đang diễn ra ở Tân Cương hoặc các nơi khác trong nước. Để bảo vệ hình ảnh trước công chúng, ĐCSTQ đã bắt đầu tổ chức các chuyến tham quan cho các “nhà báo thân thiện” đến Tân Cương vào năm 2019 nhằm đưa các tin tức có lợi trên phương tiện truyền thông.

Một số nhà báo sau đó đã cáo buộc Trung Quốc hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận của họ trong khu vực.

“Về cơ bản, từ thời điểm chúng tôi đến, chúng tôi đã bị theo dõi bởi ít nhất một chiếc xe,” Yanan Wang, một nhà báo của Associated Press, kể về chuyến thăm năm 2019 tới Tân Cương.

Lê Xuân

Xem thêm: