Chính quyền Bắc Kinh đang ráo riết lên kế hoạch sắp xếp nhân sự cho Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 20, ngoại giới cũng luôn quan tâm đến vấn đề người kế nhiệm ông Tập Cận Bình. Theo các kênh truyền thông Hoa Kỳ, người kế nhiệm ông Tập đã “được ấn định”, tức là bản thân ông Tập sẽ tiếp tục giữ chức vụ Tổng Bí thư của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ.

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Pháp ngày 25/3/2018. (Ảnh: Frederic Legrand – COMEO / Shutterstock)

CNN đưa tin, lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ thường tuân theo quy tắc 2 nhiệm kỳ 5 năm, và một tổng bí thư mới của ĐCSTQ sẽ được bầu trước khi hết nhiệm kỳ.

Năm 2018, Chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ các điều khoản hiến pháp giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước. Điều này đồng nghĩa với việc ông Tập có thể trở thành chủ tịch nước cả đời, kiểm soát Trung ương ĐCSTQ và quân đội.

Hiện tại, còn chưa đầy 18 tháng là tới Đại hội toàn quốc ĐCSTQ năm 2022, người kế nhiệm ông Tập Cận Bình xem chừng không xuất hiện, nên có thể chắc chắn rằng ông Tập sẽ tiếp tục giữ chức Tổng bí thư ĐCSTQ.

Báo cáo dẫn lời ông Tằng Nhuệ Sinh (Steve Tsang), một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học SOAS London, bình luận rằng ông Tập sẽ tiếp tục giữ chức vụ Tổng bí thư ĐCSTQ trừ khi xảy ra một vài biến cố lớn không thể lường trước, chẳng hạn như đại thảm họa hoặc cái chết của chính ông ấy.

Ông Bill Bishop, nhà văn kiêm nhà báo Mỹ, tuyên bố rằng ông Tập Cận Bình đã loại bỏ thành công một thế hệ đối thủ tiềm tàng cho vị trí lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ thông qua chiến dịch “chống tham nhũng”. Các kế hoạch dài hạn về môi trường, khí hậu và phát triển được lưỡng hội của ĐCSTQ phê duyệt trong năm nay, vẫn kéo dài đến năm 2025 và 2035.

Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đã mở rộng mục tiêu cầm quyền của mình lên đến 10 năm hoặc 15 năm. Tháng 2 năm nay, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu các hoạt động nghiên cứu về lịch sử đảng, nhằm củng cố địa vị của ông Tập Cận Bình trong lịch sử ĐCSTQ, đồng thời cũng cố gắng nâng ông Tập lên vị trí ngang hàng với Mao Trạch Đông trong đảng.

Ông Richard McGregor, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Lowy ở Úc, cho rằng ông Tập Cận Bình từ chối chỉ định người kế nhiệm nhằm kiềm chế tham vọng của các đối thủ tiềm tàng. Nếu ông Tập không chọn được người kế nhiệm khả dĩ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, thì ông ấy có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 hoặc một nhiệm kỳ dài hơn.

Hãng tin Tân Hoa xã của ĐCSTQ đưa tin, năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã đề xuất với Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 về việc sửa đổi hiến pháp, nhằm xóa bỏ hạn chế không cho phép đảm nhiệm chức vụ “Chủ tịch nước” vượt quá 2 nhiệm kỳ. Tờ “Liberty Times” của Đài Loan dẫn lời các nhà bình luận, nói rằng hai chức vụ thực chất của ông Tập Cận Bình là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương và Chủ tịch Quân ủy Trung ương vốn không bị hạn chế về nhiệm kỳ. Như vậy tính đến hiện tại, khi những hạn chế về việc tái cử của chủ tịch nước cũng đã được bãi bỏ, vậy thì nếu muốn, ông Tập có thể trở thành lãnh đạo tối cao suốt đời của ĐCSTQ giống như Mao Trạch Đông.

Hãng tin BBC của Anh đưa tin vào tháng 11/2020 rằng Hội nghị toàn thể lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ 19 đã kết thúc. Chính quyền Bắc Kinh do ông Tập Cận Bình đứng đầu vẫn chưa chuẩn bị cho người lãnh đạo cao nhất tiếp theo của ĐCSTQ. Theo quy định của đảng, ông Tập Cận Bình sẽ kết thúc nhiệm kỳ Tổng Bí thư thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022. Nhưng thông báo của Hội nghị toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 đã công bố mục tiêu trong 15 năm tới, điều này báo trước mục tiêu chiến lược của ông Tập Cận Bình cho nhiệm kỳ thứ 3.

Tin cho biết, thông thường Hội nghị toàn thể ĐCSTQ lần thứ 5 sẽ công bố người kế nhiệm lãnh đạo tối cao, nhưng chính quyền Bắc Kinh chưa hề đề cập đến thông tin liên quan. Nếu được bầu lại làm lãnh đạo tối cao cho đến năm 2035, lúc đó ông Tập sẽ 82 tuổi.

Nguyên Đức, Vision Times

Xem thêm: