Trong thời gian diễn ra Olympic Mùa Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hứa rằng “Vạn Lý Trường Thành Internet” (Great Firewall) sẽ mở ra một khe hở dành cho những người tham dự và giới truyền thông nước ngoài.

id13372329 1112 1200x800 1 600x400 1
(Ảnh minh họa: Epoch Times)

Ngày 4/1, Ban tổ chức Olympic Mùa Đông Bắc Kinh thông báo rằng trung tâm truyền thông chính cho Olympic và Paralympic Mùa Đông đã chính thức mở cửa. Cùng ngày, ông Tập Cận Bình đã đến thăm trung tâm này và yêu cầu giới truyền thông kể những “câu chuyện hay” về Trung Quốc, đồng thời cố gắng đưa tin về Olympic Mùa Đông Bắc Kinh càng sớm càng tốt.

Olympic Bắc Kinh sẽ khai mạc vào ngày 4/2 và Paralympic Mùa Đông sẽ khai mạc vào ngày 4/3.

Tường lửa kiểm duyệt Internet của ĐCSTQ “sẽ mở ra một khe hở”

Vào thời điểm ĐCSTQ chính thức triển khai tuyên truyền đối ngoại quy mô lớn, “cam kết” của giới chức ĐCSTQ liên quan đến tự do truyền thông và Internet đã thu hút sự chú ý của các phóng viên Epoch Times.

Gần đây VOA đưa tin rằng Ủy ban Olympic Quốc tế đã xác nhận trong một tuyên bố qua email rằng Trung Quốc, với tư cách là chủ nhà của Olympic Mùa Đông Bắc Kinh 2022, sẽ tuân thủ lời hứa cho phép các vận động viên và các kênh truyền thông nước ngoài được chứng nhận, tham gia Làng Olympic, những nơi thi đấu và không thi đấu, cũng như các khách sạn mà hãng truyền thông đã ký hợp đồng về các dịch vụ Internet công cộng.

Ủy ban Olympic Quốc tế cho biết: “Những người tham dự được chứng nhận sẽ có thể kết nối qua mạng truyền dẫn cáp quang có dây hoặc không dây (OTN) và sử dụng thiết bị của riêng họ để có được các dịch vụ Internet công cộng … nếu họ mua Mô-đun nhận dạng người dùng Olympic (SIM điện thoại) thông qua mặt hàng tiêu chuẩn giá Bắc Kinh 2022.”

Từ năm 1998, ĐCSTQ đã xây dựng một bức tường lửa có tên “Trường thành Internet” (Great Firewall) để chặn thông tin tự do trên Internet. Ngoại giới thường so sánh việc người Trung Quốc hiện nay “vượt tường lửa” để xem thông tin tự do của nước ngoài, như việc người Đông Đức vượt qua Bức tường Berlin năm xưa.

Ông Trương Hiểu Cương, một chuyên gia an ninh mạng, kiêm người phụ trách Cục Công nghệ Máy tính của Mặt trận Dân chủ Trung Quốc, nói với Epoch Times vào ngày 7/1 rằng ĐCSTQ đã “mở ra một khe hở” trên Internet tại những khu vực như Làng Olympic, nơi các vận động viên tham gia Thế vận hội và các nhà báo nước ngoài bị theo dõi chặt chẽ.

Ông Trương Hiểu Cương nói rằng ĐCSTQ sẽ có nhiều biện pháp để hạn chế và giám sát Internet. “Họ sẽ giám sát bất cứ lúc nào và sử dụng nhiều nhân lực, vật lực để chặn mạng Internet. Nhìn bề ngoài thì bạn được tự do sử dụng các kênh truyền thông nước ngoài, nhưng nếu phải tiếp xúc với các vận động viên Trung Quốc và người dân Trung Quốc, thì lời nào nên nói, liệu có bị sách nhiễu và theo dõi hay không, đến lúc đó mới biết được. Theo kinh nghiệm trước đây, (mạng Internet) mà ĐCSTQ hứa hẹn sẽ không tự do hoàn toàn.”

Ông Trương cho biết, kênh cung cấp dịch vụ Internet cho vận động viên nước ngoài của ĐCSTQ không tương thích với kênh thông thường của người dân. Đây chỉ là một kênh dành cho người nước ngoài. Dù vậy, cũng sẽ có rất nhiều biện pháp giám sát, hơn nữa không một vận động viên Trung Quốc nào có thể sử dụng mạng này.

Theo “Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới” năm 2021 do “Tổ chức Phóng viên Không Biên giới” (RSF) công bố, Trung Quốc vẫn ở vị trí thứ 177 trên thế giới, xếp thứ 4 từ dưới lên. RSF chỉ ra trong báo cáo rằng trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã phát triển các hoạt động kiểm duyệt, giám sát Internet và vận động chính phủ lên một “quy mô chưa từng có”.

Báo cáo đề cập: “Bắc Kinh đã sử dụng công nghệ mới nhất và lực lượng mạng cùng nhân viên kiểm duyệt hùng hậu, để giám sát thành công các luồng thông tin, theo dõi và kiểm duyệt người dân trên Internet; đồng thời thúc đẩy tuyên truyền nội bộ trên mạng xã hội. Chính phủ Trung Quốc cũng mở rộng ảnh hưởng của mình ra nước ngoài, với nỗ lực áp đặt diễn ngôn của mình lên người dân quốc tế, thúc đẩy những tuyên truyền ngụy biện của nhà nước trong giới báo chí.”

shutterstock 1938557683
Tẩy chay Olympic Bắc Kinh (Ảnh: Phil Pasquini / Shutterstock)

Những tranh cãi xung quanh quyền tự do và nhân quyền từ Thế vận hội 2008 đến Olympic Mùa Đông Bắc Kinh 2022

Chính quyền ĐCSTQ cũng từng mở khóa Vạn Lý Trường Thành Internet cho du khách nước ngoài vào những dịp và địa điểm nhất định trong quá khứ.

Ông Trương Hiểu Cương nói rằng trước đây, ĐCSTQ từng nhiều lần hứa hẹn kiểu này. Chẳng hạn trong Thế vận hội Bắc Kinh 2008, cũng có những lời hứa tương tự, gồm tự do Internet và thậm chí cho phép biểu tình, nhưng việc thực hiện lại hoàn toàn khác. “Mọi thứ được kiểm soát hoàn toàn, và không có cơ hội cho các cuộc biểu tình, Internet cũng vậy.”

Khi Bắc Kinh đăng cai tổ chức Thế vận hội 2008, họ đã đưa ra nhiều cam kết quốc tế, gồm việc cải thiện nhân quyền và tự do báo chí. Ông Lưu Kỳ (Liu Qi), khi đó là Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh, kiêm Thị trưởng Bắc Kinh, đã cam kết với tất cả các thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế ở Moscow rằng: “Nếu Bắc Kinh được phép đăng cai Thế vận hội”, họ sẽ “thúc đẩy nhân quyền phát triển hơn nữa”.

Ông Vương Vĩ (Wei Wang), Tổng thư ký Ủy ban Olympic Bắc Kinh, nói rằng: “Chúng tôi sẽ cho phép các phóng viên tới Trung Quốc có đủ quyền tự do báo chí, để đến Bắc Kinh và các thành phố khác trước và trong thời gian thi đấu, và đưa tin bất cứ điều gì họ muốn, hơn nữa chúng tôi còn cho phép biểu tình.”

Từ ngày 8 – 24/8/2008, Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội. Tuy nhiên, một tuần trước Olympic Bắc Kinh, các nhà báo nước ngoài đến Bắc Kinh vào cuối tháng 7 đã phát hiện ra rằng họ không thể đăng nhập vào các trang web nhạy cảm đối với chính quyền ĐCSTQ từ trung tâm truyền thông tin tức chính.

Khi đó, tờ SCMP phiên bản tiếng Anh xuất bản tại Hồng Kông cho biết, một số trang web nhạy cảm, gồm bất kỳ trang web nào đề cập đến Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tây Tạng, Pháp Luân Công và Quảng trường Thiên An Môn, đều không thể đăng nhập từ trung tâm báo chí chính của Thế vận hội Bắc Kinh.

Sau khi nổ ra tranh cãi, ngày 1/8/2008, các quan chức Ủy ban Olympic quốc tế tuyên bố họ đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc và “vấn đề đã được giải quyết.” Tuy nhiên, ông Tôn Vĩ Đức, một quan chức của Ủy ban Olympic Bắc Kinh, tuyên bố vào ngày 2/8 rằng trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh, các nhà báo nước ngoài vẫn gặp “trở ngại khi đăng nhập vào một vài trang web,” và trích dẫn các trang web của Pháp Luân Công làm ví dụ.

812082214191665
Ngày 18/3/2008, một số học viên Pháp Luân Công và những người ủng hộ đã kêu gọi các phái đoàn khác nhau đến Liên Hợp Quốc ngăn ĐCSTQ tiếp tục bức hại Pháp Luân Công, và chỉ ra rằng ĐCSTQ đã sử dụng Thế vận hội Bắc Kinh để bức hại Pháp Luân Công một cách tàn khốc. (Lý Thanh/ Epoch Times)

Ngoài ra, các nhà chức trách hứa sẽ cho phép biểu tình, nhưng theo báo cáo của hãng truyền thông Anh BBC, trong Thế vận hội Bắc Kinh 2008, chính quyền Trung Quốc đã nhận được 77 đơn đăng ký biểu tình tại 3 khu vực được chỉ định đặc biệt ở Bắc Kinh, nhưng không một trường hợp nào được chấp thuận.

Đối với Olympic Mùa Đông Bắc Kinh năm nay, chúng ta không thấy bất kỳ cam kết nào của ĐCSTQ với cộng đồng quốc tế về nhân quyền được cải thiện. Theo báo cáo của giới chức ĐCSTQ, kể từ thời điểm Bắc Kinh giành được quyền đăng cai Olympic Mùa Đông 2022 vào ngày 31/7/2015, lời cam kết của ĐCSTQ với cộng đồng quốc tế chỉ là tuyên bố chung chung rằng nước này sẽ “đăng cai tốt Olympic Mùa Đông” và rằng đây sẽ là một “Thế vận hội Olympic đặc sắc, phi thường”, mà không đề cập đến việc cải thiện tình trạng nhân quyền đang bị lên án ở Trung Quốc.

Vào đầu tháng 11 năm ngoái, sau khi nữ vận động viên quần vợt nổi tiếng Bành Soái tiết lộ trên Weibo rằng cô ấy bị cựu cấp cao của ĐCSTQ Trương Cao Lệ tấn công tình dục, ĐCSTQ đã áp dụng một chiến lược tuyên truyền đối ngoại, nhằm duy trì sự ổn định, tránh những lời chỉ trích và nghi ngờ từ ngoại giới. Ông Trương Cao Lệ là cựu lãnh đạo của Nhóm lãnh đạo Olympic Mùa Đông Bắc Kinh.

Đồng thời, do ĐCSTQ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đang áp dụng biện pháp ngoại giao, tẩy chay Olympic Mùa Đông Bắc Kinh.

Ngôi sao Olympic Hoàng Hiểu Mẫn: ĐCSTQ sẽ bất chấp mọi thủ đoạn để đăng cai Thế vận hội

Ngày 4/1, khi thị sát địa điểm tổ chức Olympic Mùa Đông Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã đề xuất công tác tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ cần “truyền bá tin tức về Olympic Mùa Đông và kể những câu chuyện hay về Trung Quốc.” Truyền thông giới chức nhấn mạnh rằng đây là chuyến khảo sát thực địa thứ 5 của ông Tập trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Mùa Đông kể từ năm 2017.

Cô Hoàng Hiểu Mẫn (Huang Xiaomin), cựu vận động viên bơi lội nổi tiếng Trung Quốc từng giành huy chương bạc tại Thế vận hội Seoul, nói với Epoch Times rằng ĐCSTQ không chỉ muốn thống trị Trung Quốc, mà còn muốn thống trị cả thế giới, “tham vọng của họ là như vậy.”

Cô Hoàng Hiểu Mẫn nói rằng ĐCSTQ hiện đang bị bao vây tứ bề, và Olympic Mùa Đông Bắc Kinh đã bị tẩy chay trên toàn thế giới. ĐCSTQ sợ mất thể diện, và để giữ cho Thế vận hội được tiếp tục, họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết, “chỉ cần bạn đến tham dự, tôi có thể hứa hẹn với bạn bất kỳ điều kiện nào.” Vì vậy, họ cho các vận động viên nước ngoài rất nhiều đặc quyền.

