Theo truyền thông Hồng Kông, gần đây đã có hơn 11.700 thư tố cáo ông Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Trương Cao Lệ liên quan đến nhiều scandal trong quá trình thăng tiến trên quan trường. Giới quan sát chú ý, trong giai đoạn ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đang tập trung toàn lực thanh trừng những đối tượng “có dã tâm”, việc ông Trương Cao Lệ bị tố cáo lần này có thể khiến ông này khó “hạ cánh” an toàn.

tap-can-binh-truong-cao-le
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trương Cao Lệ (phải)

Theo Tạp chí Động Hướng của Hồng Kông số tháng 12/2016, vừa qua Ủy ban Kỷ luật Trung ương Trung Quốc và Ban Tổ chức Trung ương Trung Quốc đã nhận được hơn 11.700 thư tố cáo ông Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Trương Cao Lệ. Thư tố cáo đến từ các giới trong xã hội và nội bộ tổ chức Chính hiệp, Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc, trong Đảng.

Theo thông tin, con đường phát tài trong quan trường của ông Trương Cao Lệ xuất phát từ thành phố Mậu Danh tỉnh Quảng Đông, từng làm việc trong hệ thống dầu khí Mậu Danh thuộc “bang dầu khí” của ông Tăng Khánh Hồng, trong thời gian nhậm chức ở Thẩm Quyến đã tìm cách lấy lòng người tình của ông Giang Trạch Dân là bà Hoàng Lệ Mãn (Huang Liman) để tiến thân, từng bước trở thành nhân vật nòng cốt phái Giang. Nhờ ông Giang Trạch Dân đề bạt, ông Trương Cao Lệ tiến vào quan trường Sơn Đông và Thiên Tân rồi vào thẳng Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Trên con đường quan lộ của ông Trương Cao Lệ, nổi tiếng nhất là sự kiện ông Trương Cao Lệ đón cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân vãn cảnh núi Thái Sơn, khi đó ông Trương đã cho phong tỏa núi Thái Sơn hai ngày liền và bố trí 8 người khênh kiệu đưa ông Giang Trạch Dân lên núi, còn bản thân ông Trương đi bộ theo sau.

Nhưng từ sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, vô số quan to phái Giang như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu… lần lượt “ngã ngựa”, và tình thế của ông Trương Cao Lệ cũng ngày càng khó lường.

Nhiều thân tín bị điều tra

Tháng Chín năm nay, ông Hoàng Hưng Quốc (Huang Xingguo), Thị trưởng kiêm Bí thư tạm quyền của thành phố Thiên Tân “ngã ngựa”. Theo Tạp chí Tranh Minh của Hồng Kông số tháng 10/2016, ông Hoàng Hưng Quốc là một trong những quan to điển hình được thăng tiến nhanh vì vi phạm nguyên tắc đề bạt, quan to này có quan hệ thân thiết với ông Trương Cao Lệ. Trong thời gian Trương nắm quyền lực tại Thiên Tân từ 2007 – 2012, tháng 12/2007 ông Hoàng Hưng Quốc trở thành Thị trưởng tạm quyền tại Thiên Tân, sau đó một tháng chính thức làm Thị trưởng. Hai người này có quan hệ giao tình kéo dài 5 năm tại đây.

Ông Phó Thị trưởng Thiên Tân Doãn Hải Lâm (Yin Hailin) phụ trách công tác xây dựng thành phố “ngã ngựa” trước ông Hoàng Hưng Quốc cũng là người được ông Trương Cao Lệ đề bạt (từ chức Phó phòng Quy hoạch thành phố Thiên Tân). Trước đó, ngày 28/7/2014, ông Mã Bạch Ngọc (Ma Baiyu), cựu Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Thành phố Thiên Tân cũng “ngã ngựa”, ông này là đại tổng quản xây dựng thành phố thời ông Trương Cao Lệ nắm quyền ở Thiên Tân.

Trong quan trường Sơn Đông có hai thư ký trưởng một thời của ông Trương Cao Lệ là Vương Mẫn (Wang Min) và Nhan Thế Nguyên (Yan Shiyuan) (hai Ủy viên Thường vụ tỉnh Sơn Đông) cũng đều lần lượt “ngã ngựa”.

Ngoài ra, ông Trương Cao Lệ còn được xem là sân sau của cha con ông Triệu Thiếu Lân (Zhao Shaolin), nguyên Ủy viên Thường vụ tỉnh Giang Tô. Hôm ông Triệu Thiếu Lân bị khai trừ khỏi Đảng vào ngày 14/8/2015, trang Sina Bắc Mỹ đã có bài “Vụ án Triệu Thiếu Lân và vụ nổ Thiên Tân là hai phát súng bắn vào ông Trương Cao Lệ”. Bài viết dẫn thông tin từ truyền thông hải ngoại cho biết, sau khi cha con ông Triệu Thiếu Lân bị bắt đã tự biết khó thoát tội nên đã khai báo toàn bộ, cung cấp nhiều tội chứng liên quan đến ông Trương Cao Lệ.

Những vụ bê bối tại địa bàn Thẩm Quyến một thời do ông Trương Cao Lệ cầm quyền cũng liên tục bị phanh phui. Tạp chí Tranh Minh của Hồng Kông từng chỉ ra, ông Trương Cao Lệ bị tố cáo trong thời gian nhậm chức ở Thẩm Quyến đã lạm dụng tiền công quỹ mở 5 tài khoản ngân hàng nặc danh với số tiền hơn 30 triệu nhân dân tệ, hiện Ủy ban Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đang đề nghị ông Trương Cao Lệ đệ trình về vấn đề này.

Một thông tin khác trên Tạp chí Động Hướng số tháng 4/2014, ông Phó Thủ tướng Uông Dương (Wang Yang) từng lên án ông Trương Cao Lệ làm giả quá trình học đại học, tố cáo ông Trương Cao Lệ sống sa đọa và sở hữu các biệt thự ở Mậu Danh, Thâm Quyến, Quảng Châu, Tế Nam trước khi nhậm chức Phó Thủ tướng.

Tháng Tám năm ngoái, ông Trương Cao Lệ bị tố cáo là quan to phá hoại kinh khủng nhất quan trường Trung Quốc trong thời gian cầm quyền lực ở Thâm Quyến, thành phố Thiên Tân, Sơn Đông, giữ kỷ lục về số tình nhân…

Trong Hồ sơ Panama bị phanh phui hồi tháng Tư năm nay, con rể Lý Thánh Bát (Li Shengpo) của ông Trương Cao Lệ cũng nằm trong danh sách với quyền sở hữu 3 công ty tại nước ngoài, có chứng minh nhân thân ở Hồng Kông.

Ông Trương Cao Lệ cũng bị tố cáo là bang chủ “bang sông Tấn” thuộc quê hương Phúc Kiến của Trương. Ngày 25/8 năm nay, truyền thông hải ngoại đăng bài viết “Hùng hậu hơn bang Sơn Tây! Tập đoàn tư bản quan lại bang sông Tấn có tiền tỷ”, theo đó tại sông Tấn ở Tuyền Châu – Phúc Kiến đã hình thành thế lực hùng mạnh liên kết giữa giới chính trị và kinh doanh do ông Trương Cao Lệ làm bang chủ.

Khó “hạ cánh” an toàn

Hồi tháng Năm năm nay, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lần đầu cho đăng toàn văn bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Kỷ luật Trung ương, theo đó ông Tập Cận Bình cho biết phải quét sạch “nhà dã tâm, nhà âm mưu”. Còn về cấp bậc của “nhà dã tâm”, theo một bài viết của tác giả Lâm Bảo Hoa (Lin Baohua) đăng trên VOA phân tích cho rằng, từ này nhắm vào nhân vật trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Sau khi kết thúc Hội nghị toàn thể lần 6 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 vào 27/10, lần đầu tiên toàn thể hội nghị thông qua văn kiện: Kiên quyết ngăn chặn nhà dã tâm, nhà âm mưu đánh cắp quyền lực Đảng và Nhà nước.

Trên Tạp chí Động Hướng tháng 11/2016 có phân tích, sau Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Đảng, trong Báo cáo Học tập của giới cán bộ cấp cao đều nhắc lại quan điểm của “Tập hạt nhân”, theo đó cho rằng “nguy cơ trong Đảng tiềm ẩn ngay trong nội bộ Bộ Chính trị, ngay trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị”.

Ngày 21/11, trang thông tin của Ủy ban Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đăng bài “Nghiêm trị từ cán bộ cấp cao”, bài viết nhấn mạnh « Nguyên tắc » và «Điều lệ» được đưa ra tại Hội nghị toàn thể nhắm vào nội dung “nghiêm trị trong Đảng”, kiểm soát “cán bộ cấp cao”, và cảnh báo “chúng ta đang trong hoàn cảnh thiên hạ chưa thái bình…”.

Ngày 13/12, «Báo Quản lý Kỷ luật Trung Quốc», cơ quan ngôn luận của Ủy ban Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đăng bài “Những ai cần phải giám sát trách nhiệm trong số thành viên Ủy ban Trung ương?”, theo đó nhấn mạnh Ủy viên Trung ương Trung Quốc có trách nhiệm giám sát lẫn nhau, trong đó có hướng dẫn quy trình tố cáo Ủy viên Bộ Chính trị.

Ngày 16/12, trang tin VOA của Mỹ dẫn ý kiến của ông Lâm Hòa Lập (Lin Heli), chuyên gia về vấn đề Trung Quốc cho biết, năm 2017 ông Tập Cận Bình sẽ cải tổ lại nhóm lãnh đạo tối cao trong Đảng, bao gồm cả những Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Dự tính ông Tập sẽ loại bỏ những Ủy viên Thường vụ không có quan hệ gần gũi với mình, từ đó tiến thêm một bước trong việc gia cố quyền lực.

Gần đây, trang tin Nhìn về Trung Quốc có bài phân tích cho rằng, ông Trương Cao Lệ có thể sẽ là “hổ to” nối gót ông Quách Bá Hùng, rất khó “hạ cánh” an toàn.

Mộc Vệ (T/H)

Xem thêm: