Quách Tinh Tinh (Guo Jingjing – 30 tuổi) nói với CNBC rằng cô thường làm việc trong khoảng nửa năm đến một năm mới nghỉ việc. Đây là điều mà cô gọi là lối sống mới của mình: “Làm việc không liên tục và kiên trì nằm ngửa”. Và bây giờ, trong vòng chưa đầy 1 năm, cô đã bị sa thải 2 lần.

shutterstock 1244900779
Dưới chính sách “zero COVID” của ĐCSTQ, việc lập gia đình và khởi nghiệp đối với thanh niên Trung Quốc càng khó khăn hơn, nhiều người chỉ đơn giản là chọn “nằm ngửa” và trở lại cuộc sống “tầm thường”. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Giới trẻ Trung Quốc ngày càng thất vọng và chán nản với công việc và cuộc sống. Sự cạnh tranh khốc liệt đến mức có người từ bỏ ước mơ, khát vọng và chọn cách “nằm ngửa”.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu và Giám sát Tài nguyên Ngôn ngữ Quốc gia Trung Quốc, “nằm ngửa” (tangping) là một trong 10 từ thông dụng trực tuyến hàng đầu ở Trung Quốc vào năm 2021.

“Sự phổ biến của thuật ngữ này phản ánh sự căng thẳng và thất vọng của những người trẻ tuổi”, phó giáo sư xã hội học tại Đại học New York Thượng Hải (NYU Shanghai) Giả Miểu (Jia Miao), giải thích rằng “nằm ngửa” là từ chối làm việc quá sức và chỉ làm những việc cơ bản nhất.

Vào tháng Ba năm nay, một thuật ngữ khác xuất hiện trên mạng ở Trung Quốc: “mặc kệ” (bailan) hay “để mặc cho thối rữa”. Các bài đăng liên quan đến chủ đề này đã có hơn 91 triệu lượt xem trên mạng xã hội khổng lồ Weibo của Trung Quốc tính đến thứ Tư (14/9).

“Mặc kệ là chỉ người trẻ từ chối nỗ lực hơn nữa (trong cuộc sống), vì họ không thấy có hy vọng khi làm như vậy (cố gắng hơn nữa)”. Bà Giả Miểu bổ sung thêm, “mặc kệ” còn tiêu cực hơn so với “nằm ngửa”, đương sự sẽ không còn ôm bất cứ hy vọng nào với tình hình.

Dưới chính sách “zero COVID” của ĐCSTQ, những người trẻ tuổi khó tìm được việc làm hơn

Phó giáo sư Giả Miểu nói rằng hai từ thông dụng “nằm ngửa” “mặc kệ” phản ánh sự cạnh tranh khốc liệt của giới trẻ Trung Quốc ngày nay.

“Mặc dù sự cạnh tranh là trong dự liệu của xã hội, nhưng nó lại nằm trên sự không chắc chắn do đại dịch gây ra”, bà Giả Miểu nói. “Hơn nữa, … năm nay người trẻ càng khó tìm việc làm hơn.”

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 đến 24 tuổi là gần 20% trong tháng Bảy, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp thành thị toàn quốc là 5,6%.

Một năm trước, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi này là 16,2%.

Trong khi ĐCSTQ kiên trì chính sách “zero COVID”, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm một cách nghiêm trọng. Mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý thứ hai chỉ có 0,4%. Nhiều nhà kinh tế hoài nghi rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liệu có đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 5,5% hay không.

Trở thành vật hy sinh của việc ĐCSTQ đàn áp các ngành nghề

id13237157 26 600x400 1
(Ảnh minh họa: Kim Vân/ Epoch Times)

Quách Tinh Tinh cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng thật “khó tin” là cô ấy đã bị sa thải 2 lần trong vòng chưa đầy một năm.

Lần bị sa thải đầu tiên của cô là vào tháng Bảy năm ngoái, khi cô đang làm việc tại một công ty tư nhân cung cấp dịch vụ dạy thêm ngoài giờ học trên lớp. Tuy nhiên, cô đã bị sa thải khi ĐCSTQ thẳng tay đàn áp hệ thống giáo dục và thực hiện chính sách “giảm hai lần” (giảm gánh nặng bài tập về nhà của học sinh trong chương trình giáo dục bắt buộc, giảm việc dạy và học thêm ngoài trường học).

Sau đó, cô dùng tiền trợ cấp thôi việc để đi du lịch khắp Trung Quốc trong nửa năm. Vào tháng Hai năm nay, Quách Tinh Tinh trở về nhà ở Thâm Quyến và tìm một công việc trong một công ty bất động sản.

Điều khiến cô bị sốc đó là, không lâu sau khi được nhận vào làm việc, toàn bộ bộ phận của cô đã bị cho nghỉ việc.

“Tôi chắc chắn đã bị ảnh hưởng … thị trường việc làm đã khá khó khăn trong năm nay. Khi tôi đang cố gắng tìm một công việc khác, lại đúng thời điểm mà ngành công nghệ đang báo cáo cắt giảm nhân viên,” cô nói.

Cô nói, khi đó “nằm ngửa” đã trở thành cách “trốn tránh hiện thực” của cô. Sau khi chính thức tìm không được một công việc ổn định, cô chọn đi làm thêm để trang trải chi phí hàng ngày.

Dưới áp lực, thanh niên Trung Quốc khó “thành gia lập nghiệp”

Khâu Hiểu Thiên (Qiu Xiaotian), 31 tuổi, cũng đồng tình với việc “nằm ngửa”.“Đối với tôi, đó là việc từ chối bị trói buộc bởi sự mong đợi của xã hội. Ví dụ, giá nhà đắt như thế, không cần thiết phải suy nghĩ về nó vì nó sẽ mang đến áp lực rất lớn cho tôi.”

“Thành gia lập nghiệp” thông thường là định nghĩa đối với thành công của người Trung Quốc hiện đại, nghĩa là có nhà, có gia đình, công việc danh giá và tiền bạc.

Tuy nhiên, đối với một số người, thị trường việc làm đầy biến động ngày nay khiến cho những khát vọng đó ngày càng xa vời, bất kể họ làm việc chăm chỉ đến mức nào.

Bà Giả Miểu lấy ví dụ về Thượng Hải và Bắc Kinh, đối với những người Trung Quốc trẻ tuổi, muốn mua nhà ở thành phố lớn như thế này “gần như là không thể”.

Theo “Zhuge Zhaofang”, một cơ quan nghiên cứu và giám sát thị trường bất động sản Trung Quốc, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập ở Trung Quốc “cao hơn nhiều” so với mức trung bình quốc tế. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập từ 3 đến 6 lần là mức hợp lý.

Theo số liệu của “Zhuge Zhaofang”, vào năm 2021, giá nhà ở trung bình ở Trung Quốc gấp 12 lần thu nhập bình quân.

“Vì vậy, nhiều người chọn cách tránh suy nghĩ về nó. Họ từ chối cạnh tranh, từ chối cạnh tranh về tiền bạc, căn hộ hoặc hôn nhân”, bà Giả Miểu nói.

“Dù đã kết hôn nhưng tôi không muốn có con.” Khâu Hiểu Thiên nói, “bởi tôi sẽ không thể cho con mình một cuộc sống tốt đẹp.”