“Nhưng đối với người dân Trung Quốc, họ rất không hài lòng vì không được hưởng đặc quyền đó.” Cô Hoàng Hiểu Mẫn nói rằng mạng Internet của Trung Quốc bị ĐCSTQ chặn và tất cả những gì mọi người nhìn thấy đều là thông tin đã được ĐCSTQ sàng lọc, “đây là một chuyện rất đáng buồn.”

Cô Hoàng Hiểu Mẫn nói rằng mọi thứ mà ĐCSTQ đang làm hiện giờ đều là để lừa dối thế giới, nhưng bộ mặt thực sự của họ đã bị hé lộ.

Đãi ngộ siêu quốc gia, một chủ đề khơi dậy sự phẫn nộ

Sự tương phản rất lớn trong các đặc quyền mà ĐCSTQ dành cho người nước ngoài luôn là một chủ đề khiến người dân Trung Quốc tức giận.

Ngày 21/6/2018, tỉnh Hải Nam công bố thành lập khu thương mại tự do quốc tế, và thông báo trên trang web của chính phủ về kế hoạch cung cấp cho người nước ngoài tài khoản Internet không cần sử dụng tên thật, để sử dụng Facebook, Twitter và YouTube. Trên Weibo Đại Lục, kế hoạch này đã gây ra hàng chục ngàn bình luận phẫn nộ từ cư dân mạng Trung Quốc. Những bình luận này đã nhanh chóng bị loại bỏ ngay sau đó.

Hai ngày sau, trang web của Chính quyền tỉnh Hải Nam đã “gỡ”  bản tài liệu này, sau đó không có thêm báo cáo tiếp theo nào về vụ việc.

Mặt khác, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc Đại Lục đã lây lan từ cuối năm ngoái. Tại Tây An, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, để hoàn thành mục tiêu “xóa sổ ca nhiễm về 0” (Zero COVID) càng sớm càng tốt, chính quyền thành phố đã di tản những người có nguy cơ cao đến vùng ngoại ô, và tuyên bố đạt được “Zero COVID toàn xã hội.” Đồng thời, ngày 5/1, nhà chức trách đã ra thông báo khẩn cấp trên WeChat, trong đó nêu rõ rằng tất cả các nhóm WeChat đang bị giám sát, nếu lan truyền tin tức tiêu cực sẽ bị khóa tài khoản ngay lập tức.

Nhà văn mạng Internet Đại Lục, Kinh Sở, nói với Epoch Times rằng hiện nay có quá nhiều nhóm Wechat và việc chặn Internet đối với người dân là một trong những phương pháp lừa dối nhất quán của ĐCSTQ.

Nhà văn Kinh Sở nói: “ĐCSTQ, những tên đầu sỏ cướp nước này là một nhóm dối trá. Để tiếp tục lừa bịp người dân, chúng đã bịt mắt, bịt tai và bịt miệng họ bằng băng keo, để tiện cho việc cai trị. Nếu người dân đều nhìn thấy và lên tiếng, thì chế độ của nó sẽ bị xóa sổ. Đó là lý do tại sao ĐCSTQ phải áp dụng chiến lược chặn Internet.”

“Internet của Trung Quốc thực ra là mạng cục bộ, nằm ngoài mạng Internet của thế giới. Nhưng đối với người nước ngoài thì không giống như vậy.” Nhà văn Kinh Sở nói: “Người nước ngoài không thể chịu được cảnh phong tỏa Internet, chắc chắn sẽ không vui, và ĐCSTQ sẽ cấp đặc quyền cho họ.”

ĐCSTQ đang phong tỏa mạng nghiêm ngặt với người Trung Quốc, nhà văn Kinh Sở nói: “Kẻ dối trá sợ nhất là khi mọi người thức giấc.”

Ông Trần Vĩnh Miêu, một học giả về Chủ nghĩa hợp hiến Đại Lục, nói với Epoch Times: “(So sánh) đãi ngộ hiện tại giữa người Trung Quốc và người nước ngoài cũng giống như vào cuối thời nhà Thanh. Người nước ngoài được hưởng đãi ngộ siêu quốc gia, nhưng người Trung Quốc thậm chí không được đối xử như người dân trong nước.”

Tuy nhiên, ông Trần Vĩnh Miêu cho rằng việc “vượt tường lửa” ban đầu là để khai sáng cho người Trung Quốc, giúp họ nhận được một số thông tin không có trong nước. Giờ đây, trải qua nhiều thập kỷ phát triển của Internet, những xung đột chính trị trong nước hễ động chạm đến lợi ích của bản thân họ, thì cũng đã đủ để người dân hình thành một lập trường chính trị riêng.

Chuyên gia: Phải chú ý an toàn khi lướt web trong “Đặc khu Internet” của Olympic Mùa Đông Bắc Kinh

Chính phủ ĐCSTQ đang sử dụng một trong những hệ thống giám sát kỹ thuật số tiên tiến nhất trên thế giới. Họ tận dụng công nghệ do quân đội và một số công ty công nghệ tư nhân và nhà nước cung cấp, để giám sát và kiểm tra thông tin và ngôn luận được truyền đi của hơn 1 tỷ người. Hình thức giám sát này cũng được áp dụng cho người nước ngoài.

Reuters đưa tin vào cuối năm ngoái rằng vào tháng 9, chính quyền Hồ Nam của ĐCSTQ đã trao hợp đồng cho một công ty công nghệ Trung Quốc, nhằm xây dựng một hệ thống giám sát dành riêng cho các nhà báo nước ngoài và du học sinh.

Chuyên gia an ninh mạng Trương Hiểu Cương một lần nữa nhấn mạnh với Epoch Times rằng các vận động viên và nhà báo nước ngoài đến Trung Quốc tham dự Olympic Mùa Đông vẫn cần chú ý đến an ninh mạng.

“Chúng tôi biết rằng ĐCSTQ giám sát Internet ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc. Lực lượng An ninh Quốc gia Trung Quốc (ĐCSTQ) đôi khi công khai điều này với những người bất đồng chính kiến ​​bị bắt, rằng các anh đang sống hoàn toàn trong sự công khai, chúng tôi có thể thấy mọi thứ các anh làm trên điện thoại di động và Internet. Ngoài ra trong Olympic Mùa Đông, các vận động viên nước ngoài, kênh truyền thông nước ngoài và thông tin liên lạc của họ bị ĐCSTQ giám sát chặt chẽ, cũng đều được công khai.”

Ông Trương Hiểu Cương đề nghị khi các nhà báo nước ngoài tiếp xúc với người dân Trung Quốc, gồm cả những người bất đồng chính kiến, phải hết sức thận trọng khi tiếp nhận thông tin, gồm việc truyền tải các đoạn ghi âm và ghi hình qua mạng Internet, “đừng để Lực lượng An ninh Quốc gia Trung Quốc có được những thông tin này. Hãy tự chuẩn bị một số công cụ vượt tường lửa và thực hiện các biện pháp bảo vệ đặc biệt.”

Tuy nhiên, theo thông tin của giới chức ĐCSTQ, viện cớ phòng chống dịch, các cơ quan chức năng đang xây dựng một “hệ thống khép kín” cho Olympic Mùa Đông Bắc Kinh, hay còn gọi là “bong bóng”. Tất cả các vận động viên, huấn luyện viên, các quan chức của đội, nhân viên công tác Olympic và các phóng viên sẽ được tách biệt với thế giới bên ngoài trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Trong quả “bong bóng” này, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Điều này sẽ khiến các phóng viên báo đài nước ngoài không thể tiếp cận với những người không liên quan đến Thế vận hội trong thời gian diễn ra Olympic Mùa đông.

Ngoài ra, kể từ năm 2017, chính quyền ĐCSTQ đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng VPN cùng các nhà cung cấp VPN có trụ sở tại Trung Quốc, và cấm một số khách sạn cung cấp dịch vụ VPN cho du khách nước ngoài.

Trước đó, Epoch Times đã đưa tin rằng phần mềm vượt tường lửa miễn phí như Freegate và UltraSurf do công ty Global Internet Freedom Consortium phát triển, vẫn có thể vượt tường lửa ổn định, vì chúng sử dụng các thỏa thuận riêng và không chịu sự kiểm duyệt của ĐCSTQ.

id13385091 1102181505392192
Logo và ảnh dữ liệu của 5 phần mềm lớn vượt tường lửa Internet do các học viên Pháp Luân Công phát triển. (Ảnh: Epoch Times)

Theo Ninh Hải Chung, Lạc Á / Epoch Times

Xem thêm: