Bạo lực, bạo lực, và bạo lực là câu trả lời trước sau như một mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dành cho sinh viên đòi dân chủ năm 1989, nhóm tín ngưỡng Pháp Luân Công, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, và với tất cả những ai bất đồng chính kiến trong những năm qua. Theo AP News đưa tin, lần này cũng không ngoại lệ, các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã sẵn sàng đè bẹp “Phong trào Giấy trắng”, làn sóng biểu tình táo bạo nhất kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 đến nay, vừa diễn ra vào cuối tuần trước.

Embed from Getty Images

Cảnh một người đàn ông tham gia biểu tình bị cảnh sát bắt giữ, vào tối ngày 27/11/2022, khi người dân thành phố Thượng Hải xuống đường phản đối chính sách zero-COVID của ĐCSTQ, đồng thời hô lớn “Đảng Cộng sản từ chức” và “Tập Cận Bình từ chức” (ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty Images)

AP phân tích, một khi bị liệt vào có thể động đến an nguy của Đảng, thì sẽ phải đón nhận bàn tay sắt của ĐCSTQ. Nên nhớ: Đảng luôn sẵn sàng dùng tiền của dân, không hề chùn tay, để dập tắt bất kể nhân tố nào gây bất ổn cho Đảng.

Điều đó được thấy rõ qua cách phản ứng thành thạo và quyết đoán của ĐCSTQ những ngày qua, trước làn sóng biểu tình nổ ra ở Tân Cương, Bắc Kinh, Thượng Hải, và nhiều thành phố khác, thể hiện phẫn nộ của dân chúng đòi tự do chính trị và phản đối chính sách kiểm dịch hà khắc.

Sau bình xịt và hơi cay chớp nhoáng làm lắng lại tiếng nói của người biểu tình, thì cảnh sát và cơ động lập tức tràn ngập đường phố bằng xe jeep, xe tải, và xe bọc thép. Ngoài tác dụng trực tiếp trấn áp những ai đang tham gia biểu tình, nó cũng là một biểu dương lực lượng nhằm thị uy đe dọa những ai dám ủng hộ phong trào biểu tình này.

Sau đó, cảnh sát phân tán ra ngoài, kiểm tra giấy tờ tùy thân và điện thoại di động của những người qua đường để tìm ảnh, tin nhắn hoặc ứng dụng “trái phép” để bắt được người nào tham gia biểu tình hoặc thậm chí chỉ đơn giản là thông cảm với những người biểu tình.

Cảnh sát Trung Quốc đã bắt và giam giữ người biểu tình một số lượng không nhỏ nhưng không xác định được là bao nhiêu, và hiện nay cũng không rõ liệu có ai phải đối mặt với cáo buộc nào đó hay không. Hầu hết những người biểu tình thể hiện phẫn nộ của mình vì chính sách zero-COVID. Đây là chính sách muốn giải quyết nạn dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bằng cách phong tỏa, hạn chế đi lại, và kiểm tra xét nghiệm bất tận. Nhưng trong đó có một số người biểu tình kêu gọi “Đảng Cộng sản hạ đài”“Tập Cận Bình hạ đài”. Điều đó là được coi là rất nhạy cảm ở Trung Quốc vì nó trực tiếp thách thức quyền uy của Đảng, và có thể bị trừng phạt bằng nhiều năm tù tội.

ssstwitter.com 1669539450597.mp4.00 00 04 27.Still002
Cảnh sát bắt người biểu tình ở Thượng Hải. (Ảnh chụp màn hình video)

“Phong trào Giấy trắng” này là làn sóng phản đối lớn nhất kể từ phong trào dân chủ Trung Quốc năm 1989, nhưng lần này quy mô nhỏ hơn nhiều. Phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989, do các sinh viên đại học dẫn đầu, và tập trung vào các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, được xem là thách thức lớn nhất nhắm vào quyền uy của ĐCSTQ.

Từ khi cướp được chính quyền năm 1949, Đảng Cộng sản, một thế lực và hệ tư tưởng ngoại lai được du nhập vào Trung Quốc, đã liên tục không ngừng xây dựng và hoàn thiện các bộ máy cần thiết để duy trì vị thế thống trị tuyệt đối của Đảng.

Sau vụ thảm sát Thiên An Môn, ĐCSTQ đã có các biện pháp hoàn thiện hơn, phản ứng lại các phong trào phản đối sau đó, mà không ngay lập tức sử dụng vũ lực sát thương.

Chính quyền Trung Quốc đã trải nghiệm phương pháp này trong làn sóng bất đồng chính kiến ​​​​của những người lao động thất nghiệp vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, tập trung vào việc ngăn chặn các cuộc biểu tình ở các thành phố khác nhau có tổ chức, bắt giữ những người đứng đầu cuộc biểu tình, nhưng thả hầu hết những người biểu tình bình thường.

Có lần, ĐCSTQ gặp phải cuộc biểu tình mà họ không lường trước. Năm 1999, khoảng chục nghìn học viên Pháp Luân Công đã tập trung gần Trung Nam Hải, khu nhà làm việc của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ ở Bắc Kinh, yêu cầu một môi trường công bằng cho việc tập luyện Pháp Luân Công. Đây là đòi hỏi thuộc loại tự do tín ngưỡng. Vào thời điểm đó, số học viên Pháp Luân Công toàn quốc không ít hơn số đảng viên của ĐCSTQ.

Tất nhiên, so sánh thuần túy về số lượng thế này có thể gây hiểu lầm nếu không nói rõ: Đảng là tổ chức chính trị nắm tất cả các cơ cấu quyền lực cùng truyền thông và phần lớn cơ sở kinh tế của quốc gia trong tay, với bộ máy đồ sộ được hoàn thiện qua nhiều năm cầm quyền. Còn Pháp Luân Công chỉ là một phong trào khí công quần chúng lỏng lẻo mới bắt đầu từ số 0 năm 1992 với mô hình tương tự các môn phái khí công khác rất phổ biến thời đó ở Trung Quốc kiểu như Thái Cực Quyền, và Pháp Luân Công hoạt động trên cơ sở tình nguyện cá nhân, và hoàn toàn không có cơ cấu tài chính hay mục tiêu chính trị nào cả.

Người cầm quyền của Đảng Cộng sản bấy giờ là ông Giang Trạch Dân, đã kiên quyết đặt Pháp Luân Công vào vị trí đối lập với ĐCSTQ, mặc dù hầu hết những lãnh đạo khác trong Đảng không hề nghĩ như vậy. Thậm chí nhiều đảng viên, cho đến hầu hết ủy viên thường trực Bộ chính trị, thì bản thân họ hoặc thân nhân của họ, cũng tập Pháp Luân Công. Một trong những lý do mà ông Giang dùng để biện minh quyết định như vậy, chính là miêu tả cuộc thỉnh nguyện gần Trung Nam Hải như một thách thức đối với quyền uy của Đảng. Thành công kích thích dây thần kinh nhạy cảm nhất của Đảng bằng cách đó, ông Giang trở thành người mà thế giới nhìn nhận là kẻ đứng đầu khởi xướng và duy trì cuộc đàn áp Pháp Luân Công suốt từ năm 1999 đến nay.

b54153411fe13d75457f0837eb4bb0a0 600x400 1
Vào ngày 25/4 vào 22 năm trước, hơn mười nghìn học viên Pháp Luân Công đã đến thỉnh nguyện ôn hòa trước Văn phòng thỉnh nguyện của Quốc vụ viện ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Đây được gọi là thỉnh nguyện “quy mô lớn nhất, lý trí, ôn hòa nhất, và trọn vẹn nhất” trong lịch sử thỉnh nguyện của Trung Quốc. Hình ảnh cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25/4. (Nguồn: Minh Huệ Net)

Vậy là thế giới chứng kiến cuộc đàn áp tín ngưỡng khủng khiếp trong lịch sử nhân loại nhắm vào Pháp Luân Công. Ban đầu, học viên Pháp Luân Công nào có uy tín và những người hướng dẫn ở nhóm tập luyện đã bị kết án nặng, các học viên bình thường bị sách nhiễu và đe dọa. Tiếp đó cuộc đàn áp leo thang, và hàng chục triệu học viên đã bị đưa đến các trại cưỡng bức lao động. Theo ghi nhận của Minh Huệ Net, một website của nhóm tín ngưỡng này, thì ít nhất hàng ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết.

Ngoài ra, khi một cuộc nổi dậy chống Chính phủ nổ ra ở Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, vào năm 2008, chính quyền Trung Quốc đã đàn áp nó bằng lực lượng áp đảo.

Năm 2009, cảnh sát Trung Quốc đã đàn áp các cuộc biểu tình của người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, dẫn đến các cuộc đụng độ đẫm máu giết chết ít nhất 197 người, chủ yếu là dân thường người Hán.

Trong cả hai trường hợp ở Tây Tạng và Tân Cương, quân đội Trung Quốc đã nổ súng vào đám đông và sau đó lục soát từng nhà, bắt giữ một số lượng người biểu tình lớn nhưng không xác định con số cụ thể. Những người này hoặc bị kết án nặng hoặc không bao giờ được gặp lại hoặc được nghe lại. Hàng triệu người đã bị giam cầm trong các trại tập trung, bị giám sát và bị cấm đi lại.

Chính quyền Trung Quốc có thể huy động các nguồn lực đàn áp như vậy là nhờ vào ngân sách rất lớn dành cho an ninh quốc nội. Cũng theo AP News báo cáo, ngân sách này đã tăng 3 lần trong thập kỷ qua, vượt qua ngân sách quốc phòng. Theo ước tính của phương Tây, chỉ riêng chi tiêu cho an ninh quốc nội ở Tân Cương đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn những năm đầu thập kỷ 2000.

Số liệu do ĐCSTQ công bố năm 2010 cho thấy lần đầu tiên ngân sách an ninh quốc nội vượt ngân sách quốc phòng. Đến năm 2013, ĐCSTQ không còn công bố dữ liệu phân tích nữa. Tổ chức tư vấn Mỹ Quỹ Jamestown (Jamestown Foundation) ước tính đến năm 2016, chi tiêu an ninh quốc nội của ĐCSTQ đã đạt 113% chi tiêu quốc phòng; nếu tính theo tỷ lệ phần trăm, mức tăng ngân sách an ninh quốc nội hàng năm gấp khoảng hai lần so với chi tiêu quốc phòng. Mức tăng trưởng của cả hai ngân sách này đều cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Đằng sau cuộc đàn áp là một lực lượng ít lộ liễu hơn nhưng cũng không kém phần đáng sợ —hệ thống giám sát rộng lớn— giám sát tất cả mọi thứ có thể. Theo dõi nội dung thông tin qua lại trên mạng máy tính để tìm các thông điệp chống Chính phủ, tin tức và hình ảnh “trái phép”. Các cơ quan kiểm duyệt của Chính phủ đang mạnh mẽ xóa bỏ những nội dung như vậy, đồng thời các đội tuyên truyền hùng hậu của ĐCSTQ đem những nội dung ủng hộ cộng sản rải tràn ngập các website, mạng xã hội, hay các kênh thông tin khác trên mạng.

Đứng hậu thuẫn đằng sau hoạt động đàn áp của ĐCSTQ, là một hệ thống luật pháp được xây dựng phù hợp với chế độ độc đảng của nó. Đừng bị lầm khi thấy Trung Quốc có các cơ cấu lập pháp, hành pháp, và tư pháp giống các quốc gia dân chủ bên phương Tây. Sự tương đồng chỉ là cái vỏ bề ngoài. Thực tế, luật pháp Trung Quốc đủ linh hoạt để đưa bất kỳ ai vào tù với đủ loại tội danh mơ hồ khác nhau, miễn là người đó bị ĐCSTQ coi là phần tử thù địch.

Các tội danh như đơn giản là “lan truyền tin đồn trên Internet” (mà ở phương Tây thì đó chỉ là đăng bài đưa ra quan điểm cá nhân hoặc đưa video hay hình ảnh trung thực), hay là tội “gây gổ và gây rối” (mà có thể chụp mũ vào hầu như bất kỳ tình huống nào), là có mức phạt tối đa đến 5 năm tù.

Nhà báo Sư Đào (Shitao) bị ĐCSTQ bắt giam không chính thức năm 2004, và sau đó bị tòa xử án 10 năm tù giam năm 2013, chỉ vì gửi email hình ảnh liên quan đến thảm sát Thiên An Môn ra nước ngoài. Tội danh của ông được luật pháp Trung Quốc định án là “tiết lộ bí mật quốc gia”.

ĐCSTQ cũng thường xuyên dùng các tội danh như “lật đổ chính quyền nhà nước” hoặc “kích động lật đổ chính quyền nhà nước”, mà trong đó đòi hỏi rất ít bằng chứng, thậm chí chỉ cần bằng chứng bị cáo bày tỏ thái độ chỉ trích đối với đảng-nhà nước. Các bị cáo cũng thường bị từ chối quyền thuê luật sư riêng. Những trường hợp như vậy có thể mất nhiều năm rồi mới đưa ra xét xử, và kết luận trước tòa hầu như luôn luôn là phạm tội.

Ra tù, những người bất đồng chính kiến ​​cũng thường phải đối mặt với nhiều năm bị theo dõi và sách nhiễu, những điều có thể hủy hoại sự nghiệp và gia đình của họ. Đó là một thủ đoạn mà chính quyền Trung Quốc rất thường dùng để mở rộng đàn áp ra phạm vi rất lớn, đối phó và phòng ngừa các nhân tố bất ổn cho quyền lực của Đảng.

Chi tiêu khổng lồ và một bộ máy an ninh quốc nội dày đặc đã khiến ĐCSTQ luôn luôn sẵn sàng đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Nhìn từ góc độ khác, Trí Đức An (Dean Cheng), một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn bảo thủ ở Hoa Kỳ, tin rằng điều đó cũng là dấu hiệu cho thấy “tình hình quốc nội của Trung Quốc kém ổn định hơn nhiều so với những gì các nhà lãnh đạo của họ muốn thế giới tin tưởng”.

Trước mắt, không rõ tình trạng như hiện nay ở Trung Quốc sẽ diễn biến tiếp như thế nào. “Nó có thể khiến [ĐCS] Trung Quốc thay đổi mức ưu tiên của các hạng mục, hoặc sẽ leo thang tạo thêm căng thẳng”, ông Trí Đức An nói.

Thiên Đức (T/h)