Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tức giận trước việc chuỗi câu lạc bộ bán lẻ Sam’s (Sam’s Club) dành cho hội viên thuộc Walmart ở Mỹ đã loại bỏ các sản phẩm từ Tân Cương, liên quan đến vấn đề ĐCSTQ vi phạm nhân quyền. Truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục chỉ trích WalMart và kích động người dân tẩy chay các cửa hàng Mỹ, nhưng không ngờ hệ thống cửa hàng hội viên Sam’s Club lại rất đông đúc, thậm chí trước các khu đồ ăn nóng phải xếp hàng dài chờ mua.

p3069801a962927841
Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích WalMart và kích động người dân tẩy chay hệ thống cửa hàng bán lẻ của họ, nhưng dường như họ lại càng đông khách, thậm chí các khu đồ ăn nóng phải xếp hàng dài chờ mua (Nguồn: mạng xã hội).

Tức giận việc WalMart loại bỏ các sản phẩm Tân Cương

Sau khi Tổng thống Mỹ Biden ký dự luật cấm hoàn toàn nhập khẩu hàng hóa ở Tân Cương, dường như ngay lập tức hệ thống Sam’s Club dành cho hội viên thuộc Walmart loại bỏ khỏi kệ hàng của họ các sản phẩm Tân Cương như: dưa Ha-Mi, táo đỏ, hạnh nhân… Động thái này đã khiến giới chức ĐCSTQ chú ý.  

Ngay lập tức, nhiều cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc bao gồm CCTV, Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh, Nhật báo Kinh tế Trung Quốc… lần lượt đưa tin rằng sau khi WalMart tuân theo chính sách của Chính phủ Mỹ để loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm của Tân Cương đã khiến người dân Trung Quốc ở nhiều nơi bất bình. Tiêu biểu như nhiều người dân ở Trường Sa – Hồ Nam, Hàng Châu – Chiết Giang và Hạ Môn – Phúc Kiến… nói rằng họ sẽ không mua bất kỳ sản phẩm nào của Sam’s Club nữa.

Được biết, tin liên quan nêu trên từng đứng đầu trong các chủ đề tìm kiếm nóng trên Weibo Trung Quốc. Nguồn tin từ các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay, sau làn sóng tẩy chay của người dân Trung Quốc, số lượng lớn Sam’s Club ở khắp Trung Quốc đã xảy ra tình trạng nhiều người rút thẻ hội viên. Nhân viên thuộc hệ thống cửa hàng bán lẻ này cũng cho biết gần đây số lượng người rút thẻ hội viên đã thực sự gia tăng.

Nhưng cái gọi là “làn sóng tẩy chay” được truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên truyền này dường như không đúng tình hình thực tế.

Xếp hàng dài chờ mua tại Sam’s Club

Từng có người làm truyền thông đã đến các cửa hàng bán lẻ Sam’s Club khác nhau để quan sát, được nhân viên cho biết Sam’s Club luôn có chính sách sẵn sàng cho trả thẻ nhưng gần đây không có gì biến động.

p3069811a311277642
Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích WalMart và kích động người dân tẩy chay hệ thống cửa hàng bán lẻ của họ, nhưng dường như họ lại càng đông khách, thậm chí các khu đồ ăn nóng phải xếp hàng dài chờ mua. (Nguồn: Mạng xã hội)

Tờ “Đô thị Eo biển” (Hxnews) tại Phúc Kiến – Trung Quốc cũng đưa tin, trưa ngày 28/12 có rất nhiều người mua sắm ở Sam’s Club duy nhất tại Phúc Châu. Phóng viên quan sát hiện trường khoảng 1 tiếng đồng hồ thì thấy chỉ có 1 người khách hỏi ý kiến ​​nhân viên về việc xử lý thẻ phụ.

Ngoài ra, một số cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ cảnh Sam’s Club vào ngày 28/12, nói họ thấy khu vực đồ ăn nóng đã quá đông khách và có những người xếp hàng dài ở khu vực thanh toán. Về vấn đề này, cộng đồng mạng Trung Quốc cũng chia sẻ hào hứng: “Dư luận viên xem này, chỉ có chúng đi trả lại thẻ”, “Cuối cùng tôi cũng có thể đến Sam’s Club vì không còn đụng dư luận viên”, “Tốt nhất nên quy định những người đã trả lại thẻ không được gia nhập hội viên lần nữa”, “Thật đáng xấu hổ nếu một ngày phải âm thầm đi đăng ký thẻ mới”…

Sam’s Club có 47 triệu hội viên tại Mỹ. Tính đến tháng 5/2016, số lượng cửa hàng của họ tại Mỹ đã lên đến 656, bao phủ 48 tiểu bang. Tại Trung Quốc, Sam’s Club đã mở 36 cửa hàng tại 22 thành phố, số lượng hội viên trong năm nay đã vượt quá 4 triệu người. Từ dữ liệu tài chính cho thấy, hiện nay phần lớn lợi nhuận của WalMart Trung Quốc đến từ Sam’s Club. Theo báo cáo tài chính quý III của WalMart Trung Quốc cho năm tài chính 2022, tổng doanh thu là 140,525 tỷ USD, tăng 4,32% hàng năm.

Intel cũng từ chối hàng Tân Cương

Sau khi Chính phủ Mỹ thông qua dự luật mới “Luật Ngăn chặn Lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ” với số phiếu áp đảo 428-1 vào đầu tháng 12/2021, theo đó giả định không nên nhập khẩu sản phẩm từ Tân Cương vì liên quan đến lao động cưỡng bức. Ngày 23/12, nhà sản xuất chip Intel của Mỹ đã ra thông báo xin lỗi khách hàng, đối tác và công chúng Trung Quốc, cho biết lý do tẩy chay các sản phẩm của Tân Cương chỉ là “biểu hiện tuân thủ luật pháp Mỹ” chứ không phải lập trường chủ trương của Intel.

Đáp lại, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng việc không sử dụng các sản phẩm của Tân Cương là “tổn thất của họ”.

Tuy nhiên sau đó, nhiều cư dân mạng Trung Quốc thẳng thắn nói rằng vì ngành bán dẫn của Trung Quốc không đủ mạnh nên không thể tẩy chay được các sản phẩm của Intel, nếu không dùng Intel thì phải dùng ADM, nhưng ADM cũng của Mỹ, nếu máy tính không có Intel thì mọi người sẽ thất nghiệp mất…

Tự phá chuỗi dây chuyền công nghiệp của chính Trung Quốc

Trên thực tế, với sự lên án của quốc tế đối với cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ, nhà cầm quyền Trung Quốc này đã trả đũa bằng cách tẩy chay các công ty nước ngoài, nhưng hành vi này gây tác dụng ngược, phá hoại chuỗi dây chuyền công nghiệp của chính Trung Quốc.

Ví dụ, sau khi Liên minh châu Âu, Mỹ, Anh và Canada trừng phạt cuộc đàn áp quy mô lớn của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, các công ty nổi tiếng như H&M, Nike, Adidas và UNIQLO đều bị Trung Quốc tẩy chay. Sau làn sóng tẩy chay, nhiều nhà xuất khẩu bông Trung Quốc đã bị thiệt hại nặng nề, thậm chí CCTV Trung Quốc còn không ngại nhắc rằng chỉ khi được chứng nhận của Hội phát triển bông tốt hơn Thụy Sĩ (BCI) thì bông vải và sản phẩm từ bông vải mới có mặt cạnh tranh được trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu không có chứng nhận BCI thì không khác gì bông vải và sản phẩm từ bông vải Tân Cương vào “danh sách đen” của thương mại quốc tế. Số liệu do báo Nhân dân Online Trung Quốc công bố, sản lượng bông của Trung Quốc từ năm 2020 đến năm 2021 đạt khoảng 5,95 triệu tấn, trong đó sản lượng bông Tân Cương là 5,2 triệu tấn, chiếm khoảng 87% sản lượng nội địa Trung Quốc.

Ngoài ra, tình hình cũng khiến ngành dệt may của Trung Quốc đối mặt “thảm họa diệt vong”. Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, ngành dệt may của nước này có 1,21 triệu pháp nhân trong lĩnh vực sản xuất, bán buôn và bán lẻ, với số lao động trực tiếp tham gia là 15,636 triệu người, thu nhập hoạt động của ngành này năm 2018 đạt 12,7 nghìn tỷ nhân dân tệ, chỉ đứng sau ngành công nghiệp thông tin điện tử. Nếu tính cả các hộ gia đình làm thương mại và nông dân trồng bông thì ước tính có khoảng 25 triệu lao động trực tiếp trong ngành dệt may.

Tiểu Quỳ, Vision Times

Xem thêm: