Khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow tăng lên sau cuộc xâm lược Ukraine, truyền thông Trung Quốc vẫn tránh đổ lỗi cho Nga và thể hiện sự đồng cảm với quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin.

Bắc Kinh từ chối ủng hộ cũng như lên án đồng minh thân cận Moscow, đồng thời đổ lỗi cho Hoa Kỳ và “sự bành trướng về phía đông” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) làm trầm trọng thêm căng thẳng.

Đó là quan điểm được truyền thông tích cực trên các tờ báo và truyền hình nhà nước, cũng như trên các phương tiện truyền thông xã hội bị kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc.

Khi ông Putin tuyên bố tấn công Ukraine vào ngày 24/2, hãng thông tấn Tân Hoa Xã khẳng định đây là một “hoạt động quân sự” và Moscow “không có ý định” chiếm đóng lãnh thổ Ukraine.

Vài ngày sau, đài truyền hình nhà nước CCTV lặp lại thông tin sai sự thật của Nga rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã rời Kyiv. Tin này sau đó nhanh chóng được các hãng tin trong nước lặp lại.

Một số báo cáo của Trung Quốc cũng nói rằng đã có một làn sóng tư tưởng “tân Quốc xã” trong quân đội và nhân dân Ukraine – vốn là luận điểm được ông Putin đưa ra làm cái cớ để xâm lược. 

Theo một chỉ thị lan truyền trên mạng hồi tháng trước, được cho là gửi đến một cơ quan trực thuộc nhà nước, truyền thông không nên đăng tải các bài bất lợi cho Nga hoặc “thân phương Tây.” 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hiện né tránh các thuật ngữ như “xâm lược”, thay vào đó mô tả tình hình là “xung đột” hoặc “giao tranh”.

Các quan chức cũng đã bác bỏ thuật ngữ “xâm lược” khi bị các nhà báo nước ngoài chất vấn, trong khi đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn rằng Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia nhưng sẽ không đứng về phía nào.

Lời lên án gay gắt về chiến tranh trong buổi khai mạc Thế vận hội Paralympic Mùa đông ở Bắc Kinh đã không được dịch trên truyền hình Trung Quốc.

Truyền hình cũng không phát sóng các trận đấu của giải Ngoại hạng Anh vào cuối tuần hồi đầu tháng 3, vì biết rằng các cầu thủ sẽ thể hiện tình đoàn kết với Ukraine.

Trước làn sóng ủng hộ của Trung Quốc, cư dân mạng tỏ ra thông cảm với Nga.

Các thẻ tag như #ủng-hộ-Putin đã được phép phổ biến trên Weibo, cùng với những bình luận ngưỡng mộ về sự táo bạo của ông và kêu gọi người dân Ukraine đầu hàng.

Justyna Szczudlik, nhà phân tích về Trung Quốc tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan, nói với AFP rằng “Trung Quốc cố tình sử dụng ngôn ngữ rất mơ hồ” để giảm rủi ro ngoại giao trong quan hệ với các nước phương Tây.

Richard Ghiasy, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague cho biết: “Như mọi quốc gia khác, Trung Quốc … coi lợi ích an ninh của mình là trên hết”.

Ông nói thêm: “Trong tính toán an ninh đó, mối quan hệ ổn định và có thể dự đoán được với Nga là quan trọng nhất.”

Các phương tiện truyền thông cũng đã bắt đầu đẩy mạnh các thuyết âm mưu của Nga.

“Không có lửa làm sao có khói”, tờ Thời báo Hoàn Cầu viết trong khi lặp lại tuyên bố của Nga rằng các phòng thí nghiệm sinh học do Mỹ tài trợ ở Ukraine đang tiến hành thí nghiệm với virus corona trên dơi. Tuy vậy, tờ báo không đăng thông tin về phản bác của Washington rằng cáo buộc là “hoàn toàn dối trá.”

Bắc Kinh cũng đã cố gắng thể hiện mình là tiếng nói trung dung có thể giúp ích cho các nỗ lực hòa bình.

Thời báo Hoàn cầu cho biết hôm thứ Sáu tuần trước, Trung Quốc đã duy trì một “chính sách độc lập về vấn đề Ukraine (và) phát triển quan hệ với tất cả các bên để tạo sự ổn định cho thế giới”.

Nhưng ông Ghiasy tin rằng Trung Quốc coi cuộc xâm lược là một hành động “phòng thủ” chống lại một NATO có thể làm suy yếu lợi ích an ninh của Nga.

Xuân Lan (theo AFP)